Văn bản đầu tiên ghi chép về việc sử dụng son môi đề cập đến những chàng trai cô gái ở khu vực Lưỡng Hà (Mesopotamia). Người Ai Cập cổ đại tán nhỏ các loại vật liệu có màu đỏ để tô điểm cho bờ môi mình. Sau đó nữ hoàng Cleopatra giã nát côn trùng cánh cứng và kiến, thu được màu son đỏ tươi mà bà khao khát.
Trong khi đó những phụ nữ khác dùng hỗn hợp tảo thạch y, tảo nâu, Iot… tạo ra chất dịch thoa môi. Loại “son” này bị gọi là "Nụ hôn của cái chết", bởi chúng có độc, có thể gây bệnh tật hoặc chết người. Ngoài ra, có người tán nhỏ vảy cá thêm vào dịch bôi môi để tạo hiệu quả bóng lấp lánh.
|
Bảo ngọc, côn trùng, vảy cá từng là nguyên liệu làm son môi của người cổ đại. |
Đến thế kỷ 16, nguyên liệu làm son môi an toàn hơn. Nữ hoàng Elizabeth I là người đi đầu trong việc phổ biến loại mỹ phẩm này. Những lúc gương mặt nhợt nhạt, nữ hoàng thoa son môi màu đỏ đậm, được chế từ thực vật và sáp ong. Giữa thế kỷ16, người châu Âu tin rằng trang điểm, bôi son có thế đánh lừa thần chết. Đây có thể là lý do tại sao các nữ hầu vẫn trang điểm cho nữ hoàng sau khi bà qua đời.
Thế kỷ 16, thoa son môi là hình thức làm đẹp khá gần gũi với con người. Đến thế kỷ 18, hình thức này không được người bình thường chấp nhận. Thời kỳ này ở Anh, việc phụ nữ làm đẹp bị phản đối gay gắt. Nếu phụ nữ từng trang điểm trước khi cưới, hôn ước có thể bị hủy bỏ. Những người dám trang điểm ra phố chỉ có kỹ nữ.
Người Pháp lại có thái độ khác về trang điểm. Thập niên 80 của thế kỷ 18, phụ nữ tầng lớp thượng lưu không thể thiếu mỹ phẩm. Những người để mặt mộc ra ngoài thường bị coi là kỹ nữ hoặc phụ nữ lao động chân tay.
Cuối thế kỷ 19, nữ hoàng Anh Victoria tuyên bố trang điểm là không lịch sự. Thoa son không còn thịnh hành ở cả Anh và Pháp. Tuy nhiên, vẫn có người dám đi ngược các định kiến. Nữ diễn viên Pháp Sarah Bernhardt cùng một số đồng nghiệp khác nổi tiếng sau khi tô môi ở chốn đông người. Thập niên 90 thế kỷ 19, quảng cáo son môi lần đầu tiên xuất hiện trong danh mục quảng cáo của công ty bách hóa hàng đầu nước Mỹ bấy giờ, Sears Roebuck. Lúc này, son môi được chiết xuất từ vảy cá, rệp son (tên khoa học Coccus cacti).
Tô son môi không thịnh hành ở Anh hồi cuối thế kỷ 19. |
Những năm 1920, son môi thịnh hành trở lại. Năm 1915, Maurice Levy phát minh ra thỏi son có vỏ bằng kim loại đầu tiên. Trước đó, son môi làm từ mỡ hươu, dầu thầu dầu, sáp ong đều được gói trong vải lụa hoặc giấy. Cách đóng gói này không tiện mang theo người.
Năm 1923, thiết kế son môi kiểu xoắn ốc được đăng ký sáng chế, nhiều công ty mỹ phẩm nổi tiếng như Chanel, Guerlain, Elizabeth Arden, Helena Rubenstein… bắt đầu sản xuất loại son môi hình dạng này. Ngôi sao điện ảnh bấy giờ là Clara Bow thích vẽ môi dày với màu son đỏ đậm. Từ đó nhiều người bắt chước lối trang điểm của cô.
Theo Vogue, những năm 1930, quảng cáo góp phần quan trọng trong việc tăng doanh số son môi bán ra. Các công ty mỹ phẩm đưa son môi vào danh mục quảng cáo với thêm một mục đích khác - kêu gọi phụ nữ mua son để chi viện cho chiến tranh. Thời kỳ này, loại son có thành phần chống nắng ra đời.
Sang những năm 1940, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn khốc liệt, son môi trở thành hàng hiếm. Nhà hóa học Hazel Bishop phát minh sản phẩm không bay màu sau nhiều giờ.
Chiến tranh kết thúc, các công ty lớn như Maybeline, Revlon, CoverGirl thực hiện các chiến dịch quảng cáo son môi rầm rộ, đối tượng là nữ giới tuổi từ 16. Đến cuối thập niên 1940, 90% phụ nữ Mỹ dùng son môi.
Sang thập niên 1950, son môi càng được yêu thích và sử dụng rộng rãi, màu son đỏ dần trở thành biểu tượng của sự gợi cảm. Chị em học tập Marilyn Monroe, Rita Hayworth, Ava Gardner, Elizabeth Taylor… tô môi. Độ phổ cập của son môi trong phụ nữ Mỹ có giai đoạn lên đến 98%.
Từ trái sang: Cindy Crawford, Lady GaGa, Taylor Swift đều yêu màu son đỏ rực. |
Những năm 1970, nhiều màu son môi mới xuất hiện. Son đỏ mất vị trí độc tôn. Son môi màu kem, trắng trở nên thịnh hành. Bên cạnh đó sự nổi dậy của phong trào Punk khiến màu môi đen, tím được sử dụng rộng rãi. (Punk là phong trào tư tưởng chống lại những phép tắc, luật lệ, sự kìm nén tự do và tác động nghiệt ngã của đồng tiền cũng như giai cấp xã hội. Punk ra đời cùng sự hình thành và phát triển của văn hóa Hippies, một văn hóa hướng thiên nhiên. Những người chơi dòng nhạc punk thường biểu diễn ở những sân khấu nhỏ).
Những năm 1980, màu son đỏ giành lại vị trí số một. Madonna tô son đỏ trong các buổi trình diễn trong tour vòng quanh thế giới, góp phần “hồi sinh” cho màu son này.
Những năm 1990, màu son nâu, đỏ hồng cùng màu đỏ đậm chiếm ưu thế. Trong đó, son đỏ luôn được phụ nữ yêu thích trong những sự kiện quan trọng.
Theo VnExpress