- Trước đây chị từng làm giám khảo Sao Mai điển hẹn và nhận không ít ý kiến trái chiều. Tiếp tục ngồi ghế nóng Giọng hát Việt, chị chịu những sức ép gì?
- Tôi nghĩ khi đã nhận lời vào vai trò gì đó thì phải lường trước những chuyện bị yêu và bị ghét. Ngay trong gia đình mình thôi, người này người kia còn phật ý nhau, huống chi mình bước chân lên truyền hình, hàng triệu khán giả xem, sao có thể vừa ý mọi người ở tầng lớp xã hội khác nhau, trình độ học vấn khác nhau, gu thẩm mỹ khác nhau. Ra đường có thể gặp chuyện này chuyện kia nhưng có việc thì cứ phải đi thôi, nếu cứ sợ thì ở nhà à?
Tôi thường xuyên xem các mùa The Voice Mỹ và thích fomat của nó. Thú vị nhất là chương trình này chúng tôi làm huấn luyện viên chứ không phải làm giám khảo. Nếu làm giám khảo, bạn chỉ ngồi một chỗ nhận xét người khác còn làm huấn luyện viên, bạn tham gia vào công tác chọn bài, xem giọng hát này hợp thể loại nhạc nào. Điều đó giống như bạn được décor (thiết kế - PV) căn phòng bạn muốn.
|
- Cùng với Hồng Nhung, Quốc Trung, chị hợp thành thế áp đảo của dòng nghệ thuật trong khi huấn luyện viên còn lại là Đàm Vĩnh Hưng nghiêng về dòng thị trường. Là người trong cuộc, chị đánh giá thế nào về điều này?
- The Voice có vẻ thiên về cuộc thi của huấn luyện viên nên mỗi nghệ sĩ khi nhận lời làm huấn luyện viên, màu sắc của đội họ sẽ rất rõ rệt. Tôi cho rằng khi ban tổ chức lựa chọn ai, họ đều có lý của họ. Người có thế mạnh này, người có ưu thế ở lĩnh vực kia hợp lại để bổ sung cho nhau.
Suy cho cùng, đây vẫn là một gameshow truyền hình thực tế, người ta cần nhiều yếu tố kịch tính để hấp dẫn khán giả chứ không chỉ là cuộc thi kiếm tìm giọng hát.
Tôi nghĩ chặng đường còn rất dài. Điểm mạnh cũng như điểm yếu của từng huấn luyện viên sẽ thể hiện rõ ràng ở các vòng sau khi họ trực tiếp huấn luyện, chọn bài vở cũng như thể hiện gu âm nhạc của mình.
- Trong tập đầu tiên phát sóng, có thể thấy chị rất thận trọng khi chọn thí sinh. Cư dân mạng cho rằng “Mỹ Linh là diva nên lựa chọn của cô ấy cũng diva không kém”. Chị nói gì về điều này?
- Họ nói vậy là võ đoán thôi. Tôi không nghĩ là "diva" này nọ thì phải chọn thí sinh thế nào cho xứng danh xưng, mà tôi lựa chọn theo tiêu chí: Mình liệu có thể giúp em thí sinh ấy toả sáng ở các vòng sau hay không. Thực tế, ở vòng Giấu mặt, lựa chọn thí sinh cũng nên cẩn trọng để tránh trường hợp gặp phải thí sinh "một bài".
Tôi chỉ hơi tiếc bé Thảo My người Nam Định đã không chọn tôi. Tôi thích giọng hát và sự trong trẻo của em.
- Con gái chị, Anna Trương, cũng đang có những hoạt động đầu tiên về nghệ thuật trong khi The Voice có tác dụng quảng bá tốt cho các ca sĩ trẻ. Vì sao chị không hướng Anna tham gia cuộc thi này?
