Chứng khoán: Sợ bẫy

Thứ hai, 12/12/2011, 06:52
Nhà đầu tư nghi ngờ khối ngoại muốn “đánh” thị trường lên để xả hàng.
Tuần qua, chỉ số VN-Index chỉ vụt tăng mạnh hơn 7 điểm trong một phiên duy nhất vào đầu tuần. Nguyên nhân tăng điểm được nhận định phần lớn là do các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ điều chỉnh giảm như tin đồn; các kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế, củng cố thị trường chứng khoán sẽ sớm thực thi sẽ kích thích được hầu hết thành viên tham gia thị trường hưởng ứng, đẩy thị trường tăng điểm kéo dài.

Tuy nhiên, “gáo nước lạnh” đã dội vào nhà đầu tư khi thị trường lập tức đảo chiều ngay vào lúc đóng cửa của phiên hôm sau và kéo dài mức giảm đến hết tuần, đưa VN-Index từ 391 điểm xuống 377 điểm. Thực tế, tin đồn giảm lãi suất ngay sau đó đã không xảy ra.

Ông Lâm Khánh Hải, chuyên viên phân tích Công ty CP Chứng khoán SJC, cho rằng tình hình nợ công của các nước châu Âu thời điểm này rất căng thẳng, có thể ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

“Điều quan trọng hơn mà các nhà đầu tư quan tâm là hiện tượng thoái vốn của các nhà đầu tư nước ngoài đang diễn ra. Nhà đầu tư nghi ngờ khối ngoại muốn “đánh” thị trường lên để xả hàng”- ông Hải nhận xét.

Ông Lương Biện Nhân Quyền, Trưởng Bộ phận tư vấn khách hàng cá nhân - Công ty CP Chứng khoán Mekong, cũng cho rằng áp lực rút vốn của các quỹ tại Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, khi thị trường giảm điểm, họ sẽ rất khó thực hiện nên khi thị trường bật tăng là cơ hội để họ “xả” hàng.

Từ đầu tháng 12 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra hơn 22 triệu cổ phiếu trên sàn TPHCM với giá trị gần 600 tỉ đồng, trong khi họ mua vào chỉ hơn 16 triệu cổ phiếu, giá trị khoảng 487 tỉ đồng. Họ đã bán mạnh một số mã thuộc ngành bất động sản, chứng khoán như: VIC, SSI, KLS, BCI, ITA, HPG…

Phòng Phân tích Công ty CP Chứng khoán KimEng Việt Nam, nhận xét VN-Index đang thoái lui về gần mức hỗ trợ khoảng 375,9 điểm. Mức này sẽ quyết định việc có xuất hiện một điểm bán quan trọng hay không. Còn HNX-Index cũng cho các tín hiệu không lạc quan...

Điều đáng quan tâm đối với thị trường là cuối tuần qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Nguyễn Đoan Hùng, khẳng định tháng 12 này sẽ trình Thủ tướng đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, trong đó có một phần là sẽ tái cấu trúc các công ty chứng khoán theo hướng sẽ xếp loại các công ty chứng khoán hoặc sẽ “đóng” cửa các công ty quá kém.

Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính- Trường Đại học Kinh tế TPHCM: Về lâu dài, việc tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán, bất động sản… là tích cực. Tuy nhiên, tất cả còn ở phía trước, còn cổ phiếu thì có thể giảm từng ngày. Trong giai đoạn chưa rõ ràng này, nhà đầu tư tổ chức sẽ không chấp nhận rủi ro… Khi bức tranh tái cấu trúc rõ ràng hơn, thị trường sẽ có niềm tin để tăng ổn định.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn