Tôi bước chân vào nghề vào ngay giai đoạn mà đất nước đang quá nhiều khó khăn. Sau thống nhất, toàn bộ đời sống của người dân tụt xuống, giống như trở lại thời xưa. Giai đoạn mà cùng một lúc người dân hai miền đất nước phải chiến đấu với giặc đói, rồi cả giặc ngoại xâm. Thời điểm đó, không một thanh niên nào mà nghĩ đến cái giá trị thụ hưởng, quyền lợi của mình.
Thế hệ của chúng tôi hoàn toàn không có ai nói là đi làm nghệ thuật để được nổi tiếng, mà chỉ để thỏa mãn cái niềm đam mê của mình, trở thành một người tài giỏi để phụng sự việc thay đổi đời sống tinh thần của người dân. Nổi tiếng là giá trị sau cùng mà cái người làm nghệ thuật gặt hái được thành quả, nếu biết chăm bón đúng mực, chứ không phải nó là mục đích đến với nghệ thuật.
Tuy nhiên, có quãng thời gian trong nghề, tôi nản lòng, bị đổ vỡ niềm tin vì cảm thấy hình như đôi khi mình hy sinh cho điều gì đó không có thật, từ đó bị mất đi lý tưởng sống.
Đó là một cuộc đấu tranh rất là gay gắt giữa chúng tôi với những điều mâu thuẫn từ những người lãnh đạo của mình. Kết quả sau đó, như luật bất thành văn, người ta cấm không cho tôi hành nghề trong phạm vi thành phố. Thời điểm đó, bạn bè, đồng nghiệp cũng bỏ đi hết, chỉ mình tôi còn lại trơ trọi. Có lúc, tôi từng nghĩ đến ý định tự sát.
Một thời gian sau, tôi được những người lãnh đạo chân chính phía hội sân khấu bảo vệ, để tôi bám vào câu lạc bộ sân khấu thử nghiệm – sân chơi cho những bạn diễn viên trẻ tốt nghiệp nhưng chưa có công việc - biểu diễn với tư cách hội viên liên tục trong 10 năm sau đó. Lúc đó chỉ nghĩ là làm sao để mình giữ cái nghề diễn này đừng có bị mai một. Thật sự mà nói, nếu không nhận được sự bảo vệ của hội chuyên ngành thì tôi đã không tồn tại được đến hôm nay.
Những lúc đen tối nhất, điều duy nhất giữ tôi thăng bằng trở lại vẫn là nghệ thuật chân chính. Nó là chất xúc tác giữ chân tôi lại với cuộc sống này.
Chúng ta thường nghe nói cụm từ "Nghệ thuật chính là cuộc sống thu nhỏ lại trên sàn diễn". Cho nên cuộc sống có hào quang, nghệ thuật cũng có hào quang, cuộc sống có những điều bỉ ổi thì nghệ thuật cũng y như vậy thôi. Vấn đề là mình phải luôn biết làm chủ, kiểm soát bản thân.
Nói một cách khác là cuộc đời như một trái táo thơm, ai nhìn vào cuộc đời cũng thấy nó đẹp nhưng mà trái táo thì nó cũng có những nơi bị dập, cũng có những chỗ bị sâu, nếu như chúng ta cứ nhắm mắt chúng ta cắn vào thì sẽ thấy cuộc đời không "ngọt thơm" như chúng ta tưởng. Vấn đề là chúng ta cần mở mắt khi tận hưởng điều gì đó, để biết rằng cuộc sống đang diễn ra thế nào, như vậy thì tốt hơn.
Có những lúc tôi cũng sân si lắm chứ, nhưng chính vì học cách sống là một người bao dung, tử tế mà tôi đã gác được những mảng tối đó lại. Và để làm được cái điều đó, tôi mất trên 10 năm để rèn cái tâm của mình: không thỏa hiệp, không bán mình, biết cách tìm sự thăng bằng, biết rút lui khi cần thiết để tránh xa những tranh chấp vô vị. Bởi vì tôi luôn luôn tin rằng khi mình biết rút lui, thì ơn trên sẽ cho mình một cái một cơ hội khác. Điều quan trọng là không bao giờ được đạp lên đồng nghiệp mà đi, vì đó là một cái điều cực kì vô đạo đức.
Tôi không quan trọng huy chương, không quan trọng tới những cái danh xưng, ai trao thì tôi nhận chứ tôi chưa bao giờ phải hạ mình gõ cửa xin xỏ bất cứ cửa nhà quan chức cao cấp nào. Ngay cả những cái giải thưởng mang tính xã hội, cho tới giờ phút này tôi cảm thấy tôi rất hãnh diện với những giải thưởng mà mình đã cầm trong tay bởi vì tôi chưa bao giờ mà mở miệng vận động bất cứ một ai bình chọn cho mình.
Điều mà tôi cảm thấy tự hào với chính mình nhất đó là trên con đường nghệ thuật mà mình đi, tới giờ phút này, tôi vẫn đi bằng chính đôi chân của mình, chính tài năng nghệ thuật của mình chứ không phải bằng đầu gối.