- Một chương trình thực tế áp lực rất lớn. Trước hết là áp lực về thời gian. Sau là áp lực từ công chúng, các huấn luyện viên và ban tổ chức. Những áp lực ấy chưa phù hợp với Anna lúc này. Con gái tôi đang tập trung thi vào Học viện âm nhạc Đức. Có thể một chương trình khác, một thời điểm khác chăng?
Mỹ Linh thích các món ăn Pháp, nhất là pho mát. |
- Các ca sĩ hiện nay có công nghệ lăng xê, có các ông bầu, các cuộc thi để khán giả chú ý trong khi thời của chị chủ yếu hữu xạ tự nhiên hương. Chị thấy những người trẻ có lợi thế hơn thế hệ mình những gì?
- Tôi lại nghĩ ngược lại. Thời tôi dễ hơn bây giờ bởi tính cạnh tranh không nhiều. Kinh tế, thông tin… đều chưa mở cửa, thành ra sự đòi hỏi của khán giả không quá cao. Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà… hát hay là có thể trở thành ca sĩ.
Ca sĩ bây giờ hát hay mà không biết chọn êkíp, không biết cách trở nên lộng lẫy khi đứng trước khán giả, không biết chọn loại nhạc mà người ta thích… thì cũng không nổi được. Tính cạnh tranh bây giờ cũng rất cao, bản thân ca sĩ Việt phải tranh thị phần với những ca sĩ ở tận Hàn Quốc, Hong Kong, Mỹ, Pháp…
Bạn có thể nổi lên từ một gameshow nhưng sau một năm, người ta có thể không biết đến bạn nữa. Mọi thứ đến và đi rất nhanh. Thành ra cần những bản lĩnh lớn, những tiềm lực mạnh. Bây giờ không có chuyện một chiếc đũa mà phải một bó đũa mới có thể thành công.
- Ở Anna Trương, cô ấy có một giọng hát nhẹ nhàng, truyền cảm, một sự hỗ trợ lớn từ bố mẹ là những nhân vật tên tuổi trong showbiz. Anh chị nghĩ con gái mình còn thiếu điều gì khi đưa cô ấy đi du học ở Đức?
- Riêng chuyện của Anna lại là do sự lựa chọn. Anna 19 tuổi đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Anna không phải thành ca sĩ tỏa sáng trên sân khấu bởi con bé biết tạng của mình. Anna rất giống bố, khiêm nhường và muốn lui vào hậu trường làm công việc sản xuất thay vì thuộc về đám đông. Người mà Anna ước mơ được làm nhà sản xuất cho đầu tiên chính là em gái Mỹ Anh.
Nếu chị hỏi Anna còn thiếu điều gì thì đó chính là sự tự tin. Anna cần sự tự tin hơn nữa. Chính vì thế Anna lựa chọn đi học, học để trau dồi kiến thức, để mình mạnh mẽ hơn, có những quyết định đúng đắn hơn.
- Bản thân chị ở bên Anna từ những ngày cô ấy còn bé, bập bẹ hát những bài hát thiếu nhi. Khi con chuẩn bị rời xa vòng tay mình, cảm giác của chị thế nào?
- Tôi rời khỏi nhà năm 16 tuổi. Tôi cho rằng, nên để con đi để con đủ lông đủ cánh, để học những bài học, ngoài âm nhạc còn là bài học làm người. Gia đình là thế giới rất hạn hẹp, ở nhà nhất mẹ nhì con, khi ra ngoài xã hội, bạn không nhận được sự ưu ái.
Càng thương con càng phải cho con đi, mình không thể sống thay con. Con có va vấp thì đó cũng là hạnh phúc. Suy cho cùng cuộc đời là tổng hợp những cảm xúc, lúc nào cũng đẹp, cũng vui thì chẳng phải hay. Bản thân tôi nếu ngày nhỏ không có những bữa không đủ cơm ăn thì nay sao biết mình đủ đầy hơn nhiều người?
