10 năm gia nhập WTO, Trung Quốc đạt nhiều thành tựu

Thứ hai, 12/12/2011, 00:41
Sau 10 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ngày 11-12-2001, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn.


 

Theo phương tiện truyền thông Trung Quốc, thập niên qua là giai đoạn thay đổi lịch sử. Tờ China Daily cho biết Trung Quốc trở thành nơi đầu tư số một thế giới và đầu tư ra nước ngoài gần như tăng gấp đôi mỗi hai năm kể từ năm 2002.

Các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng nổi bật với 54 công ty lọt vào danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới của tạp chí Fortune, năm 2001 chỉ có 12 công ty.

Những thay đổi trên có ảnh hưởng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, thậm chí làm ngạc nhiên giới chức Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc thực hiện nhiều cải cách quan trọng sau khi tham gia WTO, các nhà phân tích cho rằng quá trình chuyển từ nền kinh tế theo định hướng nhà nước sang nền kinh tế thị trường không thực sự thành công.

Sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc gây thiệt hại cho Mỹ và các nước sản xuất truyền thống khác. Việc sản xuất ồ ạt hàng hóa xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc đồng nghĩa với việc hàng hóa của các nước khác bị giảm sút và công nghiệp bị tổn hại.

Trong khi doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận nhiều hơn nền kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc không được như vậy. Các doanh nghiệp này thường xuyên nêu lên quan ngại về vô số loại giấy phép phải xin.

Đại sứ Mỹ tại WTO Michael Punke nói trong năm năm qua, những thành viên khác của WTO gặp nhiều khó khăn vì sự tăng cường can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế Trung Quốc. Ông Punke nói nhiều tranh chấp thương mại với Trung Quốc phát sinh từ chính sách bảo hộ doanh nghiệp quốc doanh và nội địa. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc còn bắt buộc doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ trong một số lĩnh vực.

Việc định giá thấp nhân dân tệ từ lâu được xem là trở ngại cho tự do thương mại. Các nhà lập pháp Mỹ đang muốn thông qua luật trừng phạt Trung Quốc vì đã giữ cho nhân dân tệ có giá thấp, làm hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn.

Trong lúc tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cao và nền kinh tế yếu ớt, thương mại với Trung Quốc trở thành đề tài tranh luận nóng trong chương trình nghị sự. Trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2012, vấn đề thương mại với Trung Quốc sẽ được đặt ra.

Theo China Daily/ VOA

Các tin cũ hơn