Khi siêu thị thể hiện “quyền lực”

Thứ sáu, 29/11/2013, 13:08
Do là đơn vị trực tiếp bán hàng đến người tiêu dùng nên siêu thị tỏ ra “quyền lực” hơn so với nhiều doanh nghiệp phân phối.

Khi siêu thị thể hiện “quyền lực”

Việc hết hàng tạm thời dù vì nguyên nhân gì cũng gây bất tiện cho NTD. Ảnh: HTD

Gần đây, tại một số chi nhánh siêu thị Big C, tình trạng trống hàng diễn ra thường xuyên, lý do siêu thị đưa ra là hết hàng. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi: Phải chăng hiện nay sức mua thị trường đã khởi sắc nên “cháy” hàng hay cuộc chiến giữa nhà cung cấp và siêu thị đang ngầm diễn ra?

Hàng hết hay bị găm?

Trong hai tuần trở lại đây, theo ghi nhận của phóng viên tại một số siêu thị Big C cho thấy các mặt hàng thiết yếu từ thực phẩm đóng gói như mì gói, nước mắm đến hóa phẩm như nước lau chùi vệ sinh… đều dán thông báo “Sản phẩm tạm thời hết hàng”. Trong khi đó, tại các hệ thống bán lẻ Citimart, Lottemart, Co.opmart thì hàng hóa vẫn được bày bán bình thường.

Gặp chị Lê Thị Yến (quận Tân Phú) đang tính mua mì gói Nissin được giảm giá từ 155.000 đồng còn 128.000 đồng thì thấy kệ không còn. Chị bức xúc cho biết hết hàng rồi còn khuyến mãi làm gì!

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Nhỏ (quận 12) cho biết mấy đứa nhỏ ở nhà thích sữa TH True Milk nhưng thấy kệ trống và kế bên treo bảng “Sản phẩm tạm thời hết hàng”. Chị đành đi tìm một nhãn hiệu cùng loại nhưng phân vân vì không biết con sử dụng có hợp như loại cũ hay không.

Những mặt hàng như nước tương, cà phê, nước ép trái cây, sữa bột các loại cũng tạm thời hết hàng. Ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sữa TH True Milk, cho biết do nhu cầu tăng nên mặt hàng này tạm thời “đứt” ngoài thị trường. Tuy nhiên, riêng tại siêu thị thì chuyện hết hàng này không thể xảy ra. Ông Hải cho biết không có chuyện lấn cấn giữa siêu thị và nhà phân phối nên “doanh nghiệp sẽ cho kiểm tra lại”.

Đại diện một doanh nghiệp nước mắm cho biết công ty vẫn cung cấp hàng đầy đủ cho siêu thị. Có thể do mặt hàng đang bán chạy và lúc phóng viên đến không có nhân viên quầy kệ tại đó nên chưa kịp châm hàng.

Doanh nghiệp phải sợ siêu thị

Mặc dù vậy, một doanh nghiệp trong ngành đồ uống chia sẻ tình trạng siêu thị hết hàng có thể do nhà cung cấp và siêu thị không thể thống nhất với nhau. Ví dụ, cả hai không thống nhất về chiết khấu sau mỗi năm. Cũng có trường hợp thỏa thuận hợp đồng đã xong nhưng đến phút cuối chưa thống nhất thì không tiến hành được. Ngoài ra, nếu có sản phẩm không đảm bảo doanh số thì siêu thị sẽ cắt hàng ngay.

Trong khi đó, giám đốc điều hành PizzaHome, ông Hoàng Tùng, cho rằng với những chuỗi bán lẻ lớn, nhà cung cấp luôn phải có sự ưu tiên về sản xuất hàng hóa. Việc để trống hàng hiếm khi xảy ra trừ khi doanh nghiệp không sản xuất kịp cho các nhà bán lẻ (NBL).

Tuy nhiên theo ông, nguyên nhân thường gặp của việc hết hàng là do sự xung đột về lợi ích giữa doanh nghiệp phân phối và NBL.

Theo ông Tùng, quan hệ giữa nhà cung cấp và NBL vừa mang tính cộng sinh, vừa mang tính đối thủ. Cụ thể, nhà cung cấp cần có NBL để đưa sản phẩm đến tay NTD thuận tiện nhất. Nhưng hai bên cũng có sự đối đầu về lợi ích. Chẳng hạn, các chuỗi bán lẻ mạnh thường tung ra những nhãn hàng riêng, bày bán ở những vị trí đắc địa, cạnh tranh trực tiếp với nhà cung cấp.

Một số chuyên gia marketing cho biết “quyền lực” NBL còn ở chỗ chỉ cần thay đổi cách thức trưng bày, thay đổi vị trí ưu tiên, điều chỉnh chương trình khuyến mãi, NBL có thể dễ dàng thúc đẩy doanh số một mặt hàng nào đó hoặc ngược lại.

Thế nên ông Tùng cho hay nhiều doanh nghiệp luôn phải chiều lòng NBL để bán được hàng. Tuy nhiên, điều quan trọng mà doanh nghiệp cần biết là nếu thương hiệu hàng hóa của doanh nghiệp yếu kém, NTD không quan tâm thì doanh nghiệp càng dễ bị ép hơn.

Ông Phạm Lê, Trung tâm LSA, khuyến cáo doanh nghiệp phải nỗ lực, chuyên nghiệp hơn để thích nghi chứ đừng mong siêu thị sẽ dễ dàng hơn. Trên thế giới vẫn vậy, doanh nghiệp Việt hãy thay đổi cho phù hợp với cuộc chơi trên thị trường.

Sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp nếu có “hai kênh”

Nếu nhà bán lẻ không đủ phẩm cấp, những thương hiệu của các doanh nghiệp lớn sẽ không cần đưa hàng vào. Đó là lý do những thương hiệu hàng đầu đều có chuỗi bán lẻ của riêng mình. Nhiều doanh nghiệp cũng đang chạy cả hai kênh khi có cả sản phẩm trong siêu thị và chuỗi bán lẻ của mình như TH True Milk, Vinamilk.... Việc xây dựng thương hiệu mạnh và tạo kênh phân phối ít phụ thuộc vào siêu thị, đó là cách doanh nghiệp có thể phát triển bền vững.

Ông HOÀNG TÙNG, Giám đốc điều hành PizzaHome

Theo phapluattp.vn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích