Có thể nói, từ trước đến nay chưa bao giờ trong nước ta sự xuất hiện của một cuốn sách lại thu hút nhiều sự quan tâm, tranh cãi của mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ như vậy. Trong những ngày qua, cuốn sách Xách ba-lô lên và đi của cô gái trẻ Huyền Chíp (tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía độc giả và dư luận.
TS Lương Hoài Nam |
Điểm thu hút sự chú ý của dư luận là bởi cuốn sách gây bão khi xuất hiện với chi tiết Huyền Chíp đi 25 nước bao gồm Châu Á, Châu Phi và châu Mỹ chỉ với số tiền ban đầu có 700$ (khoảng gần 15 triệu VNĐ). Dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến tính xác thực của câu chuyện kèm theo đó là những chi tiết được cho là "phi lý" được miêu tả trong cuốn sách.
GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Tôi khâm phục Huyền và tin vào những dòng nhật ký đầy xúc động của Huyền Chip và những chuyến đi của cháu là thực sự”.
Với quan điểm riêng, TS. Lương Hoài Nam cựu Tổng Giám đốc hãng hàng không Jetstar Pacific, từng đảm nhận chức vụ Giám đốc điều hành của hãng hàng không Air Mekong, từng tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Đại học Hàng không Riga, Lat-via, Liên-xô (cũ) vào năm 1986 đã đưa ra cách đánh giá khi nhìn nhận vấn đề đối với tác giả cuốn sách Xách ba-lô lên và đi. Với tiêu đề: "Mình nghĩ gì về bạn Huyền Chíp?", - TS. Lương Hoài Nam bày tỏ:
"Trước hết, mình không đánh giá cao (thôi, nói thật là đánh giá thấp) những người yêu cầu bạn này phải xuất trình visa các nước bạn ấy nói là đã đến và chứng minh tại sao xin được visa mà khi không chứng minh được có nguồn tài chính đảm bảo cho chuyến đi. Những yêu cầu đó mình coi là vô tích sự!
Bức ảnh Huyền Chíp ghi lại trong chuyến đi tại Châu Phi của mình.(Xem thêm nghi vấn Xách ba-lô lên và đi của Huyền Chíp) |
Bạn Huyền đi được 25 nước như đã viết, hay chỉ 15 nước, hay 35 nước, con số đó chẳng quan trọng gì. Cái quan trọng ở đây là bạn ấy có một lựa chọn khác với nhiều người: Bỏ đại học để đi lang thang đây đó, tìm hiểu địa lý, văn hoá, con người ở nhiều nơi trên thế giới. Mục đích của việc tìm hiểu cũng rõ ràng: Để viết về những gì mình được mắt thấy, tai nghe, về các cảm xúc mình có.
Đi đó đây, khám phá thế giới cũng là một kiểu học, đâu phải chỉ có học đại học mới là học. Không có khái niệm "kiến thức này" nhiều hơn "kiến thức kia". Mọi kiến thức chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Viết sách cũng là cách sử dụng kiến thức và là cách rất tốt, không phải ai cũng làm được. Mình đã đến nhiều nước hơn bạn Huyền, đến nay chưa viết được cuốn sách nào. Không phải vì mình không giỏi chữ bằng bạn ấy, mà vì mình chưa tìm hiểu sâu và chưa có cảm xúc mạnh.
Nói về cảm xúc thì thường thế này: Những người ít có cảm xúc hoặc không có cảm xúc thường nghi ngờ sự chân thành trong cảm xúc của người khác.
Chỉ có điều, mình đọc nhiều, tin và tôn trọng các cung bậc cảm xúc của người khác. Mình không là họ, họ không là mình. May mà cuộc sống nó đa dạng như thế, chứ không thì chỉ một lũ cừu Dolly sống với nhau, con nào cũng giống con nào, hay ho cái gì?
Bạn Huyền rời Việt Nam với chỉ 700 USD hay với 7.000 USD, hay 70.000 USD, cái đó cũng không quan trọng nốt. Cái quan trọng là trong hành trình đi bạn ấy làm nhiều công việc khác nhau. Làm việc giúp cho con người lớn lên, hiểu cuộc sống, con người, tình người hơn là đút hai tay vào túi đi du lịch. Mình đã đi lao động ở Siberia xa xôi cách đây đúng 30 năm, ngày ngày đi đổ bê tông ở công trường. Đến nay mình vẫn nhớ hết những kỷ niệm của lần đi Siberia đó. Trong những năm học đại học ở Liên-xô, mình đã làm công nhân nhà máy gỗ, nhà máy sứ, nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em..., những cảm xúc lao động đến nay vẫn còn.
Vậy nên, khi đánh giá một con người, hãy gạt sang bên lề các con số tiền bạc. Tiền bạc là cái ít có ý nghĩa nhất.
Hãy nghĩ về những việc họ đã và đang làm, cho bản thân họ và cho xã hội. Hay hay không hay, tốt hay không tốt là ở việc, không phải ở tiền".
Theo GDVN