3 câu hỏi chất vấn đường Biên Hòa
Như chúng tôi đã đưa tin, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang có ý định bán khoảng 30.000 - 40.000 tấn đường được sản xuất tại nhà máy ở Attapeu (Lào) cho Công ty CP đường Biên Hòa để tinh luyện và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, kiến nghị này đang bị Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) phản đối một cách gay gắt.
Lý do bởi tại Lào, HAGL nhận được nhiều sự ưu ái đặc biệt từ Chính phủ Lào nên giá đường thấp, các công ty mía đường nội địa sẽ không thể cạnh tranh nổi trong quá trình xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nếu toàn bộ các nhà máy đường tại Việt Nam đều mua đường thô từ Lào hoặc từ Thái Lan sang Việt Nam để tinh luyện rồi xuất khẩu qua Trung Quốc, người nông dân trồng mía Việt Nam sẽ ra sao? |
Trong khi đó, trao đổi với báo chí về kế hoạch nhập đường của HAGL sản xuất ở Lào về Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lộc, TGĐ Công ty CP Đường Biên Hòa, cho biết: Nếu cho phép đưa đường của HAGL sản xuất ở Lào về bán tại thị trường Việt Nam sẽ gây khó cho những doanh nghiệp đã được cấp quota nhập khẩu 73.500 tấn đường theo cam kết WTO và gây khó khăn cho cả ngành đường trong nước.
Nhưng giải pháp nhập đường thô từ Lào về rồi chế biến, xuất sang Trung Quốc sẽ vừa gỡ khó về tiêu thụ đường cho HAGL, vừa ít gây ảnh hưởng nhất tới ngành đường nước ta.
Hơn nữa, ông Lộc cho rằng: Thị trường Trung Quốc nhu cầu lớn, xuất thêm vài chục ngàn tấn đường nữa, sẽ không ảnh hưởng gì mấy tới xuất khẩu đường của nước ta qua cửa tiểu ngạch.
Thêm vào đó, ông Lộc cũng tin rằng: Giá thành đường do HAGL sản xuất ở Lào sẽ không thấp hơn giá thành đường ở Thái Lan bởi nhân công, phân bón, vốn liếng đầu tư… HAGL đều phải đưa từ Việt Nam sang.
“Phản pháo” lại những lý lẽ của ông chủ Đường Biên Hòa, ông Đỗ Thanh Liêm, Tổng giám đốc Công ty mía đường Khánh Hòa, kiêm Phó chủ tịch VSSA chất vấn lại ông Lộc 3 câu hỏi:
Thứ nhất, nếu toàn bộ các nhà máy đường tại VN đều làm như ông Lộc, tức mua đường thô từ Lào hoặc từ Thái Lan sang VN để tinh luyện rồi xuất khẩu qua Trung Quốc, liệu có ảnh hưởng tới sản xuất trong nước không?
Thứ hai, căn cứ công văn số: 9842/BCT-XNK ngày 30/10/2013 của Bộ Công thương lấy ý kiến các Bộ trước khi trình Thủ tướng về việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường do HAGL sản xuất tại Lào về Việt Nam tinh luyện rồi xuất sang Trung Quốc bằng cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát – tỉnh Lào Cai… Đối với mặt hàng đường, ở Việt Nam điều này là hợp pháp nhưng khi đi vào Trung Quốc đó lại là mặt hàng lậu.
Vậy, “ông Lộc và Bộ Công thương đang đề nghị và tán thành với việc nhập hàng lậu vào Trung Quốc phải không?” – Tổng giám đốc Công ty mía đường Khánh Hòa nhấn mạnh.
Thứ ba, ông Liêm cũng chất vấn về vấn đề: Tại sao công ty Đường Biên Hòa sao không thử xuất theo đường chính ngạch?
Liên quan tới chuyện đại diện đường Biên Hòa nói giá đường HAGL chưa chắc đã rẻ hơn Thái Lan, “đó là lời nói của ông Lộc, còn giá mà Hiệp hội mía đường Việt Nam đã đưa ra đều dựa vào báo cáo tài chính của HAGL và trong các tuyên bố của Bầu Đức” – ông Liêm chia sẻ.
Theo đó, giá mía của HAGL tại Lào rất thấp do chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Lào có nhiều ưu đãi đặc biệt đối với dự án mía đường của HAGL, chỉ 296.000 đồng/tấn mía. Từ đó, giá thành đường do HAGL sản xuất tại Lào đặc biệt thấp, chỉ 4.320.000 đồng/tấn đường.
Trong khi để nông dân trồng mía tại Việt Nam đảm bảo cuộc sống, những năm qua các nhà máy đường trong nước đã thanh toán tiền mua mía cho nông dân từ 950.000 – 1.150.000 đồng/tấn mía, chiếm 9.000.000 – 11.000.000 đồng vào giá thành của 1 tấn đường.
Tại sao bầu Đức không đầu tư ở Việt Nam mà đổ tiền sang Lào?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đoàn Nguyên Đức, bầu Đức- Chủ tịch HĐQT HAGL đã khẳng định: “Việc đưa đường từ Lào về Việt Nam tinh chế rồi xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không làm ảnh hưởng thị trường nội địa. Đây là việc làm có lợi rất lớn, mang tầm quốc gia”.
Bầu Đức cũng nhấn mạnh: “Tôi khẳng định không bao giờ có ý đồ phá thị trường trong nước. Còn thị trường Trung Quốc thì nhu cầu rất lớn, 30.000 tấn không là bao”.
Tại sao Bầu Đức không đầu tư ở Việt Nam mà đổ tiền sang Lào? |
Tuy nhiên, phát ngôn này của bầu Đức không nhận được sự đồng thuận của dư luận và giới kinh doanh ngành mía đường. Nhiều người hỏi ngược lại bầu Đức rằng: "Bầu Đức có tiền, có tài, tại sao lại không dùng số tiền đó đầu tư vào nhà máy đường tại Việt Nam tạo ra sản phẩm giá rẻ, xuất đi nước ngoài, làm rạng rỡ cộng đồng dân tộc Việt? Tại sao HAGL phải sang lào sản xuất mía đường? Và đã sản xuất tại Lào, tại sao không bán đi các nước khác mà lại quay về Việt Nam làm gì?"
“Tôi chỉ cần hỏi một câu thôi, nếu bầu Đức đã làm được điều thần kỳ ở Lào tại sao Đoàn Nguyên Đức không làm điều thần kỳ đó tại Việt Nam? Còn nếu nói rằng: Việc làm của bầu Đức và Đường Biên Hòa đang tạo công ăn việc làm cho công nhân Đường Biên Hòa, thử hỏi, nếu so với nỗi khổ của những người nông dân trồng mía, nếu so với những hệ lụy có thể xảy ra trong thời gian tới, thì có đáng không?” – ông Liêm hỏi.
Ông Phạm Ngọc Thao, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía Đường Sơn La cũng cho rằng: Những giải trình của bầu Đức và công ty Đường Biên Hòa không có cơ sở thuyết phục.
Hơn nữa, “thị trường Trung Quốc nhu cầu lớn thật và luôn mở cửa nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vì không phải con đường chính thống nên nhiều thời điểm đóng biên không nhập hoặc nhiều thời điểm bóp lại” – ông Thao nói.
Hơn nữa, “vì 2 nước đã có chính sách biên mậu thỏa thuận, nếu cho nhập khẩu đường của Lào để tái chế rồi xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược, như vậy, Việt Nam sẽ vi phạm nguồn gốc hàng hóa? Nếu phía Trung Quốc có đủ cơ sở để phạt hoặc đóng biên đối với mặt hàng đường, ảnh hưởng lây lan đến các loại hàng hóa khác hoặc vấn đề khác lớn hơn, bất lợi cho Việt Nam thì hệ lụy sẽ ra sao?” – ông Thao giải thích thêm.
TGĐ Công ty CP Mía đường Bến Tre, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng mong mỏi: “Mong Bộ Công Thương, Chính Phủ cân nhắc rất kỹ việc này. Bởi ngành mía đường mấy năm trước đã phải trải qua thời kỳ khó khăn, Nhà nước đã nỗ lực vực dậy. Nay, nếu lại quay lại tình trạng thua lỗ thì rất nguy hiểm”.
Theo Soha