Nghệ thuật mang đến những khó khăn cho tôi, nhưng cũng chính nghệ thuật giúp tôi gạn lọc chúng đi. Nghệ thuật là người thầy lớn dạy tôi về những giá trị sống để biết cái gì mình nên giữ lại, cái gì mình nên loại bỏ nó ra khỏi cuộc đời mình, để tin rằng trên đời này vẫn còn có hoa hồng.
Ở trong nghệ thuật, có một câu slogan của Xtanilapxki - ông là người Nga, là một bậc thầy vĩ đại trong nghệ thuật sân khấu thế giới:"Hãy biết yêu nghệ thuật trong mình chứ đừng yêu mình trong nghệ thuật".
Cho nên đối với tôi, từ trước tới giờ không bao giờ tôi phải quan trọng chuyện thu nhập nhiều hay ít. Trên 30 năm làm nghề, tôi tự hào mình chỉ sống bằng thu nhập từ chính cái nghề này chứ không phải nghề nào khác. Đóng phim, đóng kịch, lồng tiếng… Năm nào thu nhập ít thì tôi sài ít, năm nào tôi thu nhập nhiều thì tôi sài nhiều. Tôi không thỏa hiệp để mình cảm thấy hổ thẹn với bản thân, cho dù tiền nó tới bằng trời. Khi mà bạn đã không đặt cái yếu tố nhu cầu vật chất quá lớn thì sẽ không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì.
Nhìn làng giải trí hiện tại, tôi buồn bởi vì thấy có rất nhiều người không văn minh và không cao thượng. Càng sống trong một thế giới hiện đại thì người ta càng xa dần với cái giá trị đạo đức.
Trong nghệ thuật, tôi chỉ phân biệt rõ ràng hai định nghĩa: người ta trả "lương" cho khán giả để đi xem, với chuyện khán giả dù là bình dân hay cao cấp đều phải bỏ tiền túi ra để đi xem nghệ sĩ biểu diễn. Nói thật, chính vì người nghệ sĩ không ý thức được điều này cho nên trong công chúng mới có những cái từ là "cái tụi nghệ sĩ", "bọn ca sĩ", "bọn diễn viên"… Chính chúng tôi đã làm cho họ gọi chúng tôi như vậy.
Tôi không lo sợ về cái ngày mà mình phải dừng lại, bởi cái gì cũng phải có quy luật của nó. Đào thải là chuyện bình thường trong cuộc sống, mà phải có đào thải thì nghệ thuật mới tồn tại được. Cho nên đừng để mình bị mụ mẫm ở trong cái ánh sáng của vinh quang quá lâu để mình không nhận thức ra là đã đến lúc mình phải lùi lại. Quan trọng vẫn là mình sống, hoạt động nghề nghiệp làm sao để cho công chúng luôn luôn nhớ là ngày xưa đã từng có một nghệ sĩ như thế, chứ đừng để họ nghĩ "À, người đó tắt rồi là cũng đáng đời".
Bản thân tôi thì tôi rất ngưỡng mộ rất nhiều các nghệ sĩ trẻ bây giờ. Tôi nói đơn cử thôi, người này người kia phản ánh Sơn Tùng, tôi thì lại thích. Sơn Tùng hát hay chứ, nhảy hay chứ. Tôi cũng cực kỳ chịu khó nghe Noo Phước Thịnh và cực kỳ thích nét diễn của Phạm Huỳnh Đông, của rất nhiều nghệ sĩ thuộc lớp người sau tôi… Bản thân tôi không bao giờ tôi bảo thủ suy nghĩ chuyện đó. Và cũng như tôi thấy rất nhiều người nghệ sĩ thuộc lớp tiền bối của tôi họ rất trân trọng và họ yêu quý tôi.
Thật ra tôi nghĩ việc thế hệ đi trước yêu quý và ngưỡng mộ những người hậu bối tôi là những chuyện hết sức là bình thường. Đó là cách sống tử tế, là tình cảm những người thật sự tử tế trong nghề dành cho nhau.
Đã từ lâu rồi tôi không có sợ cái gì nữa hết. Trong vở kịch mà tôi đã từng đóng, có một chân lý sống là " Không ngạc nhiên, không hoang mang, không sợ hãi". Bây giờ tôi cũng đang tập sống như vậy.
Có chăng, cái mà tôi sợ chỉ là sợ mình bị mất sức khỏe, sợ bệnh tật chứ tôi không sợ chết. Vì chết là xong, nhưng mà bệnh tật nó làm cho mình bị giảm đi khả năng làm việc. Thật ra tôi đã bệnh tật, từng đối mặt, đứng bên thêm cái chết rất nhiều lần rồi. Lúc đó, tôi chỉ có hoang mang duy nhất đó là tôi không nuôi được mẹ tôi thôi.
Vì vậy ngay cả lúc mà tôi đang đứng trên bờ vực khả năng mình có thể bị bán thân bất toại, vì bị té từ độ cao xuống, thì trong đầu vẫn hoạch định ngay cái kế hoạch tương lai là tôi sẽ làm gì khi ngồi trên xe lăn. Có thể tôi sẽ làm đạo diễn, tôi sẽ viết kịch bản… Tôi luôn luôn chuẩn bị cho mình một cái dự định để mình không trở thành một người vô dụng, để mình không ăn bám hay xin xỏ người khác.
