Phát hiện bộ sưu tập xe cổ bậc nhất thế giới ở Đồng Nai

Thứ ba, 03/12/2013, 09:04
Từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, chạy xe hơi khoảng 40 phút, qua phà Cát Lái, tôi đến được khu nhà riêng của ông Hoan nằm giữa những cánh rừng cao su ở Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ông là người kín tiếng, nên ít ai biết rằng, người đàn ông này đang sở hữu một bộ sưu tập xe cổ tiền tỷ, thuộc vào hàng “độc” ở Việt Nam.

Vị đại gia kín tiếng

Tôi tình cờ được ông Hoan mời đến chơi nhà qua sự giới thiệu của một người bạn ở Sài Gòn. Chỉ được ông rào trước là về đây nghỉ ngơi nhân dịp cuối tuần, nên tôi đến với tư cách là một vị khách. “Về đây nghỉ thôi nhé, không viết lách gì cả” – ông Hoan nói với tôi như vậy qua điện thoại khi biết tôi là phóng viên.

Sở hữu bộ sưu tập xe cổ cực độc, nhưng ông Hoan không thích “khoe” với nhiều người.

Xe riêng của ông đưa chúng tôi từ trung tâm Sài Gòn, qua phà Cát Lái, đi theo tỉnh lộ 769, qua những cánh rừng cao su bạt ngàn rồi dừng lại trước một cánh cổng lớn. Người lái xe bấm nút, hai cánh cửa mở ra cả một quần thể kiến trúc nhà xây theo lối kiến trúc cổ hình chữ đinh, nhà ba gian, hai chái, hay “nội công, ngoại quốc”… Phải có đến cả chục ngôi nhà như vậy, được xây bằng toàn gỗ là gỗ nằm trong một khu nhà rộng tới 5ha.

Nhân viên trông coi khu nhà dẫn chúng tôi đến nhà khách bằng một chiếc xe điện. Nhà của ông Hoan rộng đến nỗi, nhân viên phải đi xe máy hoặc xe điện ra để đón khách. Từ cổng vào nhà, cơ man nào là tùng, bách hay những cây xanh cổ thụ to choán hai bên lối đi.

Biết tôi là phóng viên về xe, lại không hiểu gì về đồ cổ, đồ gỗ, đồ đồng bài trí la liệt trong nhà nên ông Hoan dẫn tôi thẳng xuống gara và tuyệt nhiên không nói bất cứ điều gì về mấy thứ đó.

Một gara toàn xế cố

“Nghe nói mê xe, thích xe thì mình dẫn xuống “khoe” bộ sưu tập xe cổ. Có người để chia sẻ cái đam mê của mình cũng thấy vui. Chứ đừng có viết báo, đao to, búa lớn làm gì” – ông Hoan dặn đi, dặn lại với tôi như thế.

Tôi thì lại nghĩ khác, có lẽ không thể không viết, phải chia sẻ với nhiều người bộ sưu tập xe cổ độc nhất, vô nhị này. Tôi đã năn nỉ ông cho chụp ảnh, để đăng vài bức hình lên. Những thứ quý giá thế này mà không được ai biết tới thì cũng phí lắm. Sau một hồi thuyết phục, cuối cùng ông cũng cho tôi ghi hình và viết bài.

Kỳ công sưu tầm

Nhà để xe của ông Hoan cũng là một ngôi nhà xây theo kiến trúc cổ, 4 mái, rộng tới cả trăm m2. Tôi đã thực sự bị sốc khi thấy 8 chiếc xe mà ông Hoan đang sở hữu đều là những chiếc xế rất cổ và độc. 3 chiếc Citroen Traction đời 1937, 2 chiếc Citroen DS 21 và 23 (1955 -1957), 1 chiếc Volkswagen Beetle 1302 đời 1970, 1 chiếc xe Mercedes-Benz 220S đời 1957 và 1 chiếc “Mẹc” 190SL mui mềm của thập kỷ 50.

6 trong tổng số 8 chiếc xe cổ của ông Hoan.

Mỗi chiếc xe là một sự kỳ công tìm, săn và theo đuổi để sở hữu. Ông Hoan cho hay, ông thích sưu tầm xe từ cách đây mười mấy năm. Khi đó, thấy xe ôtô cổ ở miền nam nước mình còn nhiều lắm, vậy mà cứ bị mấy người Pháp, người Nhật tìm mua rồi mang về nước họ hết cả. Trong khi đó, nhà nước ta lại không cấm chuyện đó. Thế là sẵn cái máu thích xe, mê xe, cũng lao vào tìm rồi giữ được chiếc nào quý ở lại thì giữ.

Có những chiếc xe ông phải cất công theo đuổi cả năm trời như chiếc Mercedes-Benz 220S đời 1957. Ban đầu trông như một đống sắt vụn, sau đó về làm lại tỉ mỉ để nó chạy được và trông bóng như mới. Hay như chiếc xe thể thao mui mềm 190SL ông mua lại được từ một người nước ngoài quốc tịch Singapore.

Chủ nhân bộ sưu tập đã phải bỏ ra rất nhiều công để có được chiếc xe này.

Lúc đầu gạ gẫm mãi ông ta không bán, ông Hoan phải chờ đến hơn 1 năm khi chủ nhân của chiếc xe về nước, không thể đem theo về Singapore vì đất nước này có những điều luật rất khắt khe về xe cổ, về khí thải, ông ta mới chịu bán.

