Đêm trao giải của Hội điện ảnh đã khép lại với giải quan trọng nhất dành cho Cô Ba Sài Gòn ở thể loại phim điện ảnh, và bộ phim Thương nhớ ở ai ở thể loại phim truyền hình.
|
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Vương Duy Biên trao giải Cánh diều vàng cho phim điện ảnh Cô Ba Sài Gòn. |
Giải quan trọng nhất giải Cánh Diều Vàng cho phim điện ảnh xuất sắc, Cô Ba Sài Gòn đã vượt qua Em chưa 18 và Cô gái đến từ hôm qua để giành giải Cánh diều vàng. Đây là bộ phim mang thông điệp về áo dài truyền thống, về văn hóa Việt Nam - đúng với tiêu chí lễ trao giải năm nay.
Em chưa 18, bộ phim thành công vang dội về doanh thu với 150 tỷ đồng, nhận giải Cánh diều bạc. Cùng nhận giải này còn có Cô gái đến từ hôm qua.
|
Nhã Phương nghẹn ngào trên sân khấu lễ trao giải Cánh diều vàng. Cô đoạt giải nhờ vai nữ chính trong phim Yêu đi đừng sợ. |
Hai hạng mục quan trọng và được khán giả quan tâm Nam/ Nữ diễn viên chính xuất sắc phim điện ảnh là "cuộc chiến" của Em chưa 18và Yêu đi đừng sợ.
Với vai Hoàng trong Em chưa 18, Kiều Minh Tuấn chiến thắng Ngô Kiến Huy giành giải Cánh diều vàng.
Giải Cánh diều vàng dành cho nữ vinh danh Nhã Phương (Yêu đi đừng sợ). Nhã Phương bật khóc nghẹn ngào chia sẻ: "Đối với Phương, giải thưởng này ở thời điểm này giống như một chiếc phao cứu sinh, giúp Phương có thêm động lực theo đuổi con đường nghệ thuật".
|
Nhan Phúc Vinh và Mi Du nhận Cánh Diều Vàng ở hạng mục Nam, Nữ phụ xuất sắc nhất. |
Đạo diễn Thanh Sơn phim Em chưa 18 đã vượt qua các đồng nghiệp để đoạt Cánh Diều Vàng ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất. Ở hạng mục Quay phim xuất sắc - Lý Thái Dũng (Đảo của dân ngụ cư) đoạt Cánh Diều Vàng và giải thưởng dành cho Thiết kế Mỹ thuật trao cho Trịnh Thiên Thanh (Yêu đi đừng sợ).
Giải thưởng Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim điện ảnh dành cho Midu với Mợ Tuyết Mai trong phim Mẹ chồng. Diễn viên Ngọc Hiệp (vai Xiếm Hoa - Đảo của dân ngụ cư) cũng được đề cử ở hạng mục này.
Nhan Phúc Vinh với vai Miên - Đảo của dân ngụ cư được nhận giải Nam diễn viên phụ xuất sắc phim điện ảnh, vượt qua nghệ sĩ Trung Dân (vai Tư Cào - Ngày mai Mai cưới).
Cánh diều vàng Biên kịch xuất sắc được trao cho Lê Anh Thúy (Tử thi lên tiếng) ở hạng mục phim truyền hình, và Kay Nguyễn (Cô Ba Sài Gòn) ở hạng mục điện ảnh.
|
Nhạc sĩ Giáng Son trao giải Cánh diều vàng cho đồng nghiệp Đức Trí. |
Giải âm thanh xuất sắc phim điện ảnh thuộc về Võ Trung Nhân và Nguyễn Trọng Thanh với phim Ngày mai Mai cưới. Nhạc sĩ Đức Trí nhận giải Âm nhạc xuất sắc với ca khúc trong Dạ cổ hoài lang.
Ở hạng mục giải thưởng dành cho phim tài liệu và phim khoa học năm nay số lượng phim tham dự không đa dạng, phong phú như nhiều năm trước.
Giải thưởng Cánh diều vàng Phim tài liệu dành cho Ngày về (đạo diễn Phạm Thanh Hùng), Cánh diều bạc thuộc về các phim Đất mặn, Một tấc đất không lùi, Miền đất hứa.
Năm nay, hạng mục phim khoa học có 9 phim tham gia nhưng đều không có giải Cánh diều vàng, giải đạo diễn hay quay phim xuất sắc.
Ở hạng mục phim hoạt hình, Người anh hùng áo vải đoạt giải Cánh diều vàng, đồng thời đạo diễn Phùng Văn Hà của phim này giành giải Đạo diễn xuất sắc. Các đề cử phim hoạt hình khác gồm Bí mật của những đứa trẻ (Nguyễn Thị Hồng Linh), Chuyện dưa hấu (Lê Bình). Nguyễn Thị Hồng Linh được trao giải Họa sĩ chính xuất sắc.
