Nếu sinh ra ở giai đoạn mà sau này thường được gọi là “thời hoàng kim của nhạc Việt”, tôi dám chắc bạn sẽ không bao giờ quên cảm giác háo hức mỗi 8h sáng chủ nhật lại quây quần bên chiếc radio để nghe bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh, bài nào thích thì nhanh tay bấm nút “record” để thu lại.
Có khi phải mất vài tuần để có được một “bản thu” hoàn chỉnh, không lẹm phần đầu hay dư phần đuôi. Chưa hết, còn có cảnh ngồi “play - pause” những cuộn băng cassete để nghe từng đoạn nhỏ, nhanh tay chép vào sổ, viết xong rồi lại còn trang trí thật đẹp để mang khoe cùng bạn bè.
Có một dạo, những video với tiêu đề “Bạn đã già khi thuộc những ca khúc này” được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Trong đó, tôi chú ý nhất là câu chuyện Đan Trường. Anh nổi lên từ single đầu tay Kiếp ve sầu vào năm 1997, đến nay đã ngót nghét 20 năm.
Chàng trai mái tóc “bổ luống” từng khiến bao cô gái say mê ngày nào nay cũng đã có gia đình riêng với cậu con trai kháu khỉnh. Nghe những thông tin này, bạn có cảm thấy mình “già” đi chút nào không? Tôi thì có đấy.
20 năm ca hát với thời kỳ đỉnh cao kéo dài, “chàng trai năm ấy chúng ta từng theo đuổi” đã vẽ nên cho thế hệ 8X, 9X một tuổi thanh xuân đẹp như thế. Nhưng có bao giờ, bạn từ hỏi “thanh xuân” của anh ấy diễn ra như thế nào? Đã phải trải qua những gì?
Đan Trường chính thức bước chân vào con đường nghệ thuật từ năm 1996 thông qua một lớp học nhảy rồi chuyển sang một trung tâm đào tạo ca sĩ. Bạn có còn nhớ không, anh ấy từng ghép cặp với ca sĩ Lâm Chí Khanh và tạo nên đôi song ca rất được yêu thích.
Đến 1997, Đan Trường được ông bầu Hoàng Tuấn để mắt và từ đó chính thức trở thành thần tượng của giới trẻ thời bấy giờ. Hàng loạt bài hit như Kiếp ve sầu, Đi về nơi xa, Mưa trên cuộc tình, Bóng dáng thiên thần, Lời ru tình… nhanh chóng trở thành bài hát được nhiều thế hệ thuộc nằm lòng. Cứ như thế, 20 năm trôi qua, anh vẫn miệt mài như thế.
Tôi hỏi anh tự hình dung lại chặng đường làm nghề của mình, anh trầm ngâm rồi tự nhận tuổi thanh xuân của mình không còn gì khác ngoài công việc.
“Cách đây 10 năm, tôi ao ước có một tuần nghỉ nhưng không bao giờ có được, mỗi ngày mỗi giờ luôn luôn bận rộn hết công việc này đến dự án khác”, anh nói. Dù bị cuốn theo guồng máy này nhưng đây cũng là quãng thời gian thăng hoa và sung sức nhất của Đan Trường.
Và tuổi thanh xuân của anh cũng giống như bao người bình thường khác, không thiếu những lúc muốn buông xuôi vì mệt mỏi. Có thời điểm anh kể chỉ ao ước một điều nhỏ nhoi là có khoảng lặng nghỉ ngơi 3-6 tháng.
Chưa hết, ước mơ muốn khám phá thế giới, muốn đi học ngôn ngữ và tìm hiểu văn hóa những nước mà mình đặt chân đến, nhưng đến bây giờ Đan Trường vẫn chưa thể thực hiện được. Cái cảm giác thèm được ra ngoài, được buông bỏ làm những gì mình thích mà chúng ta đang cảm nhận, anh ấy cũng từng trải qua.
Tuổi trẻ trôi qua như thế, nhưng anh bảo không lấy đó làm tiếc nuối. “Đó là cái giá của sự nổi tiếng mà mọi người thường ao ước. Muốn bước lên đỉnh vinh quang, người nghệ sĩ phải dành hết tâm trí, công sức, thời gian cho nó".
“Dù nhiều thứ không được như mọi người nhưng tôi cũng có những hạnh phúc mọi người không cảm nhận được. Nhìn lại, tôi cũng không hối tiếc, sau này miễn sao có sức khỏe vẫn kịp thực hiện những điều từng mong muốn”, anh nói thêm.
Hỏi Đan Trường phương châm và những điều cấm kỵ khi làm nghề, anh bất ngờ chia sẻ hai câu chuyện liên quan đến đạo đức, thay vì những yếu tố chuyên môn như tôi nghĩ.
Phương châm: Có nổi tiếng cỡ nào thì đến ngày cũng hết hào quang, hãy cố sống biết điều, kính trên nhường dưới.
Điều cấm kỵ: Cố gắng nói thật, đừng bịa chuyện đâm thọt nói xấu nhau.
Anh tâm sự sau này nhiều ca sĩ trẻ dù chưa có tên tuổi nhưng đã tỏ thái độ ngôi sao, không biết chào hỏi các bậc đàn anh. Trong khi đó, thế hệ trước lại rất chú trọng vào điều này.
Chuyện ứng xử trong làng giải trí, anh cũng tự nhận xét mình là người sống trầm lặng, khép kín, nội tâm nên ít tiếp xúc trong giới. Cũng vì vậy mà Đan Trường chọn cách tránh xa những cuộc tu tập, đấu đá trong showbiz.
“Ngày xưa, tôi từng bị hiếp đáp, dính thị phi, bị soi mói chuyện bên lề. Nhưng khi đó, tôi chưa một lần phản kháng mà chỉ biết cách cố gắng quên đi và chứng minh bằng hiệu quả công việc", anh kể.
"Sau này khi tham gia các game show, tôi cũng chấp nhận nhường nhịn chứ không quen thể hiện cái tôi hay ăn miếng trả miếng. Việc tranh nhau xem ai nói hay nhất không phải cá tính của tôi. Chỉ khi nào chuyện gì quá sai sự thật hoặc ảnh hưởng nhiều tôi mới lên tiếng”, anh cho biết.
20 năm ca hát, người ta ít thấy Đan Trường lên tiếng cãi vã hay lời qua tiếng lại. Trước thắc mắc này, anh cười nói: “Nghề mà, đôi lúc cũng có sơ xuất, mình phải thông cảm cho người ta thì sau này người ta mới thông cảm cho mình”.
Phải chăng nhờ vậy mà 20 năm ca hát, người ta mới thương anh đến thế? Đan Trường nói: “Tôi cảm thấy may mắn khi 20 năm ca hát, dù có những sóng gió hay đã có gia đình khán giả vẫn không rời xa. Nếu nói tất cả đều ở lại với mình thì không đúng, có bạn phải lo cuộc sống riêng hoặc có đam mê khác, nhưng đa số vẫn ở lại. Với tôi đây là điều hạnh phúc nhất”.
Hiện tại dù không ở thời kỳ đỉnh cao, Đan Trường vẫn sở hữu lượng fan đông đảo nhất nhì showbiz Việt trải dài nhiều vùng miền đất nước. Dĩ nhiên ngoài những niềm vui, tuổi xuân của anh còn có những trải nghiệm nhớ đời bắt nguồn từ những khán giả nhiệt thành.
Trong suốt cuộc đời ca hát, Đan Trường từng 2 lần… suýt chết vì fan. Một lần sập sân khấu, một lần anh bị tấn công khi hàng chục khán giả quá khích ùa vào xe hơi, ngồi chồng chất lên nhau.
Ngoài ra, anh còn rơi vào những tình cảnh dở khóc, dở cười khi người hâm mộ đến trước nhà kêu tên, khóc lóc, ném đá bể kiếng hay bỏ nhà ở quê vào thành phố để xin làm việc cho thần tượng. Không ít lần, anh còn nhận được cả “đồ trong” khiến cả ê-kíp choáng váng, lập tức gửi trả lại.
