Phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Cty Vifon kết thúc vào trưa 27.11, nhưng đã để lại nhiều băn khoăn trong dư luận. Để có thêm một góc nhìn mang tính phản biện, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Trung Hoài ngay sau khi toà tuyên án…
- Là một chủ thể thực hiện chức năng bào chữa, tôi phải tôn trọng phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, để đi đến phán quyết có tội và đưa ra mức hình phạt như vậy, tôi nghĩ cần phải giải đáp những vấn đề cốt lõi, thuộc về bản chất vụ án. Không phải tự nhiên mà vụ án đã kéo dài hơn 5 năm, có nhiều ý kiến trái chiều, thể hiện sự lúng túng trong hành xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tôi nghĩ, các vị trong HĐXX đã nhìn thấy điều đó, nhưng phán quyết đưa ra đã dựa vào những căn cứ và bằng chứng thiếu tính thuyết phục. Quá trình điều tra kéo dài, nhiều yêu cầu điều tra bổ sung của Viện KSND Tối cao đã không được làm rõ, nhất là liên quan số tiền 43,5 tỉ đồng được thu giữ và ra quyết định xử lý trong vụ án không đúng các quy định tại Điều 74, 76 của Bộ luật TTHS năm 2003.
Ông có nhận xét gì về việc Bộ Công Thương và Bộ Tài chính không tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự để đòi quyền và tài sản của Nhà nước?
- Theo quan điểm của chúng tôi, việc Bộ Công Thương và Bộ Tài chính từ chối tư cách nguyên đơn dân sự ngay từ khi cơ quan điều tra và Viện KSND Tối cao yêu cầu trong giai đoạn điều tra bổ sung cho đến hiện nay là hoàn toàn có căn cứ về mặt pháp lý.
Luật sư Phan Trung Hoài |
Bởi vì, thực tế không có việc tài sản nhà nước bị chiếm đoạt và các bộ chức năng này không hội đủ tư cách là nguyên đơn dân sự, khi bản thân họ không bị thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo và không có đơn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật TTHS.
Tôi thật sự ngạc nhiên khi thực tế đại diện Bộ Công Thương kiên quyết từ chối tư cách là nguyên đơn dân sự, phán quyết của tòa án phải dùng từ nặng nề là đại diện Bộ Công Thương “bỏ về” không tham gia phiên tòa sau ngày khai mạc, nhưng rốt cuộc phán quyết vẫn tự mình “áp” tư cách nguyên đơn dân sự, buộc bà Huyền phải bồi thường 9,8 tỉ đồng, trong khi Bộ Công Thương không hề yêu cầu.
Theo luật sư, số tiền được cho là tham ô, là chiếm đoạt có đúng người, đúng tội hay không, bởi vì đây là căn cứ để buộc tội và tuyên phạt mức án cho các bị cáo?
- Ngày 28.3.2005, Bộ Công nghiệp đã phê duyệt nguồn thu từ chuyển nhượng vốn trong các liên doanh và quyết toán cho phép Cty Vifon đưa 7.952.033.212 đồng vào quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi để phân phối cho cán bộ, nhân viên trong Cty. Do Cty Vifon không còn là DN nhà nước vì đã bán hết cổ phần nắm giữ vào ngày 7.3.2005, nên nguồn tiền thưởng này hoàn toàn thuộc sở hữu của Cty Vifon, Nhà nước không can dự vào quyết định xử lý số tiền trên.
Ngoài ra, khoản tiền 400.000USD do Cty TNHH xay lúa mì chuyển cho Cty Vifon với mục đích hỗ trợ cho Cty Vifon sau khi đã chấm dứt liên doanh, không có nguồn gốc từ nguồn vốn Nhà nước, trong khi toàn bộ nguồn doanh thu từ chuyển nhượng vốn trong liên doanh lên tới 127 tỉ đồng đã được thu nộp vào ngân sách nhà nước. Do đó, việc quy buộc tội danh tham ô tài sản đối với bà Huyền trong trường hợp này chưa thật sự thuyết phục.
- Xin cảm ơn luật sư!
Theo Lao Động