![]() |
Ông Phạm Anh Tuấn, Ban thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay, các thương hiệu đang bán chạy ở Việt Nam như Toyota, Lexus, Mercedes Benz, Poscher, Audi hay Kia, Hyundai đều đã có nhà sản xuất hoặc đại diện ủy quyền chính thức tại Việt Nam, nên rất khó có chuyện cho phép thêm các công ty thương mại mới phân phối sản phẩm của mình bằng việc tự nhập khẩu trực tiếp hàng về bán.
Đáng nói là, sau khi TT 20 ban hành (ngày 12/5/2011), Bộ Công thương đã có tới 3 văn bản gồm Công văn 4640/BCT-XNK (ngày 27/5/2011), Công văn 5569/BCT-XNK (ngày 22/6/2011) và Công văn 8826/BCT-XNK (ngày 23/9/2011) để hướng dẫn về giấy chỉ định, giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, như phản ánh của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV3, nơi đã làm thủ tục thông quan cho hơn 40 xe Lexus được nhập khẩu bởi một công ty thương mại thuần túy thì, “có những cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan hữu trách lẫn doanh nghiệp về TT 20”.
Cụ thể, khi cho phép làm thủ tục thông quan các lô xe Lexus, cơ quan hải quan đã chấp nhận giấy ủy quyền từ các đại lý bán hàng cho các thương hiệu ô tô như Toyota hay Lexus ở một thị trường khác, cho doanh nghiệp thương mại tại Việt Nam được phân phối các mẫu xe tại Việt Nam, bởi “các đại lý này là thương nhân nước ngoài có quyền phân phối hàng hóa mang nhãn hiệu Toyota hay Lexus”.
Cần phải nói thêm, để được mở tờ khai, các doanh nghiệp thương mại này phải xuất trình được với cơ quan hải quan “Giấy phép nhập khẩu tự động đối với các lô hàng xe ô tô mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống” do chính Bộ Công thương cấp.
Dĩ nhiên, muốn có giấy phép nhập khẩu tự động, thương nhân phải gửi tới Bộ Công thương hồ sơ gồm hợp đồng nhập khẩu, hoá đơn thương mại, L/C hoặc chứng từ thanh toán hoặc xác nhận thanh toán qua ngân hàng, vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải của lô hàng. Với mặt hàng ô tô sau khi TT 20 có hiệu lực, hồ sơ xin Giấy phép nhập khẩu tự động còn phải gồm cả các giấy tờ ủy quyền của chính hãng sản xuất, hãng sở hữu nhãn hiệu.
Cơ quan hải quan trực tiếp làm nhiệm vụ thông quan cho rằng, việc kiểm tra những loại giấy tờ theo quy định tại TT20 và các văn bản hướng dẫn rất phức tạp vì đều do nước ngoài lập và xác nhận. Chưa kể việc xác định tính hợp lý của chứng từ “Giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất” mà thương nhân nộp cho Bộ Công thương để cấp Giấy phép nhập khẩu tự động. Trên thực tế, cơ quan hải quan trực tiếp làm thủ tục rất khó khăn để tra cứu về các chủ sở hữu hợp pháp hay nhà sản xuất gốc của các thương hiệu xe ô tô trên thế giới, trong điều kiện mua bán, sáp nhập diễn ra nhanh và nhiều như hiện nay. Chưa kể thời gian xác định phải nhanh, để không gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Với thực tế có nhiều cách hiểu khác nhau trong quản lý nhập khẩu xe ô tô mới dưới 9 chỗ ngồi, lẫn tình trạng doanh nghiệp vẫn ào ạt đưa các loại xe này về Việt Nam, một số chi cục hải quan cửa khẩu- nơi trực tiếp làm thủ tục thông quan đã kiến nghị, sẽ chỉ làm thủ tục hải quan cho các xe đã được cấp Giấy phép nhập khẩu tự động do Bộ Công thương cấp kèm theo xác nhận về tính hợp pháp, hợp lệ của Bộ Công thương về “Giấy ủy quyền, giấy chỉ định của chính hãng sản xuất” theo quy định tại TT 20.