Thận trọng khi phá băng
Trao đổi tại diễn đàn về triển vọng kinh tế 2012, ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính cho rằng, điều Chính phủ lo nhất hiện nay là nợ xấu cho vay bất động sản. Rủi ro từ khu vực bất động sản với ngân hàng là rất lớn nên sự phục hồi của thị trường bất động sản không chỉ là cúu cánh cho ngân hàng mà còn cho các lĩnh vực kinh tế khác.
Ông Nghĩa cho biết, chúng tôi đang kiến nghị Bộ xây dựng cần xây dựng một chương trình tài chính cho các dự án nhà ở. Việc cho vay các dự án nhà ở đang dở dang cũng đang được đề nghị kéo dài đến hết năm 2012. Một đề xuất thiết thực khác cũng đang được xem xét là người dân mua nhà ở vay tiền ngân hàng thương mại không nhất thiết phải trả bằng tiền lương mà có thể trả bằng các khỏan thu nhập khác nếu chứng minh được.
Ngoài ra, Chính phủ cũng nên có chính sách hỗ trợ phục hồi việc cho vay mua nhà cửa của các ngân hàng chuyên về loại tín dụng này như Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long...
Ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, từ kinh nghiệm của năm 2011, năm 2012 Chính phủ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, giúp tăng trưởng tính dụng, từ đó "gỡ băng" cho cả thị trường bất động sản và chứng khoán.
Ông Lịch cho biết, các chính sách tín dụng sắp tới sẽ tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu; các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp nông thôn. Đối với lĩnh vực bất động sản sẽ là những dự án đầu tư nhà ở xã hội, những dự án phục vụ cho các công trình đô thị...
Tuy nhiên, ông Lịch cảnh báo, một vấn đề nữa cần được xử lý là thị trường chứng khoán đã giảm rất sâu. Bất động sản đóng băng với khối lượng lớn. Chúng ta sẽ làm tan khối băng này từ từ để kích thích được thanh khoản. Tôi tin rằng, trong chính sách tín dụng sắp tới những vấn đề này sẽ được tính đến. Tuy nhiên chúng ta phải làm theo bài bản nếu không vấn đề cần chặt chẽ, thận trọng thì bị thắt, còn vấn đề cần thắt chặt là tài khoá thì vẫn bội chi.
Tính vốn dài hạn cho BĐS
Theo ông Nghĩa, chúng ta chưa có một chính sách nhà ở nào tử tế. Chính sách tín dụng về nhà ở đang có vấn đề rất lớn. Việt Nam đã có một số ngân hàng ra đời với chiến lược cung cấp tín dụng nhà ở cho người dân (như Ngân hàng thương mại phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long và Habubank) nhưng bây giờ tất cả các ngân hàng này đều muốn trở thành ngân hàng thương mại cung cấp các dịch vụ như các ngân hàng khác.
"Chính phủ nhất thiết phải có chiến lược về nhà ở và tín dụng cho nhà đất một cách rõ ràng. Vì đầu tư vào nhà đất là một khoản đầu tư rất lớn, mang tính dài hạn và vượt xa khả năng có thể sở hữu của đa số người dân Việt Nam hiện nay", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Hiện nay, đã có những dấu hiệu chứng tỏ đang có chính sách phục hồi thị trường bất động sản và chứng khoán. Dù chính sách về tín dụng bất động sản mới đưa ra của Ngân hàng nhà nước còn chưa thật rõ ràng nhưng cũng chứng tỏ chính sách đã quan tâm đến lĩnh vực này.
Trong chỉ thị mới đây của Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ trong quý I/2012 Đề án nhà ở cho thuê và Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở. Trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội cho thuê, có sự tham gia, điều tiết của Nhà nước.
Nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản; Quý I/2012 trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Trong đó điều chỉnh mô hình quỹ đầu tư bất động sản nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường qua kênh thị trường chứng khoán.
Đây là những dấu hiệu cho thấy, BĐS sẽ được bơm vốn theo những kênh dân vốn dài hơn hơn. Khác với thực tế vay vốn ngắn hạn như hiện nay. Tuy nhiên, đây vấn đề của tương lại. Còn trong năm 2012, nếu nới vốn cho BĐS chắc chắn sẽ vẫn trong chờ vào ngân hàng
Tuy nhiên, theo đại diện HDBank cho rằng, không nên tăng dư nợ đầu tư quá nhiều vào một ngành hàng nào. Dù bản thân mình không có vấn đề nhưng các đối tác có vấn đề thì cũng dễ gây hiệu ứng domino. "Năm 2012 đầu tư an toàn vẫn là trên hết", đại diện nhà băng này nhận định.
Liên quan đến vấn đề giảm lãi suất cho vay. Ông Nghĩa cho rằng lãi suất có xuống được hay không là tùy vào khả năng ngân hàng trung ương có thể bơm được tiền hay không. Tuy nhiên cũng vẫn phải dè chừng lạm phát vì lạm phát thực chất là thuế vô hình đánh vào toàn dân. Vì vậy Chính Phủ vẫn phải đặt mục tiêu kềm chế lạm phát lên hàng đầu. Và doanh nghiệp kinh doanh nhìn CPI dưới 10% để điều hành hoạt động kinh doanh của mình.
Theo VEF