Năm 2013, chàng trai trong mộng của nhiều cô gái chính thức thuộc riêng về một người. Dù lúc này anh đã 37 tuổi cũng như đi qua thời đỉnh cao, vẫn có nhiều fan nữ vỡ mộng và thậm chí lên tiếng phản đối.
Trước sự phản kháng từ fan nữ, nam ca sĩ cũng chọn cách im lặng. Ngày cưới diễn ra, nhiều giọt nước mắt đã rơi, hạnh phúc có mà đau lòng cũng có. Ấy vậy mà 4 năm cũng đã trôi qua. Người ta lúc này còn lên chức bố, của một cậu nhóc đáng yêu, kháu khỉnh và có cái tên thật đẹp: Mathis Thiên Từ.
Ngày con trai chào đời, khán giả nức lòng thấy hình ảnh nam ca sĩ tự tay bế con một cách khéo léo ân cần. Đan Trường lấy vợ, sinh con khá muộn, điều này vẫn khiến không ít khán giả phải thở dài vì thời gian trôi qua quá nhanh. Hình ảnh chàng trai tóc bổ luống, mặc áo kẻ hát Kiếp ve sầu như vẫn còn ngày hôm qua.
Nói về cậu quý tử, anh Bo cho biết Thiên Từ là một cậu bé rất may mắn, được đầy đủ tình thương lẫn điều kiện vật chất. Nhắc đến chuyện nhà vợ có cơ ngơi khủng, anh tâm sự: “Tôi vẫn phải đi làm việc chứ không sống phụ thuộc vào gia đình vợ. Mình không có gì cho con ngoài những tích lũy suốt cả cuộc đời. Những gì hai vợ chồng gầy dựng cũng để lại cho con hết”.
Cũng vì thương con mà Đan Trường không muốn cậu nhóc tham gia showbiz. Chuyện này không quá lạ lẫm bởi đa số các nghệ sĩ đều chia sẻ muốn con có cuộc sống bình thường, đi học rồi đi làm như bao người khác. Có lẽ họ đều hiểu rằng, mất đi tuổi thanh xuân cũng không hẳn là điều dễ chịu.
Còn về mối quan hệ với bà xã Thủy Tiên, có thời gian nhiều khán giả buông những lời không hay hay thậm chí là những ngờ vực, những suy đoán tùy ý về hai con người mà nhiều khi họ chưa có dịp tận mắt thấy đi cùng nhau.
Hỏi Đan Trường, anh chỉ nói đơn giản: “Chuyện hạnh phúc hay đau khổ chỉ người bên trong cảm nhận và hưởng thụ. Với tôi, chuyện gia đình là điều cấm kỵ không ai nên xen vào”.
Mà sau này, nhìn anh hạnh phúc, người ta cũng không còn tiếc nuối, không còn buồn bã và cũng không còn những lời cay nghiệt nữa. Bản thân anh dù vui hay buồn, cũng đang hài lòng về cuộc sống của mình. Đời người còn gì để mong muốn hơn.
Gần đây, tôi được xem video với nội dung xoay quanh những cô cậu bé 10x được nghe những bài hát từ khiến thế hệ trước phát cuồng. Cũng không thể trách khi đa số các em tỏ vẻ chán chường và có phần khó hiểu những ca khúc này lại cớ gì từng khiến giới trẻ điên đảo đến như vậy. Thật sự để tìm ra một lý do cụ thể cũng không hề đơn giản.
Giải thích một cách quy tắc, thời điểm đó chưa có sự du nhập của các dòng âm nhạc của Hàn Quốc, Âu Mỹ nên nhạc Việt là lựa chọn duy nhất. Còn nếu chọn cách nói theo cảm xúc, thì có lẽ những gì dính dáng đến tuổi thơ sẽ luôn được trân trọng, yêu quý.
Theo Zing