Tại diễn đàn Doanh nghiệp VBF diễn ra sáng nay, báo cáo của nhóm công tác thị trường vốn, do ông Dominic Scriven - Trưởng Nhóm công tác thị trường vốn soạn thảo, đã đưa ra thực trạng nợ xấu hiện nay và kiến nghị nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cần một lượng tiền lớn để tái cấu trúc
Theo ông Dominic Scriven, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang chịu sức ép lớn về nợ xấu, đòi hỏi một lượng tiền lớn để tái cấu trúc.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 31/7/2013, tổng vốn vay toàn hệ thống ngân hàng là 3.256 nghìn tỉ đồng, vốn tự có là 443 nghìn tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu là 4,6%, và tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu là 13,8%. Nếu thông tư 02/2013 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ xấu áp dụng ngay (hiện nay được hoãn thời gian thực hiện đến quí 3/2014), tỉ lệ nợ xấu báo cáo có thể tăng cao.
Ông Dominic Scriven- Tổng giám đốc Dragon Capital. |
Cuối năm 2012, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề cập đến con số 8,6% nợ xấu trong khi tổ chức xếp hạng tín dụng thế giới Fitch ước tính gấp 3-4 lần con số chính thức 4,6% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo ước tính sơ bộ của nhóm công tác Thị trường vốn, giả sử tỉ lệ nợ xấu là 8,6% thì hệ thống ngân hàng cần thêm một khoản tiền tương đương 121 nghìn tỉ đồng (gần 6 tỉ đô la Mỹ) để đem hệ số an toàn vốn tối thiểu về mức hiện tại là 13,8%.
Được biết, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa mới đi vào hoạt động phát hành trái phiếu đặc biệt để tài trợ việc mua nợ xấu. Việc dùng VAMC là hợp lý tuy nhiên sẽ mất rất nhiều thời gian để xử lý hết nợ xấu và điều này chắc chắn sẽ làm kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới mức tiềm năng một khoản thời gian dài. Chưa kể đến rủi ro đối nếu kinh tế không kịp phục hồi thì VAMC sẽ rất khó khăn trong tương lai với những khoản nợ xấu không thể bán được.
Kiến nghị cho nhà đầu tư nước ngoài "mua đứt" ngân hàng yếu kém
Việt Nam hiện có nhiều ngân hàng với qui mô tương đối nhỏ và mô hình hoạt động không khác biệt nhau. Số ngân hàng nội địa hiện nay của Việt Nam là 40, cộng thêm 59 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho nền kinh tế có GDP 116 tỷ USD (2012) và dân số 90 triệu người. Trong khi đó, số ngân hàng ở Thai Lan chỉ là 14 ngân hàng thương mại địa phương, GDP là 366 tỉ đô Mỹ với dân số 68 triệu người.
Tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngân hàng sẽ khuyến khích đấu tư lớn của khối ngoại, đặc biệt là những định chế tài chính quốc tế. Các tổ chức tài chính quốc tế này với kinh nghiệm và nguồn lực của họ (về con người, về qui trình quản trị rủi ro, về phát triển sản phẩm, về tiếp cận thị trường vốn quốc tế) sẽ là nhân tố phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Ông Dominic Scriven chia sẻ thêm, kinh nghiệm của các nước châu Á đã trải qua giai đoạn tái cấu trúc ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đều cho thấy hệ thống ngân hàng phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa với sự tham gia mạnh mẽ của khối ngoại.
Tại Hàn Quốc, giới hạn đầu tư nước ngoài ở mức 26% vào tháng 11 năm 1997 tăng lên 55% vào tháng 12 cùng năm ngay tâm điểm cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á và lên 100% 5 tháng sau đó.
Tại Indonesia, tỉ lệ sở hữu ngân hàng của nhà đầu tư nước ngoài được tăng lên 99% từ 85% tháng 3 năm 1999. Kết quả là hệ thống ngân hàng của các nước này mạnh lên rất nhiều .
Theo bản báo cáo, ông Dominic Scriven nhấn mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam, nhóm kiến nghị nhà nước rằng cần cho phép nâng tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng lên 49% (từ mức tối đa 30% hiện nay). Ngoài ra, đối với các ngân hàng yếu trong hệ thống, cho phép tỉ lệ sở hữu nước ngoài lên đến 100%.
Theo Bizlive