Game show: Càng nhảm càng... lên tốp đầu (!)

Thứ sáu, 12/07/2019, 08:36
Thiếu vắng dần các chương trình có ý nghĩa xã hội hay truyền cảm hứng sống, những game show truyền hình giải trí hiện nay càng xàm, nhảm càng có chỉ số người xem lên tốp đầu

Số liệu từ SocialHeat - hệ thống Social Listening and Market Intelligence (thu thập và phân tích thông tin theo thời gian thực, một cách tự động và có phạm vi thu thập bao phủ hơn 90% các nguồn tin tức và thảo luận từ các mạng xã hội) - cho thấy tốp 5 game show giải trí trên truyền hình ăn khách nhất hiện nay lần lượt (theo thứ tự từ cao xuống thấp): "Running man Việt Nam" (Chạy đi chờ chi), "Người ấy là ai?", "Giọng ải giọng ai", "The voice - Giọng hát Việt 2019" và "Quý ông đại chiến".

Nghịch lý truyền hình giải trí

Vị trí xếp hạng này dựa vào lượt mentions (lượt đề cập của người theo dõi thông qua những dòng trạng thái chia sẻ và hình ảnh nói về chương trình bằng hình thức tag tên chương trình) và lượt view (xem - nghe) trung bình trên tổng số tập đã phát sóng của từng game show, được cập nhật từ kênh YouTube chính thức của các chương trình trong 5 tháng đầu năm nay. Theo đó, ở vị trí đầu bảng chương trình được yêu thích nhất hiện nay, "Chạy đi chờ chi" có đến 337.240 lượt mentions.

Theo số liệu phân tích của SocialHeat, đối tượng quan tâm chương trình này nằm ở độ tuổi 18 - 34, chủ yếu là nữ giới, sống ở khu vực TP.HCM. Các cuộc thảo luận diễn ra đa số trên các hội, nhóm Facebook hoặc fanpages, profiles với tổng lượng mentions là 292.000. Đứng thứ nhì là trên các kênh YouTube với 43.300 mentions, đứng thứ ba là trên các trang báo với 1.500 mentions và diễn đàn với 199 mentions.

Chương trình này đang sở hữu lượng mentions trên YouTube cao nhất bảng xếp hạng, đứng tốp thịnh hành khá nhiều bảng xếp hạng. Sau một thời gian phát sóng, lượng yêu thích và bình luận dành cho nhóm thành viên đã chiếm đến 69,81% lượt thảo luận tích cực, mặc dù chỉ mới ở mùa thứ nhất, chủ yếu bàn luận về sự hài hước, "lầy lội", chịu chơi hết mình của nhóm nghệ sĩ này.

Game show: Càng nhảm càng... lên tốp đầu (!) - Ảnh 1.

Hình ảnh trong “Chạy đi chờ chi” - game show giải trí trên truyền hình có chỉ số người xem cao nhất. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Đứng ở vị trí thứ nhì là game show "Người ấy là ai?" - chương trình giúp cho các cô gái độc thân kiếm người yêu, các cặp đôi có dịp bộc lộ tình cảm và giúp những người thuộc cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) được là chính mình trên sóng truyền hình. Chương trình thu hút vì những bình luận "tâm sự như chị em gái" của các bình luận viên là người nổi tiếng.

Tỉ lệ khán giả của chương trình được khảo sát là nữ giới, độ tuổi 18 - 34, chủ yếu ở khu vực miền Nam. Đa số lượt thảo luận tích cực bàn tán về vấn đề khách mời nào sẽ được mời trong những số tiếp theo, liệu có phải là khách mời được cộng đồng yêu thích không. Về cố vấn định kỳ của chương trình, sự hài hước là yếu tố quyết định giúp cố vấn định kỳ của chương trình chiếm lấy cảm tình của cộng đồng mạng.

Chương trình "Giọng ải giọng ai" - một game show âm nhạc với bản gốc là "I can see your voice" của Hàn Quốc. Với thành công từ phiên bản gốc Hàn Quốc cùng tính chất hài hước giúp chương trình được khán giả chú ý, tỉ suất người xem và mức độ quan tâm cao thấp tùy theo các tập có khách mời nào.

