Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) |
Trước tình trạng người dân và chủ đầu tư các khu chung cư cao cấp xảy ra tranh chấp và không thể giải quyết được bằng thỏa thuận, phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).
Thời gian gần đây, tại Hà Nội và TPHCM liên tục xảy ra tranh chấp giữa cư dân các khu chung cư cao cấp và nhà đầu tư, thậm chí còn dọa kiện nhau ra tòa vì phí dịch vụ quá cao và chất lượng dịch vụ không tương xứng, thậm chí dưới mức quy định hiện hành. Bộ Xây dựng sẽ có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này, thưa ông?
Trách nhiệm về việc này trước hết thuộc về chính quyền các TP. Còn theo quy định pháp luật và trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra định kỳ về vấn đề quản lý, dịch vụ của các khu chung cư, trong đó có chung cư cao cấp. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời những chủ đầu tư tự ý nâng mức phí dịch vụ.
Tuy nhiên, trong trường hợp có mâu thuẫn lớn giữa chủ đầu tư và cư dân, đồng thời có nhiều vi phạm, dư luận phản ánh nhiều thì Bộ Xây dựng sẽ tiến hành tổng kiểm tra làm rõ. Sắp tới Bộ Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu để sửa đổi những quy định từ công tác phát triển đến công tác quản lý để phù hợp hơn, tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân.
TP Hà Nội và nhiều địa phương khác, cùng với Bộ Xây dựng đã có quy định rõ về quản lý chung cư, trong đó có mức phí dịch vụ nhưng vẫn có những “vượt rào” về mức trần phí dịch vụ và vi phạm từ phía chủ đầu tư. Ông nhìn nhận việc này thế nào?
Nghị định 71/CP (ban hành ngày 29-6-2010) và các quy định hiện hành khác đã quy định rõ hai bên phải tôn trọng thỏa thuận trong hợp đồng, trong đó có phụ lục hợp đồng về vấn đề phí dịch vụ, quản lý, tài sản sở hữu riêng và sở hữu chung… Theo tôi, người mua nhà phải đọc kỹ các thỏa thuận.
Nguyên tắc của quản lý Nhà nước là tôn trọng thỏa thuận trong hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và người dân, với điều kiện những thỏa thuận này phải đúng theo quy định của pháp luật; hoặc đối với những chung cư xây dựng trước khi những văn bản pháp luật của Nhà nước ban hành thì phải thực hiện theo khung giá của Nhà nước.
Những chung cư xây dựng sau khi ban hành Nghị định 71/CP thì hai bên phải thực hiện theo quy định, tức là thỏa thuận trong mua bán nhà ban đầu, vì thế Nhà nước không can thiệp được.
Tuy nhiên, việc thu phí của các nhà đầu tư quá cao, vượt trần quy định rất nhiều dẫn đến cư dân không chịu và xung đột xảy ra?
Nhu cầu mua chung cư đang thu hút người dân cho thấy điều kiện sống tốt và các dịch vụ tại đại đa số các chung cư là tốt, chỉ có một vài chung cư không thực hiện theo quy định của pháp luật dẫn đến những xung đột quyền lợi giữa chủ đầu tư và dân. Còn trong trường hợp chủ đầu tư không quy định rõ về phí dịch vụ là họ sai và phải thực hiện theo quy định của Nhà nước.
Nhà nước đã có quy định giá trần theo cấp công trình. Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội địa phương để ban hành giá trần phí dịch vụ những khu chung cư không có thỏa thuận của chủ đầu tư với người dân. Tuy nhiên, Hà Nội, TPHCM và các TP khác cần sớm thành lập ban quản trị tại các khu chung cư bởi ban quản trị rất quan trọng trong việc vận hành, xử lý mâu thuẫn và luật đã quy định phải thực hiện.
Đã giải quyết khiếu nại của 3 ban quản trị chung cư Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, đến nay chỉ có một số ít chung cư (trong tổng số hàng ngàn chung cư cả nước) không thực hiện đúng quy định của pháp luật và dẫn tới xung đột quyền lợi với người dân. Một số ban quản trị chung cư gửi thư khiếu nại trực tiếp lên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản và đã được giải quyết như chung cư Sky City 88 Láng Hạ, The Manor (Từ Liêm), Kinh Đô (93 Lò Đúc), còn Keangnam (đường Phạm Hùng) mới được nghe phản ánh mà chưa tiếp nhận đơn thư. Những trường hợp đơn thư của hộ gia đình, các ban quản trị gửi đến thì Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo để các cơ quan chuyên trách kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật và xử lý nếu có vi phạm. |
Theo Người Lao Động