Với lý do "đã có các phương án khác," ngày 9/12, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ không đóng góp tài chính vào Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giải cứu các quốc gia châu Âu; trong đó có Italy và Tây Ban Nha, nếu những nước này cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng vỡ nợ như Hy Lạp và Ireland.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, thông báo này được đưa ra ngay sau khi các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), nhóm họp tại Brussels, Bỉ, nhất trí cùng đóng góp 270 tỷ USD để IMF có đủ tiền tung ra cứu trợ trong trường hợp một thành viên lớn của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn từ thị trường.
Lý giải về quyết định trên của Nhà Trắng, trong các bài phát biểu tại Brussels khi đang cùng các đồng nghiệp châu Âu bàn cách cứu Lục địa Già ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geaithner nhấn mạnh IMF đã được cung cấp đủ tiền và bản thân châu Âu cũng có đủ các nguồn lực tài chính để tự giải quyết các khó khăn của mình.
Một quan chức Mỹ tiết lộ Nhà Trắng hiện đang cân nhắc các phương án để tăng cường khả năng tài chính của IMF mà không cần phải sử dụng tiền thuế của người dân Mỹ để đóng góp cho IMF.
Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế lớn, dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2012.
Mỹ hiện là nước đóng góp lớn nhất cho IMF, chiếm tới 16% tổng số quỹ hoạt động của tổ chức này. Năm 2009, Mỹ đã có những khoản đóng góp vào quỹ cứu trợ khẩn cấp của IMF để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sau khi tập đoàn tài chính và đầu tư danh tiếng của Mỹ là Lehman Brothers bị phá sản.
Năm 2010, Mỹ cũng đã cam kết đóng góp thêm cho IMF, song khoản cam kết đóng góp này cho tới nay vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua.
Theo Vietnamplus