Tại TP.HCM, dự kiến kiều hối chuyển về năm nay sẽ vào khoảng 4,8 tỉ USD. Cả nước dự đoán kiều hối năm nay sẽ cán đích 11 tỉ USD.
Kiều hối chuyển về VN trong những năm gần đây. Trong ảnh: khách hàng đến nhận tiền từ nước ngoài gửi về thông qua Công ty TNHH kiều hối Đông Á tại TP.HCM Ảnh: Thanh Đạm - Đồ họa: V.Cường |
Kiều hối nguồn lao động xuất khẩu tăng mạnh
Trong báo cáo về triển vọng kiều hối toàn cầu năm 2013, Ngân hàng Thế giới đánh giá VN tiếp tục nằm trong top 10 nước nhận nhiều kiều hối, với kết quả dự kiến là 10,6 tỉ USD, tăng 6,5% so với năm ngoái. Theo thống kê của Ủy ban về người VN ở nước ngoài, hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt đang định cư tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, có khoảng nửa triệu lao động VN đang làm việc ở nước ngoài. |
Đặt kế hoạch 1,35 tỉ USD vào đầu năm, nhưng Công ty kiều hối Đông Á cho biết số tiền chuyển về thực tế có thể lên đến 1,5 tỉ USD. Theo ông Trịnh Hoài Nam - phó giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, đầu năm không dám đặt chỉ tiêu quá cao do đánh giá tình hình chung còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên những tháng gần đây tình hình tại những thị trường kiều hối chính của VN như Mỹ, châu Âu xoay chuyển theo hướng tốt hơn, nên số tiền chuyển về nước đều đặn hơn. “Năm nay ngân hàng chi trả kiều hối xuyên tết chứ không nghỉ từ mồng 1 đến mồng 3 như năm trước” - ông Nam nói.
Đại diện Công ty kiều hối Sacomrex nói doanh số chuyển tiền năm nay khoảng 1,7 tỉ USD, vượt 15% so với kế hoạch, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là nguồn kiều hối từ các thị trường xuất khẩu lao động. Ở một số thị trường, kiều hối chuyển về nước tăng đến 300% so với năm trước.
“So với kiều hối từ thị trường Mỹ, Canada và Úc, số kiều hối từ xuất khẩu lao động còn nhỏ bé nhưng các thị trường này ngày càng góp phần quan trọng hơn trong số kiều hối chuyển về VN” - vị này nói.
Ông Ngô Xuân Hải, giám đốc Công ty chuyển tiền toàn cầu thuộc Vietinbank, dự đoán năm nay doanh số chuyển tiền kiều hối sẽ tăng khoảng 10% so với con số 1,2 tỉ USD năm ngoái, trong đó kiều hối từ thị trường Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc vẫn chiếm vị trí chủ lực.
Cũng theo ông Hải, trước đây người nhận thường tập trung ở các TP lớn và một số tỉnh có đông Việt kiều nhưng những năm gần đây các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ninh, đặc biệt các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình... trở thành thị trường mới nổi về kiều hối do có đông người đi xuất khẩu lao động.
Theo bà Nguyễn Thị Như Lý - giám đốc khu vực Đông Dương của Western Union, một phần quan trọng trong lượng kiều hối chuyển về VN những năm gần đây là của đối tượng đi xuất khẩu lao động. Những năm gần đây lực lượng xuất khẩu lao động liên tục tăng, đặc biệt ở những thị trường Đài Loan, Nhật..., kéo theo số tiền chuyển về từ những thị trường này tăng lên.
Ngoài ra, kiều hối về VN ngày càng được mở rộng từ nhiều nước. Nếu như năm 1994, kiều hối chuyển về VN qua kênh Western Union chỉ từ 16 quốc gia thì hiện tại con số này đã lên đến trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kiều hối đổ vào đâu?
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng không khó hiểu khi kiều hối năm nay tăng đột biến, dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông Nghĩa, những năm gần đây VND ổn định giúp thu hút đầu tư nước ngoài. Kiều hối chuyển về nước cũng nhiều hơn, trong gói tiền này không chỉ là tiền của kiều bào gửi về trợ giúp thân nhân mà còn bao gồm nhiều khoản mang tính chất đầu tư.
“Dự báo trong trung hạn, triển vọng của thị trường chứng khoán khá tốt, do vậy lúc này nhiều người có tiền cũng nhắm đến thị trường này. Bên cạnh đó nhiều người gửi tiền về nước để góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, thậm chí mua bán những khoản nợ xấu mà tới đây Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) sẽ bán ra. Đó cũng là một kênh đầu tư rất tiềm năng” - ông Nghĩa nói.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng số tiền kiều hối chuyển về nước năm nay tăng cao có thể suy đoán là tình hình làm ăn của người Việt ở nước ngoài đang có dấu hiệu tốt lên, và họ có nhu cầu giúp người thân trong nước cải thiện đời sống. Đó cũng là phần bù đắp lớn cho VN, đồng thời là nguồn cân đối quan trọng trong cán cân thanh toán.
“Nếu người nhận kiều hối gửi tiết kiệm thì đó cũng là nguồn cung tiền cho các ngân hàng, còn nếu rót vào thị trường nhà đất thì sẽ là sức cầu cho thị trường bất động sản. Tóm lại người dân dùng kiều hối vào việc gì thì kiều hối vẫn là nguồn vốn quan trọng, góp phần vào nền kinh tế” - vị chuyên gia này nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói kiều hối phần nhiều vẫn nhằm hỗ trợ gia đình, kế đến là một khoản đầu tư. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng hiện nay vẫn chưa xét thấy kênh đầu tư nào tiềm năng vì bất động sản trầm lắng, lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp và có xu hướng xuống thấp hơn trong năm tới, việc mở cửa cho Việt kiều mua nhà mới chỉ ở mức hạn chế, bối cảnh thị trường hiện nay cũng không thuận lợi.
Bà Nguyễn Thị Như Lý cho biết theo nghiên cứu thị trường của Western Union những năm gần đây, có hai nhóm nhu cầu nổi trội của kiều hối. Trước hết, người VN ở nước ngoài chuyển tiền về nước nhằm giúp đỡ gia đình, hỗ trợ giáo dục, thăm biếu dịp lễ tết, chi phí cho gia đình...
Ngoài ra, họ còn gửi tiền về để trả các khoản nợ vay trước đây, xây nhà, mua bất động sản và nhóm nhu cầu này chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây. Western Union cũng đa dạng kênh chuyển tiền, ngoài kênh truyền thống là chuyển tiền tại quầy hiện nay còn có thể chuyển thông qua tài khoản ngân hàng và thông qua ví điện tử.
Kiều hối chảy vào ngân hàng Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, dự kiến kiều hối chuyển về địa bàn TP.HCM năm nay vào khoảng 4,8 tỉ USD, tăng mạnh so với con số 4,1 tỉ USD của năm 2012. Theo báo cáo của các ngân hàng và công ty kiều hối trên địa bàn TP.HCM, thị trường kiều hối chủ yếu của VN vẫn là Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, kiều hối từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào VN tăng mạnh trong năm nay, chiếm gần 5% tổng lượng kiều hối so với tỉ lệ 0,2-0,3% của những năm trước. Cũng theo các ngân hàng, do tỉ giá USD ổn định nên số người bán lại ngoại tệ cho ngân hàng để lấy VND tăng, chưa kể nhiều người dân chuyển từ ngoại tệ sang tiền đồng để hưởng lãi suất cao hơn. |
Theo Tuổi Trẻ