|
Trích đoạn Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài vừa diễn ra tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ở triển lãm và biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 100 năm cải lương |
Buổi tọa đàm do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật thành phố tổ chức ngày 27.12.
Kỷ niệm 100 năm tuổi với ít niềm vui
Tương lai của cải lương là giới trẻ, cải lương có tồn tại hay không cũng nhờ vào lớp trẻ. Tác giả Vương Huyền Cơ |
Hầu hết các tham luận đều vẽ nên một chân dung bộ môn cải lương 100 năm tuổi với màu sắc ảm đạm, ít niềm vui, thể hiện rõ qua những bất cập đang tồn tại nhiều năm qua, khiến môn nghệ thuật này gần như rơi vào khủng hoảng. Cải lương không còn đậm đà bản sắc như vốn có, thiếu hơi thở thời đại, trì trệ... khiến khán giả thờ ơ, thậm chí quay lưng. Tác động của cơ chế thị trường, sự bùng nổ công nghệ thông tin, công nghệ giải trí cũng khiến không ít tác giả, đạo diễn, diễn viên... rơi vào sự lúng túng, chạy theo thị hiếu dễ dãi, càng khiến cải lương lao dốc.
NSND-TS Bạch Tuyết cho rằng: “Những điểm nghẽn của cải lương hiện nay thể hiện ở các khâu: kịch bản thiếu hụt tác giả tài năng để tạo ra các tác phẩm hay, truyền tải được thông điệp mà xã hội, công chúng quan tâm, đang cần lắng nghe, suy ngẫm; thiếu vắng những sáng tạo âm nhạc trong cải lương để tạo điểm nhấn cho vở diễn; đạo diễn cải lương không nhiều, đạo diễn giỏi lại càng hiếm; sự thiếu vắng trầm trọng những nhà hát đúng tiêu chuẩn dành cho loại hình ca kịch dân tộc hiện đại...”.
NSƯT Kim Tử Long phát biểu tại tọa đàm |
NSƯT Kim Tử Long cũng bức xúc trước thực trạng khó khăn về nhà hát biểu diễn cải lương, khiến “ông bầu” này phải đau lòng “cất kho” vở diễn đầu tư đến 800 triệu đồng Rạng ngọc Côn Sơn. “Vở chỉ diễn được 2 lần trong dịp liên hoan cải lương toàn quốc vừa qua, đến giờ vẫn chưa có thêm suất diễn nào vì giá thuê rạp quá cao, muốn không lỗ thì phải bán vé giá cao, cả triệu đồng/vé thì làm sao có khán giả?”, anh trăn trở.
NSƯT-TS Nguyễn Thị Hải Phượng băn khoăn về vấn đề nhạc công cho cải lương. Trước đây, các đoàn đều có những ban nhạc riêng, đoàn lớn thì 8 - 10 nhạc công, đoàn nhỏ cũng phải có 3 - 4 nhạc công cổ nhạc cùng 1 tân nhạc. “Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, như các đoàn của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, biên chế dàn nhạc chỉ có 3 nhạc công/đoàn, gồm 2 người đàn cổ và 1 người đàn organ. Như vậy không thể đủ đáp ứng cho toàn bộ yêu cầu của một vở diễn, không thể đủ âm sắc của các nhạc khí làm nhiệm vụ nâng đỡ lời ca, dẫn đến âm nhạc trong cải lương ngày càng đơn điệu và mất đi sự thu hút”, TS Hải Phượng phân tích.
Cần những giải pháp thiết thực
Những giải pháp để “cứu” cải lương cũng được đặt ra. Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện chính sách đối với nghệ thuật cải lương. Bởi lẽ, các chính sách dành cho văn hóa, văn học nghệ thuật hiện đã trở nên bất cập, không theo kịp tình hình phát triển của kinh tế thị trường. Bên cạnh đó đòi hỏi cần phải có sự trang bị cơ sở vật chất phù hợp, đáp ứng hoạt động sáng tạo nghệ thuật của cải lương; các phương tiện thông tin đại chúng cần ưu tiên thời lượng và giờ phát sóng phù hợp, thuận lợi để quảng bá cho cải lương; xây dựng nguồn nhân lực tài năng; tạo một thế hệ khán giả mới, ngay từ tuổi nhỏ, đã biết thưởng thức cải lương...
“Tương lai của cải lương là giới trẻ, cải lương có tồn tại hay không cũng nhờ vào lớp trẻ. Thách thức của chúng ta là làm sao phổ biến cải lương thành đại chúng như tân nhạc, phá bỏ suy nghĩ “cải lương là sến súa”. Muốn vậy phải phổ cập cải lương qua các kênh thông tin phổ biến như YouTube, Zalo, Facebook... Ví dụ như bằng cách mời nghệ sĩ nổi tiếng hát các bài bản như Sương chiều, Xang xừ líu... rồi thách đố người nghe hát theo, có giải thưởng; tổ chức game show về kiến thức cải lương, đưa cải lương vào trường học...”, tác giả Vương Huyền Cơ đề xuất các giải pháp. Chị cũng nhấn mạnh rằng giới trẻ ngày nay thích ngôn tình. Trong khi đó, nghệ thuật cải lương mang tính tự sự, với những câu vọng cổ ngọt ngào, những bài bản thể hiện tâm trạng rất phù hợp với thể loại ngôn tình. Vì vậy cần đầu tư cho tác giả viết ra những kịch bản cải lương hay nhất, ca ngợi chân-thiện-mỹ, ca ngợi tình yêu, lòng hiếu thảo, thủy chung... chạm được trái tim khán giả.
Sẽ triển khai những giải pháp khả thiBà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật thành phố, nhấn mạnh: “Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương hình thành và phát triển, những giá trị tư tưởng, nghệ thuật, xã hội và nhân văn cho thấy cải lương xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể và cần được nhà nước bảo trợ bằng mọi hình thức.
Sau tọa đàm, với sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành liên quan, chúng tôi sẽ tập hợp các kiến nghị, đề xuất thuyết phục để chuyển đến các cấp lãnh đạo nhằm hướng tới việc bảo tồn những giá trị nghệ thuật của cải lương và triển khai các giải pháp khả thi hơn, với niềm tin hoạt động cải lương sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới”.
|
Theo Thanh Niên