Tìm rồi mua được đã khó, biến vật cổ lỗ sĩ thành những chiếc xe chạy được lại còn khó hơn. Ông thường không mang xe ra các gara để thợ sửa xe dọn lại mà biến nhà để xe của mình thành một gara sửa chữa. Gọi thợ giỏi về, nuôi ăn tới 1 năm rưỡi chỉ để làm xe. Việc tìm đồ lắp thêm vào chiếc xe cũng lắm gian nan. Xe của ông chủ yếu là xe Đức, Pháp nên phụ tùng cũng phải nhờ người tìm từ nước ngoài. Chờ đợi ship hàng tháng trời về mới có đồ lắp vào xe.

Cái hay trong bộ sưu tầm xe của ông Hoan là chiếc nào cũng chạy được, thậm chí là lưu hành tốt ngoài đường. Mọi chiếc xe đều được ông đi đăng kiểm lại, đăng ký biển số mới. Sau những công việc bận rộn, người đàn ông mới ngoài tứ tuần này đều dành thời gian cho xe cộ, lau lau, chùi chùi, lái thử xe xem nó hỏng hóc chỗ nào.

Chiếc xe nào của ông Hoan cũng có thể nổ máy và vận hành tốt ngoài đường.

Công việc bảo dưỡng máy móc, vận hành ông giao cho người lái xe. Mỗi thứ 7, người lái xe có nhiệm vụ lau sạch xe, nổ máy, chạy quanh khu nhà để máy vận hành trơn tru. Công việc chỉ có vậy, nhưng “chăm” đủ cho 8 chiếc xe cũng phải mất trọn một ngày.

Xế cổ và độc

Bộ sưu tập xe của ông Hoan quý ở chỗ, mỗi chiếc xe đều có những điểm riêng đáng chú ý. Có chiếc ở Việt Nam còn rất ít về số lượng. Có chiếc gắn với một thời kỳ lịch sử, một nhân vật lịch sử.

Giả dụ như hai chiếc Citroen DS21 và DS23. Đây là 2 chiếc xe từng xuất hiện và dùng trong dinh Tổng thống Thiệu. Sau này, một trong 2 chiếc được Thượng tướng Trần Văn Trà – từng giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam… sử dụng.

Mỗi chiếc xe là một câu chuyện.

Được mệnh danh “nữ thần” của thương hiệu xe Pháp, Citroen DS 21 từng làm điên đảo giới thượng lưu tại quê nhà khi mới ra đời. Được sản xuất từ năm 1955, tuy nhiên đến những năm 1957 dòng Citroen DS 21 mới theo chân người Pháp vào Việt Nam. Chiếc Citroen DS 21 của ông Hoan là một trong số hiếm những mẫu xe được phục chế lại và có thể vận hành mạng mẽ cho đến hôm nay tại Việt Nam.

Điểm độc đáo của DS21 và DS23 là toàn bộ khung sườn xe được làm bằng thép, khung mui được làm bằng nhôm còn nắp ca-pô làm từ thép cứng có hình dạng giống như một chiếc ca-nô máy. Xe sở hữu động cơ I4 dung tích 2.4L, hộp số tay 4 cấp và điều đem đến sự đặc biệt nhất cho loại xe chính lại là hệ thống giảm xóc thủy lực.

Hệ thống này trong quá khứ chỉ được dùng cho phanh và tay lái trợ lực thế nhưng Citroen đã mang đến điểm cách tân khi dùng nó cho cả hệ thống giảm xóc, dẫn động và cố định. Vì thế DS21 và DS23 luôn mang lại cảm giác êm ái cho người ngồi trên xe khi qua các ổ gà, ôm cua hay leo dốc.

Chiếc DS21 với hệ thống treo thủy lực độc đáo, có thể nâng và hạ gầm.

Hay như chiếc Mercedes-Benz 190SL đời 1957 của ông Hoan là một trong không nhiều xe cổ có thiết kế mui cứng gập, sử dụng động cơ 1897 phân khối, truyền động số sàn 4 cấp giúp chiếc xe có thể đạt tốc độ tối đa 171km/giờ. Nội thất xe khá đơn giản gồm ghế bọc da, kính chắn gió Perspex, và cửa nhôm.

Mẫu đầu tiên xuất xưởng năm 1955 và sản xuất hơn 25.000 chiếc, năm 1963 thì hãng tạm dừng sản xuất dòng xe này, vì thế, chiếc xe xuất hiện trong gara nhà ông Hoan là một trong những chiếc hiếm hoi tại Việt Nam. Ông Hoan cho hay, tính cả tiền mua và tiền làm xe, ông đã phải chi ra khoảng 70 ngàn đô để có được một chiếc xe bóng bẩy, mới chạy được 21 ngàn dặm và “ngon lành” như hiện tại.

Cặp đôi Citroen DS21 và DS23 của những năm 1950.

Tôi còn được nghe nhiều chuyện, được tìm hiểu nhiều nữa về những chiếc Citroen Traction, Volkswagen Beetle 1302, Mercedes-Benz 220S mà ông Hoan đang sở hữu, nhưng vì nhiều lí do, có lẽ việc “khoe thay” của tôi nên dừng lại tại đây. “Đừng nói nhiều về chủ nhân, hãy nói về những chiếc xe. Nói cho độc giả, cho người mê xe cổ như mình biết rằng, ở Việt Nam, vẫn còn có những người “giữ” xe, vẫn còn những chiếc xe cổ rất quý giá như thế” – ông Hoan chia tay tôi bằng câu nói đó.

Theo TTTĐ

Các tin cũ hơn