May mắn của tôi là tôi có thể dễ dàng thăm con trong những chuyến đi biểu diễn nước ngoài của mình.
Cặp vợ chồng nổi tiếng showbiz Việt Mỹ Linh - Anh Quân. Ảnh: Đẹp. |
- Những chuyến lưu diễn, chị bị làm khó khi hát âm nhạc của quốc gia nào?
- Là một ca sĩ chuyên nghiệp, tôi phải học những thứ ngôn ngữ mới để dễ dàng thể hiện ca khúc. Tôi nghĩ để hát chuẩn xác, để khán giả hiểu mình hát gì thì không một thứ tiếng nào dễ, kể cả tiếng mẹ đẻ.
Lần đi biểu diễn ở Paris, tôi thử vài bài hát Anh và mọi người nói sao Mỹ Linh không hát tiếng Pháp, ở đây chúng tôi thích nghe tiếng Pháp hơn. Vì vậy tôi đang cố gắng học để hát tiếng Pháp. Lần sau khi trở lại, tôi sẽ hát những ca khúc này. Nếu sự phản hồi tốt, có thể tôi sẽ thu âm cũng nên.
- Vậy nơi nào để lại cho chị nhiều cảm xúc nhất?
- Đời tôi may mắn vì được đi nhiều nơi. Kỳ này con gái học ở Đức nên tôi sẽ sang châu Âu nhiều. Thành phố tôi thích nhất là Paris. Paris là nơi tôi có những đêm diễn tuyệt vời, khán giả đứng dậy vỗ tay không dứt.
Paris là kinh đô ánh sáng, lúc nào cũng đẹp, ngày đẹp, tối đẹp, góc nào cũng đẹp, thức ăn rất ngon, con người rất lịch sự, những người bạn Việt Nam sống ở đó cũng rất đáng yêu. Tôi có một vài người bạn thân sống ở đó nên tôi rất yêu Paris.
Tôi và anh Quân cùng gia đình đã vài lần cùng đến đây. Những lần như thế, tôi hay để anh ấy lại khách sạn và đi mua sắm cùng các cô bạn gái. Tư vấn về thời trang thì anh Quân không phải là người giỏi. Anh ấy cũng kiệm lời nên bình luận chỉ trong những từ: “Cũng được" hoặc "Không đẹp”.
- Đối với người ít nói, thâm trầm như nhạc sĩ Anh Quân, có bao giờ chị trông đợi sự lãng mạn như một người đàn ông Pháp?
- Lãng mạn cũng có nhiều kiểu, Pháp có kiểu lãng mạn của Pháp, Việt có kiểu lãng mạn của Việt, có điều mình đủ tình yêu nhìn ra sự lãng mạn của người ta hay không thôi.
Trong một bữa ăn, tôi chỉ nói: "Hôm qua em nghe ipod anh gửi nhạc cho em, thấy cô ca sĩ A hát hay quá, sao bao lâu nay mình không biết nhỉ". Lập tức tối hôm sau tôi thấy một CD hát live của cô ca sĩ ấy ở đầu giường.
Anh Quân không thuộc tuýp nhiều lời để nói: "Anh mua tặng em cái đĩa đấy, em nghe đi". Toàn bộ sự lãng mạn của anh chuyển thành hành động.
Nếu 20 tuổi tôi sẽ cho là khô khan, nhưng ở lứa tuổi này, tôi thấy như vậy thật lãng mạn. Tôi thấy mình may mắn vì mình đã nhìn ra điều này sớm. Có những người ở tuổi tôi vẫn chưa nhận ra, đòi hỏi thêm điều này điều kia rồi buồn và thất vọng về nhau.
Ca sĩ Mỹ Linh sẽ đảm nhận vai trò giám khảo cuộc thi "Nước Pháp tôi yêu" do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và báo điện tử VNE tổ chức. Đây là một hoạt động của "Năm Việt Nam - Pháp", kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
|
Theo VNE