Sau khi có thông tin bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ (Operation Red Sea) bị dừng chiếu tại Việt Nam, tờ Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm của Nhân Dân nhật báo, cho rằng “khán giả Việt Nam quá nhạy cảm” với cảnh cuối, khi tàu hải quân Trung Quốc trục xuất tàu nước ngoài trên Biển Đông.
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một chuyên gia Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Quảng Tây khẳng định thông điệp cứng rắn: “Trung Quốc có quyền hợp pháp thực hiện các chiến dịch trong vùng biển thuộc chủ quyền (của nước này)”.
Vấn đề là vùng biển xuất hiện trong đoạn cuối Điệp vụ Biển Đỏ được website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc mô tả là khu vực quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thời gian qua, Trung Quốc đã bồi lấn phi pháp và triển khai vũ khí trên 7 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành vi của Trung Quốc nhiều lần bị cộng đồng quốc tế lên án là đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.
Đến tờ báo Hong Kong Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cũng đánh giá đoạn trên Biển Đông ở cuối Điệp vụ Biển Đỏ thể hiện rõ “chủ nghĩa sô vanh hiếu chiến”. Ý đồ tuyên truyền sai trái về chủ quyền trên Biển Đông của Điệp vụ Biển Đỏ là rất rõ ràng.
Điệp vụ Biển Đỏ là phim do Bộ Quốc phòng Trung Quốc đặt hàng và đầu tư, do đó phô diễn tối đa sức mạnh của hải quân Trung Quốc với tàu chiến và vũ khí hiện đại. Các binh sĩ Trung Quốc trong phim đều chẳng khác gì siêu anh hùng, có thể tiêu diệt quân địch với lực lượng lớn hơn gấp nhiều lần, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao bất chấp mọi hiểm nguy.
Điệp vụ Biển Đỏ khoe sức mạnh của hải quân Trung Quốc. |
Đây là tác phẩm mới nhất trong dòng phim tuyên truyền sức mạnh quân sự Trung Quốc trên phạm vi quốc tế, đã xuất hiện rầm rộ từ vài năm qua. Trước Điệp vụ Biển Đỏ, Chiến lang 2 của Ngô Kinh gây tiếng vang lớn khi đạt doanh thu kỷ lục 874 triệu USD. Chiến lang 2 mô tả người hùng quân đội Trung Quốc bách chiến bách thắng.
Câu khẩu hiệu của Chiến lang 2 thực chất là lời cảnh báo quân sự không khác mấy so với cảnh trên biển Đông ở Điệp vụ Biển Đỏ: “Bất cứ kẻ nào dám khiêu chiến với Trung Quốc cũng đều bị tiêu diệt, cho dù mục tiêu có xa tới tận đâu”. Và báo chí quốc tế cũng dùng những từ ngữ như “chủ nghĩa sô vanh hiếu chiến” hay “chủ nghĩa dân tộc” để mô tả thông điệp bộ phim.
Nhưng điện ảnh Trung Quốc nào chỉ có Chiến lang 2 và Điệp vụ Biển Đỏ. Bộ phim Điệp vụ Tam Giác Vàng (2016) dựa trên sự kiện có thật, “nhận vơ” công lao bắt giữ ông trùm buôn ma túy Naw Kham là của lực lượng an ninh Trung Quốc, trong khi thực tế là Naw Kham bị an ninh Lào tóm cổ và dẫn độ sang Trung Quốc vào năm 2012.
Năm 2017, bộ phim Thợ săn bầu trời (Sky Hunter) có sự tham gia của minh tinh Phạm Băng Băng ra rạp với tư cách là “bom tấn không chiến hiện đại đầu tiên của Trung Quốc”. Đây là tác phẩm được Không quân Trung Quốc đầu tư, khoe khoang chiến đấu cơ J-20, khẳng định thông điệp rằng Không quân nước này đủ sức đánh bại bất kỳ đối thủ nào.
Báo Anh Guardian dẫn lời chuyên gia điện ảnh Jonathan Papish của trang China Film Insider mô tả những bộ phim “vỗ ngực khoe khoang sức mạnh” kiểu như Chiến lang 2 rõ ràng là sản phẩm của một Trung Quốc với chính sách cứng rắn hơn trên trường quốc tế.
