2011 “tệ bạc” và 2012 “u ám” của kinh tế thế giới

Thứ hai, 12/12/2011, 00:00
Đánh giá tình hình kinh tế thế giới năm 2011 dư luận cho rằng năm 2011 là năm “tệ bạc”, còn năm 2012 là “u ám” và thế giới sẽ bước vào thời kỳ “10 năm bấp bênh”.

 


>>>Christine Lagarde, cảnh báo về “thập kỷ suy thoái” của kinh tế

 

“Tống cựu nghênh tân”, năm 2011 sắp qua, năm 2012 sắp tới. Nhìn lại tình hình kinh tế thế giới năm 2011, Tuần báo Time của Mỹ khái quát là năm 2011 là năm “tệ bạc”. Đồng tiền đã gây ra nhiều hệ lụy tới kinh tế các nước và kinh tế thế giới nói chung. Tiền là quý giá nhưng cũng tệ bạc, khuynh đảo trật tự xã hội, làm kinh tế nhiều nước sa sút, đời sống dân chúng nhiều nước lao đao, khốn khó, thậm chí có nước rơi vào rối ren, động loạn. Điều này thể hiện qua một số sự kiện sau:

- Hệ thống tiền tệ nhiều nước rệu rã. Khủng hoảng tiền tệ mà đặc trưng là nợ công của các nước làm rung chuyển hệ thống tiền tệ các nước, uy tín giảm sút, thậm chí có nguy cơ làm sụp đổ cả hệ thống khu vực tiền tệ. Mức độ tín nhiệm tín dụng của nhiều nước bị hạ cấp, nhất là các nước Châu Âu. Nhật Bản, thực thể kinh tế lớn thứ ba thế giới ngay từ tháng 1/2011 đã bị S&P hạ cấp tín dụng từ “AA” xuống “AA –“, tiếp đó tháng 4/2011, S&P lại tiếp đánh giá bi quan về nợ công của Nhật Bản. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng bị hạ cấp tín nhiệm vào tháng 8/2011. Một sự kiện lớn ở Mỹ là cuộc biểu tình “Chiếm lĩnh phố Wall” của dân chúng với khẩu hiệu “99% dân Mỹ chống lại 1% kẻ giàu có” diễn ra tới hàng tháng.  Tại Châu Âu, hầu hết ngân hàng các nước bị hạ cấp độ tín nhiệm tín dụng do sa lầy vào khủng hoảng nợ công. Cuộc khủng hoảng này đã làm Khu vực đồng đồng euro (Eurozone) có nguy cơ bị sụp đổ.

- Chỉ tiêu tăng trưởng GDP luôn bị điều chỉnh hạ thấp. Báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” do IMF công bố ngày 20/11/2011 đã hạ thấp tốc độ tăng trưởng GDP thế giới từ 4,2% xuống còn 4% trong năm 2011. Trong đó, các nước phát triển năm 2011 chỉ đạt 1,6% thay vì 2,2% dự đoán trước đó. Kinh tế Mỹ dự kiến chỉ tăng trưởng 1,5% năm 2011, giảm 1% so với dự kiến trước đó. Khu vực Châu Âu năm 2011 chỉ đạt 1,6% giảm 0,4% so với đánh giá trước đó. Hãng Goldman Sachs điều chỉnh tăng trưởng GDP thế giới từ 4,2% trước đây xuống còn 3,8%. Kinh tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được coi là năng động nhất cũng giảm xuống chỉ còn 6,3% năm 2011 so với dự đoán 6,8% trước đó. GDP của Trung Quốc dự kiến 9,5% giảm xuống chỉ còn 9% trong năm 2011, của Ấn Độ chỉ đạt 7,8% so với dự kiến 8,5% trước đó. Nga, Brazil, Nam Phi dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2011 cũng giảm đáng kể, chỉ tăng trưởng ở mức từ 3,8% tới 4,1%.
Trong khi đó tỉ lệ thất nghiệp ở các nước Châu Âu và Mỹ vẫn duy trì ở mức cao,  lạm phát tăng cao, đời sống khó khăn, nên nhiều cuộc biểu tình của dân chúng luôn nổ ra ở nhiều nước.

- Khủng hoảng tiền tệ đã khuynh đảo chính quyền nhiều nước, Nhật Bản liên tục thay hai thủ tướng trong năm. Tại Châu Âu, từ tháng 6/2011 tới nay, đã có 6 nước thay đổi lãnh đạo, như Ireland tháng 3/2011 thay thủ tướng, tới tháng 10/2011 thay Tổng thống. Bồ Đào Nha thay thủ tướng vào tháng 6/2011, tháng 11/2011 Hy Lạp thay thủ tướng. Tháng 11/2011, Italy, Tây Ban Nha cũng lần lượt thay thủ tướng. Năm 2012, đảng Dân chủ Mỹ đang đứng trước thách thức lớn trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chủ yếu do hậu quả của khủng hoảng tiền tệ tín dụng.

Bước sang năm 2012, hầu hết các phân tích đều đánh giá bi quan triển vọng kinh tế thế giới và các nước, như tăng trưởng GDP tiếp tục bị giảm sút, trong đó tăng trưởng GDP thế giới ở mức xấp xỉ 4%, của các nước phát triển chỉ ở mức 1,9%, trong đó Mỹ chỉ đạt 1,8%, của Châu Âu chỉ đạt 1,1%. Theo dự báo của các nhà kinh tế, một số nước xuất hiện tăng trưởng âm. Các nước trong Nhóm BRICS (Viên gạch vàng) cũng suy giảm như Trung Quốc có thể chỉ đạt 8%, Ấn Độ 7,5%, Braxin 3,6%, Nga 4,1%, Nam Phi 3,6%. Các nước Trung Đông- Bắc Phi đạt 4% thấp hơn mức 5% trong năm 2011.

Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 họp đầu 11/2011 tại Cannes (Pháp), Thủ tướng Đức Merkel cho rằng sau cuộc khủng hoảng tiền tệ này Châu Âu phải mất 10 năm mới có thể khôi phục được tình hình trở lại như trước khủng hoảng.

Ngày 9/11/2011, phát biểu trong Hội thảo tiền tệ quốc tế tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc, Giám đốc IMF bà Lagarde cũng cho rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Âu lần này đã làm kinh tế thế giới mất đi thời gian 10 năm phát triển.

Phát biểu trong “Hội thảo sức cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc” tổ chức ở Bắc Kinh ngày 10/11/2011, Phó Giám đốc Viện khoa học xã hội Trung Quốc Lý Dương nói nhìn lại một số cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra trong Thế kỷ 20 cho thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ít nhất phải mất 10 năm mới khôi phục được mức trước khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng đã xảy ra được 3 năm, bởi vậy phải 7 năm nữa thì kinh tế thế giới mới trở lại mức trước khủng hoảng. Ông Lý Dương cho rằng thời gian tới đây các nước Âu-Mỹ sẽ bận tâm vào tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế  trên 4 mặt: một là xác định lại phương thức tăng trưởng kinh tế; hai là tái cơ cấu nền kinh tế; ba là tái cơ cấu hệ thống tiền tệ và bốn là tái cơ cấu chính sách thuế vụ.

Ông cho rằng, tái cơ cấu là một quá trình, đòi hỏi có thời gian chứ không thể làm trong một sớm một chiều. Bởi vậy, các nhà phân tích cho rằng tình hình kinh tế thế giới năm 2012 vẫn mịt mù, u ám chứ chưa thể lạc quan.


Theo Tầm Nhin

Các tin cũ hơn