Cải cách khối doanh nghiệp nhà nước: Gấp rút chuyển sang hành động

Thứ ba, 03/12/2013, 11:56
"Là người hoạch định chính sách, Chính phủ phải điều tiết thị trường theo hướng không phân biệt đối xử giữa DNNN với DN tư nhân. Là "chủ sở hữu DN”, Chính phủ phải bảo đảm DNNN hoạt động hiệu quả, bền vững. Khu vực DNNN không chỉ dừng lại ở lời kêu gọi cải cách mà cần phải hành động - đó là những kiến nghị của các các nhà đầu tư gửi đến Diễn đàn VBF cuối kỳ 2013.
Diễn đàn DN Việt Nam bắt đầu từ tháng 6 cùng với chủ đề "Từ yêu cầu đến hành động” nay lại được tái khởi động trong cuộc họp thường niên cuối năm (3-12-2013) với trọng tâm thảo luận cải cách DNNN, ngân hàng, thị trường vốn…Để đáp ứng yêu cầu phát triển, việc điều chỉnh ân hạn đối với khối tập đoàn, tổng công ty nay không còn nhiều.
Nhìn thẳng nói thật
Việt Nam đang nỗ lực tham gia đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình dương (TPP). Yêu cầu đặt ra đối với các nước thàm gia đàm phán là phải cải cách các công ty, tập đoàn quốc doanh. TPP đòi hỏi các đối tác tham gia phải tạo một môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế, không có ưu đãi đặc biệt hay một đặc quyền đặc lợi nào khu vực DNNN. Công cuộc tái cơ cấu DNNN không chỉ dừng lạ yêu cầu mà gấp rút chuyển sang hành động
Thế nhưng, thử điểm lại tình hình tài chính và khả năng hoạt động của khối DN này? Báo cáo mới nhất của Chính phủ cho biết, các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước đang nợ 1,35 triệu tỷ đồng. Một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức trên 50%, thậm chí trên 60%. Như Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông 8 nợ phải thu chiếm 66%, hay công ty mẹ - Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông 5 chiếm 62%...Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân của DNNN năm 2012 là 1,46 lần.
Đặc biệt, khối DNNN đang ngày càng lún sâu vào nợ các ngân hàng thương mại và TCTD với tổng số tiền nợ 402.955 tỷ đồng, tăng 2%.  Ngoài ra các tập đoàn, tổng công ty cũng đang nợ nước ngoài 315.851 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 70.659 tỷ, dài hạn là 245.192 tỷ. Thế nhưng, các "ông lớn” đều đang đầu tư ngoài ngành dựa trên vốn vay. Trong đó đầu tư mạnh vào chứng khoán, quỹ đầu tư.
Chính vì thực trạng trên, mà  thành viên của Phòng Thương mại và công nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) kêu gọi, đây chính là thời điểm cần tiến hành những cải cách cần thiết để tạo ra một môi trường cạnh tranh hơn, từ đó các quyết định được đưa ra nhanh hơn, các thủ tục trở nên đơn giản hơn, các quy định được thực thi một cách công bằng và các công ty cạnh tranh dựa trên giá trị thực chất của họ - bao gồm khả năng tiếp cận nguồn vốn, đất đai và nắm bắt cơ hội.
Ông Steven Winkemal- Chủ tịch AmCham nhấn mạnh: "Muốn nhìn thấy rõ hơn sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách hệ thống quản lý nhà nước, điều mà rất nhiều nhà phân tích coi là nguyên nhân căn bản của những thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tham nhũng và xung đột lợi ích đã trở thành các vấn đề cố hữu trong cơ cấu của khu vực DNNN. Nếu các vấn đề quản lý cơ bản không được giải quyết, quá trình phát triển chắc chắn vẫn sẽ gặp nhiều thách thức.
Các nhà đầu tư đang băn khoăn lo lắng liệu tập đoàn nhà nước nào tiếp theo sẽ thất bại từ việc mở rộng hoạt động quá mức hay tập đoàn nào sẽ buộc phải kê các tài sản xấu vào bảng cân đối kế toán. Sự phân bổ không hợp lý các nguồn lực hiện vẫn còn tiếp tục trong khi đây là thời điểm Việt Nam cần phải có những quyết định sáng suốt hơn về chi tiêu nguồn vốn và chiến lược kinh doanh” – ông Wilkerman nói.
Tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã và đang được gấp rút triển khai
Lo ngại về năng lực cạnh tranh
Các vấn đề liên quan đến cải cách và cơ cấu lại các DNNN đang được giới chuyên gia lẫn các nhà đầu tư quan tâm. Vì khối DNNN đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế và được ưu đãi nhiều hơn thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai nhưng lại không hoạt động hiệu quả nên cần phải lập lại trật tự mới. Ông Preben, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu cho rằng, Chính phủ cần tiến hành cổ phần hóa các DNNN trong thời gian sớm nhất có thể để tạo ra một môi trường mang tính cạnh tranh hơn và hoạt động theo cơ chế thị trường.
Do vẫn có tình trạng phân biệt rõ rệt giữa các DN trong nước và nước ngoài trong nhiều lĩnh vực. Các DN trong ngành cung cấp vật liệu xây dựng cho biết rằng các DN tư nhân trong nước và DNNN được hưởng nhiều ưu đãi hơn, chẳng hạn như trong việc tiếp cận nguồn vốn cho các dự án đầu tư quy mô lớn.
Điều này làm gia tăng khoảng cách giữa DN trong nước và nước ngoài trong một thị trường vốn đã phân hóa cao. Các DN hưởng lợi còn được phép tiếp tục hạ giá bán xuống thấp hơn chi phí sản xuất chỉ để tạo ra dòng tiền nhưng thực chất lại gây lỗ và dư thừa nguồn cung.
Phần lớn các ý kiến nhà đầu tư đều cho rằng, trong khi các doanh nghiệp nhà nước có thể xin cấp vốn từ các tổ chức tàichính, thì có rất nhiều trường hợp các DN tư nhân xin vay vốn vô cùng khó khăn. Nếu cứ tiếp diễn như vậy thì dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp, và năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng sẽ không còn. Bởi vậy, việc bán DNNN hay tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề cấp thiết.
Theo Đại Đoàn Kết

Các tin cũ hơn