Chiến lang 2 khẳng định bất cứ kẻ nào dám khiêu chiến với Trung Quốc cũng đều bị tiêu diệt. |
“Thông điệp đó là Trung Quốc sẽ không chấp nhận để bị quốc gia nào bắt nạt, rằng giai đoạn 100 năm Trung Quốc bị thế lực nước ngoài chèn ép đã qua đi và giờ Trung Quốc đủ sức tự vệ”, chuyên gia Papish nhấn mạnh.
Trên thực tế, chiêu bài “nạn nhân” này từng được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra nhiều khi nói về tranh chấp trên Biển Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng tuyên bố nước này “là nạn nhân lớn nhất” ở Biển Đông vì “bị các nước khác xâm lấn” từ những năm 1970.
Từ thập niên 1990, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường thúc đẩy dòng phim tuyên truyền bằng cách khuyến khích các biên kịch, đạo diễn nhà nước học tập cách làm phim của tư nhân. Tuy nhiên phim tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc hiếm hoi mới đạt được thành công về mặt thương mại, ví dụ như Đại nghiệp kiến quốc (2009).
Nhưng hiện nay, ngày càng nhiều hãng tư nhân ở Trung Quốc thực hiện các bộ phim mang tính chất tuyên truyền nhưng vẫn có tính giải trí cao. Ví dụ Chiến lang 2, Điệp vụ Biển Đỏ hay Thợ săn bầu trời đều có đầu tư của quân đội Trung Quốc, nhưng do tư nhân thực hiện. Đạo diễn của Điệp vụ Biển Đỏ và Điệp vụ Tam Giác Vàng là Lâm Siêu Hiền (Dante Lam), một nhà làm phim tài năng tại Hong Kong.
Phạm Băng Băng trong Sky Hunter. |
“Ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong coi giải trí là yếu tố hàng đầu, do đó các đạo diễn Hong Kong có thể đưa giá trị giải trí vào các phim mà khán giả Trung Quốc đã quá quen thuộc. Đó là lý do các đạo diễn Hong Kong được săn đón để thực hiện các bộ phim tuyên truyền”, báo Hollywood Reporter dẫn lời nhà sản xuất John Chong ở Hong Kong nhận định.
Báo Guardian dẫn lời Raymond Zhou, nhà phê bình phim có tiếng ở Trung Quốc, cho biết các bộ phim như Chiến lang 2 đã tận dụng “tâm lý ái quốc đang dâng cao” ở nước này để đạt được thành công. Tuy nhiên, có rất nhiều phim tuyên truyền của Trung Quốc đã thất bại, không tìm được khán giả. Và bí quyết thành công chính là yếu tố giải trí.
“Khán giả Trung Quốc rất mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc và luôn đối mặt với áp lực cao trong cuộc sống. Do đó khi đến rạp chiếu phim họ nói rằng họ không muốn nhận bài học lịch sử, không muốn như phải ngồi trong lớp học, mà họ muốn được giải trí”, ông Zhou giải thích.
Điệp vụ Tam Giác Vàng mô tả quá lố sức mạnh của lực lượng Trung Quốc. |
Và những phim tuyên truyền đậm chất giải trí của điện ảnh Trung Quốc đã đạt được những thành công vang dội. Chiến lang 2 lập kỷ lục phòng vé với 874 triệu USD, Điệp vụ Biển Đỏ thu về 562 triệu USD, Điệp vụ Tam Giác Vàng đút túi 173 triệu USD… Đó đều là những bom tấn đúng nghĩa.
Sau Chiến lang 2, Ngô Kinh đang chuẩn bị thực hiện Chiến lang 3. Vừa đạt hiệu quả tuyên truyền, vừa tạo ra những thành công thương mại quy mô lớn, chắc chắn dòng phim tuyên truyền kiểu mới này của Trung Quốc sẽ còn tạo ra hàng loạt sản phẩm khác trong thời gian tới.
Theo Zing