"Trời ơi, một Thành Lộc trước đây đã từng sừng sững như thế mà bây giờ chỉ là một anh hầu bàn thôi". Không! Bạn đừng quá ngạc nhiên hay tỏ vẻ thương hại khi một ngày nào đó bạn thấy tôi bưng cà phê cho bạn. Mà bạn hãy tự hào về tôi, hãy động viên tôi bởi vì tôi vẫn làm một công việc lương thiện, nhận được đồng lương lao động từ chính cái công việc lương thiện để tự tôi nuôi sống mình. Đó là sống tử tế.
Chính vì vậy và tôi không bao giờ bị rơi vào tình cảnh hay chịu tâm lý vớ vẩn mà nghệ sĩ thường hay bị vướng phải đó là cảm thấy bị xấu hổ khi cái thời mình đã qua. Bởi vì nhân cách của tôi khi không còn cái thứ ánh sáng hào quang đó nữa thì tôi vẫn là một con người sống có ích, ít ra là một con người sống có ích cho bản thân mình.
Tôi luôn luôn ý thức là mình xuất phát từ đâu để nếu một ngày, tôi quay lại xuất phát điểm đó thì cũng chẳng là cái gì ghê gớm. Tôi không bao giờ đặt mình quá cao để phải cảm thấy đau đớn khi bị rớt xuống đất.
Tôi là người tham lam trong tình yêu. Tôi yêu nhiều lắm, tôi có thể yêu nhiều người một lúc, tới bây giờ tôi vẫn đang yêu mà, chứ tôi đã hết yêu đâu? Và tình yêu của tôi luôn luôn thanh xuân. Trái tim tôi vẫn đập mạnh những khi tôi gặp người yêu cho dù đó là tình yêu song phương hay là đơn phương, nó vẫn cứ nồng nàn như ngày nào.
Tôi đã từng thổn thức khóc như một đứa con nít khi phải chia tay một chuyện tình nào đó, và mỗi lần khóc xong thì tôi lại cảm thấy sung sướng. Sung sướng bởi vì ít ra nó làm cho mình được đau đớn đến tận cùng để tác phẩm mình nó hay hơn.
Yêu nghệ sĩ khổ, mà nghệ sĩ yêu người ngoài cũng khổ lắm. Nói chung yêu là khổ thôi. Đó là một chuỗi cái cảm giác sướng và khổ nó luôn luôn đan xen vào nhau. Tại ông Adam với bà Eva ăn trái táo cho nên con người khổ thôi. Mà thật sự mà nếu hai người đó mà không ăn trái táo để bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng thì cuộc đời này đã không có thơ, không có văn học, không có nghệ thuật.
Cô đơn? Tôi thấy chuyện đó bình thường lắm. Từ xưa đến giờ bạn có thấy một tác phẩm nghệ thuật nào nổi tiếng trên thế giới xuất phát từ những từ người ăn no mặc ấm, sung túc không? Từ những danh họa cho đến những nhạc sĩ, họ luôn luôn có vấn đề về cái "cõi riêng" của họ, thì nó mới ra được tác phẩm đẹp.
Tôi không chọn cô đơn, ngược lại, cô đơn chọn tôi. Người nghệ sĩ phải được cô đơn để khi trải qua nó, bạn mới thấu hiểu được nỗi cô đơn của nhân loại, bạn mới có tác phẩm chạm vào trái tim người ta. Cho nên cô đơn là một thứ ân huệ lớn lao mà thượng đến ban cho người làm nghệ thuật, đừng có sợ cô đơn! Tới bây giờ tôi thấy tôi vẫn còn diễn hay là bởi vì tôi vẫn còn cô đơn.
Đừng nghĩ cứ một mình thì cô đơn. Con người ta có thể cô đơn ngay trong ngôi nhà của mình, người ta có thể sống với một người chồng, người vợ với con cháu đầy đàn sung túc và giàu có, nhưng cô đơn thì vẫn cứ cô đơn thôi.
Mỗi khi tôi đọc một tác phẩm văn học, xem một bộ phim, hay thậm chí tôi xem một bức tranh mà tôi cảm thấy tôi ứa nước mắt và tôi xúc động, trái tim tôi thổn thức thì tôi cảm thấy rất mừng và biết rằng "A, như vậy là mình còn làm nghề được". Ngày nào mình còn cảm thấy xúc động, còn có khả năng thấu hiểu được thì phải mừng về điều đó. Chứ mọi thứ cứ trôi tuột thì lúc đó mình biết là mình phải chia tay với nghề rồi.
Tôi hài lòng với những gì mình đang có, hài lòng với cả hạnh phúc và hài lòng với cả sự bất hạnh. Đó là những gì mà người nghệ sĩ phải nương nó lên vai mình như một thứ hành trang của mình khi dấng thân vào con đường nghệ thuật.
Theo Tri Thức Trẻ