Tác động của suy thoái kinh tế thế giới trong năm 2013 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp không ít khó khăn. Đơn hàng ít, giá gia công thấp, thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) lại cận Tết buộc DN phải cân nhắc kỹ việc thưởng Tết cho người lao động.
Phổ biến một tháng lương cơ bản
Khảo sát sơ bộ của Báo NLĐ cho thấy mức thưởng Tết bình quân của đa số DN có vốn nước ngoài (FDI) là một tháng lương cơ bản.
Ông Đinh Văn Giai, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Ever Win (100% vốn Đài Loan; KCN Bình Chiểu, TP.HCM), cho biết: “Năm nay do đơn hàng giảm 30% khiến việc làm, thu nhập của công nhân (CN) bị ảnh hưởng. Việc tăng LTT cũng khiến chi phí đóng BHXH, BHYT, BHTN tăng. Dù vậy, DN vẫn cố gắng bảo đảm thưởng Tết một tháng lương cơ bản, bình quân 3 triệu đồng/người. Mỗi CN còn được nhận quà Tết trị giá 500.000 đồng của ban giám đốc và CĐ cơ sở. 50 CN có hoàn cảnh khó khăn nhất được tặng vé xe về quê ăn Tết”.
Dự kiến mức thưởng Tết tại Công ty Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc; huyện Củ Chi, TP HCM) là 1 tháng lương cơ bản. |
Cũng khó khăn không kém nhưng Công ty Hansae Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc; KCN Tây Bắc Củ Chi, TP.HCM) vẫn bảo đảm thưởng Tết một tháng lương cơ bản cho CN. Năm ngoái, chi phí thưởng Tết cho 10.000 CN khoảng 25 tỉ đồng. Năm nay, do LTT điều chỉnh, ước tính tổng chi phí thưởng Tết hơn 28 tỉ đồng.
“Cạnh tranh quyết liệt về đơn hàng, đơn giá gia công khiến tình hình sản xuất gặp khó khăn gấp bội. Tuy nhiên, để giữ CN, ban giám đốc thỏa thuận với CĐ cơ sở duy trì mức thưởng Tết bằng năm ngoái” - ông Võ Văn Hùng, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Hansae Việt Nam, xác nhận.
Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng (tỉnh Bình Dương) nhiều năm liền chăm lo Tết chu đáo cho công nhân |
Còn tại Công ty Phúc Thắng (100% vốn Hàn Quốc; KCN Sóng Thần I, tỉnh Bình Dương) năm nay ngoài mức thưởng một tháng lương cơ bản, công ty còn xét thưởng thâm niên.
Công ty DI (KCX Linh Trung II, TP HCM) cũng thưởng Tết cho 1.600 CN như mọi năm là một tháng lương cơ bản. Ngoài ra, CĐ còn tặng mỗi CN một phần quà Tết (gồm dầu ăn, gạo, đường, bột ngọt…) trị giá khoảng 200.000 đồng. Đáng lưu ý, đây là những DN có xây dựng thỏa ước lao động tập thể và việc thưởng Tết là thỏa thuận giữa ban giám đốc và CĐ cơ sở.
DN dân doanh: Vẫn còn cân nhắc
Nếu như DN FDI được dự đoán khá “dễ thở” thì các DN khu vực dân doanh khá chật vật. “Từ đầu tháng 11, chúng tôi đã thăm dò tình hình chăm lo Tết tại các DN trên địa bàn quận. Nhiều DN gặp khó khăn, cố gắng thưởng Tết bằng năm ngoái đã là khá” - bà Phan Thị Lan - Chủ tịch LĐLĐ quận 6, TP.HCM - nhận định.
Nghe ngóng trước khi đưa ra mức thưởng là tình hình chung tại nhiều DN. Lý giải điều này, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Công ty Thực phẩm Hòa Bình (quận 11, TP.HCM), nói: “Trước mắt, chúng tôi phải điều chỉnh LTT theo quy định, sau đó mới tính đến việc thưởng Tết”.
Giám đốc các ngành dịch vụ liên quan đến bất động sản cũng than khó do thị trường gần như đóng băng. Đại diện một số cán bộ CĐ cấp trên cơ sở tại TP.HCM cho biết phải đến trung tuần tháng 12/2013 mới biết chính xác mức thưởng Tết.
Nếu như năm ngoái, các DN dệt may, giày da gặp nhiều khó khăn thì năm nay, tình hình có vẻ sáng sủa hơn. Theo ông Hà Duy Hưng, Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng, mức thưởng Tết năm nay chắc chắn không thấp hơn năm ngoái. “Lúc DN khó khăn, CN chấp nhận giảm thu nhập để chia sẻ. DN làm ăn được thì không có lý do gì để né thưởng Tết” - ông Hưng bày tỏ.
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc điều chỉnh LTT không ảnh hưởng nhiều đến thưởng Tết bởi nhiều DN đã trả cao hơn mức LTT hiện tại. Nếu thỏa ước lao động tập thể của DN đã quy định thưởng Tết nhưng vì lý do nào đó mà không thưởng thì phải thương lượng lại với người lao động. |