|
Báo cáo do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng ký vào ngày 25/11. Theo đó, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2012, cả nước có 846 doanh nghiệp (DN) do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
127 tập đoàn kinh tế (TĐ), tổng công ty nhà nước (TCT), công ty mẹ - con có tổng tài sản là 2.392.274 tỉ đồng, tăng 28,8% so với năm 2011.
Số nợ phải thu của các TĐ, TCT là 275.975 tỉ đồng, trong đó, nợ phải thu khó đòi là 13.490 tỉ đồng (TĐ Viettel với 3.282 tỉ đồng; TĐ Bưu chính viễn thông Việt Nam 2.089 tỉ đồng; TĐ Dầu khí quốc gia 1.594 tỉ đồng…), tăng 24,5% so với năm 2011, chiếm 4,89% số nợ phải thu. Tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản năm 2012 là 11,5% (năm 2011 là 14,4%).
Đáng chú ý, một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản ở mức cao, trên 50%, như TCT xây dựng công trình giao thông 8 với nợ phải thu hơn 1.000 tỉ đồng, bằng 66% tổng tài sản; TCT xây dựng Thăng Long gần 800 tỉ đồng, bằng 60%; TCT Thành An 840 tỉ đồng, bằng 56%; TCT xây dựng Trường Sơn hơn 800 tỉ đồng, bằng 55%...
Nợ phải trả của các TĐ, TCT bằng 56% nguồn vốn
Chính phủ cũng cho hay nợ phải trả của các TĐ, TCT, công ty mẹ-con năm 2012 lên tới 1.348.752 tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2012 là 1,46 lần. Có 48 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, như TCT lắp máy VN 53,19 lần; TCT xây dựng Bạch Đằng 20,97 lần; TCT xây dựng công trình giao thông 1 là 18,41 lần…
Giải pháp xử lý chưa mạnh mẽ PGS-TS Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN, cho rằng những con số nợ nói trên của các TĐ, TCT thể hiện tình trạng thiếu hụt vốn chủ sở hữu, thua lỗ chưa được xử lý, điều chỉnh rõ nét. Về nợ phải trả, nhiều TĐ, TCT huy động quá nhiều vốn để thực hiện đầu tư, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, thành lập nhiều công ty con, công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Trong khi thực trạng nợ và nợ xấu của các DN nhà nước vẫn ở mức khá cao, thì giải pháp xử lý, cơ cấu lại nợ chưa thực sự mạnh mẽ. |
Nợ vay cả ngắn hạn và dài hạn từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức tín dụng (TCTD) của các TĐ, TCT được báo cáo là hơn 400.000 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2011. Trong đó, một số TĐ, TCT có số nợ vay từ các NHTM và TCTD tương đối lớn, như TĐ dầu khí VN gần 125.000 tỉ đồng; TĐ điện lực VN hơn 103.000 tỉ đồng; TCT hàng hải VN gần 31.690 tỉ đồng; TCT Sông Đà 17.644 tỉ đồng...; TCT lương thực miền Nam gần 7.600 tỉ đồng...
Nợ nước ngoài của các TĐ, TCT là 315.851 tỉ đồng (vay ngắn hạn chỉ chiếm 70.659 tỉ đồng, còn lại là vay dài hạn), trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ hơn 54.500 tỉ đồng; vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh hơn 150.000 tỉ đồng, còn lại các TĐ, TCT tự vay, tự trả.
Các TĐ, TCT được cho là có nợ nước ngoài hàng nghìn tỉ đồng có TĐ điện lực VN với 112.625 tỉ đồng; TCT hàng không VN là 27.837 tỉ đồng; TĐ dầu khí VN gần 16.000 tỉ đồng…
Về vốn chủ sở hữu, báo cáo cho thấy mức tăng của các TĐ, TCT tương đương 27% so với năm 2011. So với giai đoạn 2006 - 2007, vốn chủ sở hữu các TĐ, TCT đã tăng hơn 600.000 tỉ đồng (tương đương 290%). “Xét tổng thể, các TĐ, TCT bảo toàn được vốn chủ sở hữu, hệ số bảo toàn vốn bình quân là 1,27 lần, nhưng cũng có những TCT không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính dẫn đến vốn chủ sở hữu giảm sút hoặc âm vốn chủ sở hữu”, Chính phủ báo cáo.
Không chỉ nợ lớn, báo cáo cũng cho thấy tính đến 31/12/2012, có 25 TĐ, TCT lỗ lũy kế 17.033 tỉ đồng (TĐ điện lực VN 3.143 tỉ đồng; TCT xây dựng đường thủy 710 tỉ đồng; TCT hàng hải VN là 10.239 tỉ đồng…) và 16 công ty mẹ khác lỗ lũy kế 11.820 tỉ đồng.
Đáng lo ngại
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng con số nợ nói trên của 127 TĐ, TCT, công ty mẹ - con rất đáng lo ngại. Bởi lẽ con số nợ 1.348.752 tỉ đồng này tương đương với 62 - 63 tỉ USD, bằng một nửa GDP của VN trong năm 2012 (khoảng 136 tỉ USD).
Theo ông, Chính phủ cần có báo cáo giải trình chi tiết hơn về nguyên nhân nào dẫn đến nợ, phương án trả nợ, khả năng trả nợ và hiệu quả quản lý tài chính ra sao. Đồng thời phải nói rõ trách nhiệm giải trình, giám sát trong thời gian qua được thực hiện như thế nào mà để xảy ra nợ lớn như vậy.
Để giải quyết vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng đối với các DN nhà nước đang hoạt động có nợ NHTM nhà nước, khi xử lý nếu thua lỗ liên tục không thể khắc phục được phải giải thể phá sản, đối với DN thua lỗ đã tổ chức lại sản xuất, có khả năng phát triển thì xóa nợ lãi vay và khoanh nợ gốc, tái cơ cấu lại nợ.
“Tái cấu trúc DN nhà nước là giải pháp quan trọng để cải thiện tình hình. Tuy nhiên nếu không có phương án trả nợ hay trả nợ bằng cách nào, nguồn tiền ở đâu thì việc tái cấu trúc khó thành công. Chính phủ cũng yêu cầu các TĐ, TCT tự mình đề xuất phương án tái cấu trúc. Thế nhưng, trong trường hợp này, việc tự tái cấu trúc của các DN đang nặng nợ chẳng khác nào bắt người bị què chân tự nắm tóc mình đứng dậy”, TS Doanh nói.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh rằng con số nợ này là quá cao. Và ông cho rằng điều cần thiết hiện nay là phải minh bạch vì sao nợ, phương án trả nợ, nguồn tiền trả nợ ra sao…?
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lý giải: “Tôi không ngạc nhiên bởi con số nợ này. Các TĐ, TCT này được cấp tiền để làm ăn nhưng thua lỗ, rồi lại được cấp tiếp, rồi thua lỗ... Đến cuối năm, các khoản nợ không trả nổi được khoanh lại, sau đó các NHTM của nhà nước cho vay tiếp, rồi được xóa nợ.
Vòng luẩn quẩn vay, không trả nổi, khoanh nợ diễn ra liên tục chính là nguyên nhân khiến tình trạng nợ của các TĐ, TCT ngày càng phình ra. Các DN này cũng làm ăn không hiệu quả, khi hệ số ICOR (hệ số sử dụng đồng vốn) thấp. Làm ăn thua lỗ nhưng không bị giải thể mà tiếp tục hoạt động nên nợ chồng nợ. Tôi cho rằng, Chính phủ cần rà soát lại, những DN nào thua lỗ kéo dài, không thể cứu vãn thì nên cho giải thể; DN có tiềm năng thì có thể bán, đừng cổ phần hóa theo kiểu giữ cổ phần chi phối”.
Theo Thanhnien