Cổ đông chiến lược bỏ đi
VPBank vừa công bố thông tin về việc thoái vốn của cổ đông chiến lược là Oversea-Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) - ngân hàng lớn nhất Singapore tính theo vốn hóa thị trường, là cổ đông nước ngoài lớn nhất và duy nhất tại VPBank.
Theo đó, OCBC thoái toàn bộ 14,88% vốn, tương đương 85.830.457 cổ phần VPBank vào ngày 22/11 vừa qua.
Cũng giống trong vụ cổ đông lớn nhất là CTCP Đầu tư Châu Thổ hồi đầu năm 2013 đã bán ra toàn bộ 86,5 triệu cổ phần VPBank (14,99%), rút chân khỏi ngân hàng này, đúng một ngày sau khi được nhận thêm gần 10,8 triệu cổ phần từ chia cổ tức và cổ phiếu thưởng. Lần đó, các bên liên quan cũng không thông báo cụ thể về chủ nhân mới của khối lượng cổ phiếu khổng lồ nói trên.
Còn theo báo Singapore Bussiness Review (SBR), OCBC bán lại số cổ phần này cho 3 NĐT cá nhân Việt Nam có tên Huynh Ba Lan, Ngo Thu Thuy và Pham Vu Thi Nhu Hoang theo phương thức thuận mua vừa bán với tổng giá trị khoảng 55,5 triệu USD, tương đương khoảng 1.170 tỷ đồng, được thanh toán bằng tiền mặt.
OCBC đã nắm giữ cổ phiếu VPBank trong gần 7 năm qua thông qua hai lần mua vào cổ phần hồi năm 2006 và 2008 và đợt được nhận cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng đầu năm 2013, với tổng số tiền bỏ ra khoảng hơn 41 triệu USD.
Trước đó, giới đầu tư xôn xao với những giao dịch cổ phiếu EIB của Ngân hàng Eximbank. Hàng trăm triệu cổ phiếu EIB được chuyển nhượng khá bất thường cùng những thông tin thoái vốn của một số NĐT lớn cùng với quyết định mua gần 62 triệu cổ phiếu quỹ của ngân hàng này khiến rất nhiều nghi vấn về một sự chuyển đổi cổ đông lớn của ngân hàng này được đặt ra.
Trong năm trước, giới đầu tư đã chứng kiến những chuyển biến bất thường trong giao dịch cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank và sau đó là vụ thâu tóm lịch sử.
Trước khi rơi vào tay cổ đông lớn, ông chủ cũng là người sáng lập Sacombank là Đặng Văn Thành cũng đã có kế hoạch mua 100 triệu cổ phiếu STB để làm cổ phiếu quỹ nhưng bất thành. Sau đó là sự ra đi lần lượt của hàng loạt cổ đông nội ngoại lớn nhỏ. Cùng với những giao dịch lạ chưa từng thấy trong lịch sử là sự thay đổi hoàn toàn về sở hữu, trong đó có sự xuất hiện của các đại diện từ Ngân hàng Phương Nam và Eximbank chuyển sang.
Ngoại chán, nội vẫn ham?
Hiện tượng mua-bán cổ phiếu không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở các ngân hàng tốp đầu, giới đầu tư còn chứng kiến những vụ đổi chủ lớn ở nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ hơn.
Sự kiện ra mắt Ngân hàng Xây dựng Việt Nam vào cuối tháng 5/2013 bằng việc đổi tên Ngân hàng TrustBank. Tổng thư Vnrea là ông Phan Thành Mai trở thành tổng giám đốc của ngân hàng này và trong cơ cấu cổ đông lớn của ngân hàng mới, Tập đoàn Thiên Thanh cùng nhóm 20 cổ đông cá nhân khác nắm cổ phần chi phối lên tới trên 80%.
Gần đây, hồi giữa tháng 11/2013, NHNN cũng đã chấp thuận cho DaiABank sáp nhập vào HDBank kể từ ngày 20/12/2013. Cái tên DaiABank sẽ biến mất sau hơn một năm hai ngân hàng này “tìm hiểu” nhau.
Hồi đầu tháng 9, ĐHCĐ hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank) cũng đã đánh dấu chính thức cho sự sáp nhập giữa 2 tổ chức này và hình thành nên một ngân hàng mới - Ngân hàng TMCP Đại Chúng (Pvcombank).
Trong mùa ĐHCĐ 2013, giới đầu tư cũng chứng kiến sự thâm nhập của một trong những doanh nhân nổi tiếng là ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) nhảy vào hệ thống ngân hàng với việc giữ chức chủ tịch HĐQT Ngân hàng KienLongBank.
Trong thời gian gần đây, hoạt động của đa số các ngân hàng Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, với huy động vốn giảm, cho vay giảm, lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng vọt… Đa số các ngân hàng báo lợi nhuận suy giảm nghiêm trọng trong quý 9 tháng đầu năm 2013. Thậm chí có ngân hàng báo lỗ, nhiều ngân hàng không trả cổ tức hoặc trả cổ tức ở mức rất thấp.
Nhìn chung, nếu xét vào tỷ suất sinh lời không ít NĐT tổ chức đã thực sự thất vọng với các ngân hàng. Giá cổ phiếu “vua” một thời này đã xuống mức thấp, thậm chí dưới cả mệnh giá (10.000 đồng/cp). Đây có lẽ là một trong các lý do khiến một số NĐT trong và ngoài nước thoái vốn khỏi lĩnh vực này.
Với VPBank, mức giá bán 55,5 triệu USD mang đến cho OCBC một lợi nhuận không cao nhưng có lẽ trong bối cảnh TTCK Việt Nam vẫn ở kém hấp dẫn hiện nay thì kết quả nói trên là chấp nhận được.
Giải thích về vụ OCBC thoái vốn, VPBank cho rằng, vụ việc giúp ngân hàng cơ hội tìm kiếm các đối tác chiến lược mới phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển trong thời gian tới. Điều này có nghĩa VPBank lai sẽ tiếp tục có những xáo trộn mới trong cơ cấu sở hữu và quản trị
Vụ Sacombank và Eximbank với khối lượng hàng trăm triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thỏa thuận liên tục cũng cho thấy sức hấp dẫn của các cổ phiếu “vua” hiện tại.
Có thể thấy, quá trình tái cấu trúc NH đang diễn ra khá mạnh mẽ. Nhiều NH đang “thay máu”. Nhiều NĐT lớn có tiền, nhất là các doanh nhân nổi lên ở nước ngoài hay các đại gia trong nước đang tung những khoản tiền lớn vào lĩnh vực NH bất chấp các vấn đề nội tại của nó. Với nhiều người, hệ thống NH đang oằn mình với khó khăn và đau đớn với nhiều ung nhọt nhưng đây vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn với những đại gia muốn sống bằng đòn bẩy tài chính.
Theo VEF