Giải thưởng Cánh diều vàng Phim truyền hình xuất sắc là màn cạnh tranh của Thương nhớ ở ai, Sống trong bóng đêm, Tử thi lên tiếng và Lặng yên dưới vực sâu. Một lần nữa, đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh bước lên sân khấu nhận giải cho phim Thương nhớ ở ai. Đây là phim về đề tài nông thôn thời hậu chiến, được khán giả quan tâm thời gian qua và cũng gây nhiều tranh cãi về trang phục của diễn viên trong phim.
Vượt qua các đạo diễn của loạt phim truyền hình gây sốt với kịch bản ngoại năm 2017, bộ phim Thương nhớ ở ai còn chiến thắng ngoạn mục ở hạng mục đạo diễn và quay phim. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh, cùng với quay phim Hoàng Tích Thiện đã lần lượt đoạt Cánh Diều Vàng ở các hạng mục Đạo diễn phim truyền hình xuất sắc và Quay phim xuất sắc.
|
Đạo diễn và quay phim Thương nhớ ở ai nhận giải Cánh diều vàng. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cảm ơn ê-kíp đã rong ruổi cùng anh qua 7 tỉnh trên khắp đất nước để hoàn thành bộ phim. |
Bộ phim truyền hình Thương nhớ ở ai chuyển thể từ tác phẩm Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng. Với tác phẩm này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng để lại nhiều ấn tượng với phim điện ảnh. Khi trao giải, đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ chính đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã truyền cảm hứng cho anh làm phim.
Hạng mục Nam/ Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyền hình đều chỉ có hai đề cử. Ở hạng mục nam, diễn viên Trương Minh Quốc Thái chiến thắng với vai chính trong phim Tử thi lên tiếng. Tuy nhiên, anh không có mặt nhận giải. Hạng mục nữ diễn viên chính khá bất ngờ khi Xuân Văn (phim Lẩn khuất một tên người) vượt qua Súa của Lặng im dưới vực sâu để đoạt giải.
Các diễn viên phim Người phán xử nằm áp đảo trong danh sách đề cử giải thưởng dành cho Nam nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất hạnh mục phim truyền hình. NSƯT Trung Anh vai Lương Bổng phimNgười phán xử đã đoạt Cánh Diều Vàng cho Nam diễn viên phụ xuất sắc cùng với nam diễn viên Jimmi Khánh phim Thương nhớ ở ai. Diễn viên Thanh Hương trong vai con gái ông trùm đoạt Cánh Diều Vàng ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
|
Nghệ sĩ Trung Anh và diễn viên Thanh Hương nhận giải Nam/ Nữ diễn viên phụ xuất sắc tại Cánh diều vàng. |
Giải thưởng Cánh diều vàng hạng mục phim ngắn được trao cho phim Vô diện của đạo diễn Nguyễn Phan Thảo Đan. Các đề cử phim ngắn khác gồm Câu chuyện về ông tời (Trương Minh Nhựt), Lẫn (Nguyễn Ngọc Mai), Buông (Trần Minh Ngân - Anh Quân).
Lễ trao giải Cánh diều vàng 2018 của Hội Điện ảnh diễn ra vào tối 15/4 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Năm qua có đến 38 phim điện ảnh ra rạp, nhưng chỉ 13 đoàn làm phim gửi tác phẩm đến tranh tài.
|
Xuân An nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyền hình. |
2018 cũng đánh dấu việc lần đầu tiên giải Cánh diều “mở cửa” với dòng phim làm lại. Tuy nhiên, các phim remake chỉ tranh tài ở hạng mục cá nhân, chứ không có cơ hội nhận đề cử Phim truyện hoặc Kịch bản xuất sắc.
Bên cạnh mảng điện ảnh, giải Cánh diều còn chọn ra các tác phẩm và cá nhân xuất sắc từ 16 phim truyền hình, 13 phim hoạt hình, 34 phim tài liệu, 9 phim khoa học, 32 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu.
|
Đêm trao giải thường niên của Hội Điện ảnh, ban tổ chức cũng đã dành thời gian tôn vinh nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bảy và nhà quay phim, NSND Trần Thế Dân. Hai ông đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp quay phim. Nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển của điện ảnh cách mạng VN đã được lưu giữ qua thời gian bằng thước phim của NSND Nguyễn Đăng Bảy và NSND Trần Thế Dân.
Theo Zing