Riêng "Giọng hát Việt 2019" được công chúng quan tâm vì dàn nghệ sĩ "gạo cội" xuất hiện trong vai trò giám khảo: Tuấn Ngọc, Thanh Hà… Còn "Quý ông đại chiến", sức hút đến từ dàn thí sinh nam điển trai và sự hài hước có phần "lố" của dàn nữ nghệ sĩ nổi tiếng: Hương Giang, Lâm Vỹ Dạ, Ninh Dương Lan Ngọc, Võ Hoàng Yến, Hoàng Oanh, Mâu Thủy, Minh Tú…

Những chương trình thuần giải trí hiện nay trên truyền hình thậm chí không cần xây dựng nội dung, kịch bản, chỉ đơn giản là một cuộc chơi mang tính "cục bộ" của một nhóm nghệ sĩ cao hứng chơi với nhau như trong "Chạy đi chờ chi". Nó giống hệt những buổi sinh hoạt tập thể với những trò chơi vận động ngoài trời của bất cứ lớp học, nhóm bạn nào. Ở đó, họ bộc lộ tính cách đời thường và gần gũi nhất. Ở những trò chơi còn lại, khán giả bị chọc cười bằng những "bình loạn", đuổi hình bắt bóng của nghệ sĩ trong việc tìm ra một người có thể hát ("Giọng ải giọng ai") hay việc nhìn hình và đoán một nhân vật nào đó có người yêu hay chưa hoặc đoán giới tính của một thí sinh ("Người ấy là ai?").

Cuối cùng, những chương trình giải trí thuần túy này không đọng lại bất cứ điều gì ở người xem sau mỗi tập phát sóng. Thực tế đó đồng nghĩa với việc "chương trình truyền hình ngày càng rời xa sứ mệnh "khơi gợi cảm hứng" và truyền tải những thông điệp nhân văn, ý nghĩa đến người xem" - nhận định của giới chuyên môn.

Cần thêm chương trình nhân văn

Khán giả từng chứng kiến sự thành công của những game show, chương trình truyền hình thực tế mang đậm chất nhân văn một thời dẫn dắt cảm xúc người xem. Trong đó, "Vượt lên chính mình" trở thành chương trình không có đối thủ, không chỉ về lượng rating mà còn là vị trí trong trái tim khán giả truyền hình. Chương trình "Lục lạc vàng - Kết nối những miền quê" mang thông điệp giản dị nhưng đầy ý nghĩa.

Gây xúc động mạnh cho người xem với thông điệp nhân ái, "Vì bạn xứng đáng" là một trong những chương trình có lượng người xem cao ngất ngưởng dù đây là chương trình duy nhất trên thế giới mà người chơi không nhận bất cứ phần thưởng nào từ chương trình, đều được người chơi gửi tặng cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Hay ở "Điều ước thứ 7", chương trình biến những điều tưởng chừng chỉ là ước mơ của những mảnh đời bất hạnh thành sự thật và "Như chưa hề có cuộc chia ly" lấy không ít nước mắt người xem. Không chỉ truyền tải ý nghĩa nhân văn, những chương trình này còn truyền cảm hứng sống cho nhiều đối tượng khán giả.

Gần đây, những chương trình khai thác ký ức như "Quán thanh xuân", "Ký ức vui vẻ" trên sóng VTV cũng mang lại cảm xúc thú vị cho người xem, hoài niệm quá khứ để yêu hơn cuộc sống hôm nay. Rất tiếc là những chương trình này không còn nhiều như trước.

Các nhà chuyên môn cho rằng khi những chương trình giải trí tử tế ít đi trên sóng truyền hình thì những chương trình giải trí có nội dung xàm, nhảm dễ dàng chiếm đất để sống. Các nhà đài biết điều đó nhưng vì nguồn thu quảng cáo nên cũng đành nhượng bộ.

Chỉ số người xem ảo

Tại hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2019 và tổng kết phong trào thi đua khen thưởng năm 2018 lĩnh vực phát thanh - truyền hình, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử Nguyễn Thanh Lâm khẳng định đã có dịch vụ nhận đẩy chỉ số rating (chỉ số người xem để đánh giá sự quan tâm theo dõi của khán giả đối với một chương trình). Theo cục trưởng, hiện tượng đẩy rating theo yêu cầu của nhà sản xuất dẫn đến tình trạng một số chương trình có thể không được yêu thích, không có người xem nhiều nhưng có rating cao để thuận lợi trong "đàm phán" quảng cáo.


Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích