Đêm trăng rằm 9/6, tại Sài Sơn, Chùa Thầy (Hà Nội), đạo diễn Việt Tú cùng ê-kíp giới thiệu vở diễn “Thủa ấy xứ Đoài” với sự tham gia của 140 nông dân trong vùng. Thông qua vở diễn, anh không chỉ gợi nhớ về những ký ức đẹp đẽ, thuần khiết nhất của văn hoá dân tộc mà còn khẳng định vị trí hàng đầu trong sáng tạo nghệ thuật.
- Từ đâu anh có ý tưởng xây dựng vở diễn đặc biệt “Thủa ấy xứ Đoài”?
- Với tôi, đây là một câu chuyện mới mà không mới. Như các bạn đã biết, sau những năm tháng lang thang đây đó tại các trung tâm nghệ thuật lớn trên thế giới, tôi ấp ủ một chuỗi các chương trình nghệ thuật dân tộc để quảng bá văn hoá Việt Nam tới du khách toàn cầu và được làm theo phong cách của tôi.
Cách đây 2 năm, tôi ra mắt vở diễn đầu tiên trong chuỗi đó - “Tứ Phủ”. Giờ là tác phẩm “Thủa ấy xứ Đoài” được đầu tư bởi ông Đào Hồng Tuyển. Với tinh thần “hướng Đông”, tôi mong muốn những giá trị đẹp đẽ nhất của văn hoá dân tộc sẽ được khán giả thế giới biết đến, thông qua những tác phẩm có nội dung thuần Việt nhưng mang ngôn ngữ thể hiện toàn cầu.
Đạo diễn Việt Tú (giữa) bên những diễn viên nông dân thực sự trong vở diễn của anh. |
- Vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam lấy cảm hứng từ nghệ thuật múa rối nước. Lý do của sự lựa chọn này là gì?
- Tôi là con nhà nòi rối nước. Từ bé, tôi đã theo mẹ lang thang khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ để gặp gỡ các cụ nghệ nhân rối, chèo, tuồng… Tính dân tộc ngấm vào máu một cách tự nhiên, sau này nó pha trộn với đời sống của một người có nhiều năm học tập ở nước ngoài để tạo ra phong cách “modern traditional” đang được sử dụng trong các tác phẩm của tôi.
Bên cạnh đó, Sài Sơn, Chùa Thầy là nơi Đức tổ nghề Rối nước - Thánh tổ Từ Đạo Hạnh, một trong tứ bất tử hiển linh. Việc lấy rối nước làm cảm hứng là đương nhiên, nhưng sử dụng rối nước như thế nào để giải bài toán xử lý không gian lại là thách thức lớn.
- Vở diễn là tổng hợp của nhiều hiệu ứng kinh ngạc như nhà thuỷ đình nặng gần 10 tấn từ độ sâu gần 10 m dưới nước trồi lên, hay ngôi nhà nặng hàng tấn trôi ngang sân khấu. Làm thế nào để anh có thể thiết kế cũng như tìm đơn vị hiện thực các ý tưởng táo bạo này?
- Để làm được điều này, một lần nữa tôi phải cám ơn nhà đầu tư vì đã đề nghị tôi và ê-kíp làm bằng được bất chấp tốn kém. Mọi thứ tính theo đơn vị cả trăm nghìn USD, nếu chẳng may hiệu quả đạt được không như ý thì lãng phí của họ.
Nhà thuỷ đình ứng dụng công nghệ chuyển động mới nhất của thang máy. Chịu áp lực khổng lồ sâu 10 m nước, hệ thống phải hoàn tất quá trình nâng hạ dưới 1 phút 30 giây và hoạt động ổn định hàng ngày. Nhà ngang thì đỡ hơn vì ở trên cạn, nhưng cộng thêm hiệu ứng âm thanh, ánh sáng thì cũng ngốn tiền không kém.
Thực cảnh nhà thủy đình ấn tượng, góp phần tạo nên linh hồn vở diễn “Thủa ấy xứ Đoài”. |
- Không chỉ là người sáng tạo ra vở diễn thực cảnh này, anh còn lên ý tưởng và thiết kế toàn bộ không gian xung quanh. Từng vị trí đặt các bụi tre, hay ngôi nhà cổ đều là ý tưởng của anh. Anh có thể làm cả công việc của kiến trúc sư?
- Đúng là tôi và ê-kíp của mình cùng lên ý tưởng cho toàn bộ khu vực sân khấu. Tôi gọi đây là không gian văn hoá làng Bắc Bộ. Điểm đặc trưng nhất của vở diễn thực cảnh là thực cảnh - lấy thực cảnh để phục vụ vở diễn, lấy vở diễn làm trung tâm và tạo ra cảm xúc cộng hưởng giữa nội dung và không gian văn hoá.
Chính vì vậy ngoài đạo diễn, sẽ không ai thiết kế được chính xác không gian này. Bên cạnh yếu tố văn hoá, bất kỳ cái gì xuất hiện ngoài mục đích tạo ra cảm xúc thì đều là một phần không thể thiếu để vận hành vở diễn.
Một cảnh tượng hoành tráng trong vở diễn. |
- Một đồng nghiệp báo chí đã nói, ngoài anh ra ở thời điểm hiện tại không có ai đủ khả năng thực hiện vở diễn. Anh đã làm thế nào để thuyết phục nhà đầu tư bỏ ra một số tiền lớn đến vậy?
- Tôi tin rằng vấn đề không hoàn toàn nằm ở khía cạnh tiền bạc. Ngay từ đầu, mục tiêu hai bên đều đặt ra là một sản phẩm văn hoá tử tế của người Việt, quảng bá những nét đẹp của dân tộc Việt Nam tới du khách toàn cầu.
Tôi thấy mình may mắn khi nhà đầu tư đã chấp nhận ý tưởng sử dụng người nông dân để biểu diễn của mình, không có yếu tố đặc biệt này vở diễn mất đi hẳn một nửa ý nghĩa. Làm được điều này, tôi tin ngoài lợi nhuận thì nhà đầu tư sẽ có được sự ủng hộ của cả xã hội. Đây mới là điều thực sự vô giá!
Đạo diễn Việt Tú bên sân khấu thực cảnh của vở diễn “Thủa ấy xứ Đoài”. |
- Anh là người luôn tiên phong đưa ra các xu hướng nghệ thuật của thị trường giải trí: show “Nhật Thực” năm 2002 của Hà Trần ứng dụng “nghệ thuật đương đại và video art”, khái niệm “vở thời trang” năm 2006 với “Cơn ác mộng của người thợ may”, giờ đây là “vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam”. Áp lực về sự tiên phong có khiến anh mệt mỏi?
- Tôi lại nghĩ khác, tôi biến áp lực thành động lực, lấy những sáng tạo thành công để kích thích bản thân mỗi ngày. Những nhân vật sáng tạo đa phương diện như Karl Largefield, Madonna, Pharrell Williams… là tấm gương để tôi theo đuổi. Tôi nhìn thấy con đường sáng tạo theo cách của riêng mình, khi mọi người đi về hướng Tây, thì tôi quay về hướng Đông.
Theo Zing