Đó là nhận định của TS-NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng, giảng viên Nhạc viện TP.HCM, tại tọa đàm "Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương giá trị nghệ thuật, những bất cập và giải pháp", diễn ra ngày 27-12 tại TP.HCM.
“Thời kỳ cực thịnh của sân khấu cải lương, các đoàn hát đều có ban nhạc riêng. Đoàn lớn 8-10 nhạc công, đoàn nhỏ cũng có 3-4 nhạc công. Đến thời điểm hiện tại, đoàn cải lương Trần Hữu Trang được chia làm ba đoàn nhỏ chỉ có tổng biên chế chín nhạc công, tức ba nhạc công cho một đoàn nhỏ, gồm hai người chơi cổ nhạc và một người chơi organ. Như vậy phần âm nhạc không thể nào đủ cho một vở tuồng. Nhạc công lão thành dần vắng bóng theo thời gian nhưng lại không có người trẻ thay thế” - NSƯT Hải Phượng trăn trở.
NSƯT Hải Phượng chia sẻ những trăn trở của bản thân về người nhạc công tại tọa đàm. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Cạnh việc hạn hẹp biên chế nhạc công trong các đoàn hát, việc đào tạo các nhạc công cũng còn hạn chế. Phần lớn nhạc công xuất phát từ các lò đào tạo tư nhân, học nghề trực tiếp từ các nghệ nhân nên không có bằng cấp, không phù hợp với cơ chế tuyển dụng hiện hành. Trong khi đó, từ năm 2018 Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM đã không còn chiêu sinh đào tạo nhạc công ngành cổ nhạc.
Nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
“Đến thời điểm này, ngoại trừ nhạc công Thanh Hải được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, phần lớn nhạc công lão thành chỉ được phong tặng nghệ nhân ưu tú. Điều này chứng tỏ người nhạc công chưa được quan tâm đúng mức, đây cũng là một yếu tố khiến người làm nghề không hào hứng phấn đấu".
Nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long chia sẻ mỗi suất diễn tại nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đoàn phải đóng cho nhà hát 45 triệu đồng. Tuy nhiên, số ghế trong nhà hát quá ít ỏi, chưa nói đến có lời, nếu muốn hoàn khoản phí trên thì giá vé phải từ 1 triệu đồng/vé trong khi hiện nay giá vé chỉ ở mức 300.000 đồng/vé.
Sân khấu nhỏ hẹp thiếu không gian dàn dựng vở đã hạn chế năng lực của nghệ sĩ. Khi nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được xây dựng lại, chúng tôi hy vọng đây sẽ thật sự là nơi dành cho cải lương nhưng cuối cùng lại trở thành một nơi tổ chức hội nghị cao cấp. Nghệ sĩ không có sân khấu phù hợp để biểu diễn, rất nhiều nghệ sĩ phải chịu cảnh hát đám, hát đình để trụ được với nghề”.