Đề nghị dừng thành lập mới tập đoàn

Thứ bảy, 10/12/2011, 06:19
Sau nhiều phê phán về hiệu quả hoạt động các tập đoàn và yêu cầu cần đánh giá, ngày 9-12 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục chủ trì sơ kết mô hình tập đoàn nhà nước và yêu cầu phân cấp mạnh việc giám sát.



Bằng nguồn lực trong nước, ngành dầu khí đã tự chế tạo giàn khoan Đại Hùng 2 đưa vào khai thác - Ảnh: Đông Hà

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị phải tạm dừng thành lập tập đoàn mới trong 2-3 năm tới để hoàn thiện khung pháp luật và cơ chế.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT), 12 tập đoàn nhà nước hiện nay đã chiếm 10% tổng giá trị tài sản và 7,6% lao động dài hạn của toàn bộ các doanh nghiệp của nền kinh tế.

“Ba chưa...”

 

"Chưa có cơ quan nào chuyên trách và cũng chưa có cơ quan nào được xác định là đầu mối giám sát, chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của tập đoàn..."

Nhận định của Bộ Kế hoạch - đầu tư

Bộ KH-ĐT nhận định khung pháp luật về tập đoàn hiện vẫn “ba chưa”: chưa nhất quán, chưa đầy đủ và chưa phù hợp. Nhà nước giao vốn cho tập đoàn nhưng việc đứng quyền chủ sở hữu tài sản nhà nước tại tập đoàn lại được giao cho nhiều cơ quan, bộ ngành khác nhau. “Chưa có cơ quan nào chuyên trách và cũng chưa có cơ quan nào được xác định là đầu mối giám sát, chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của tập đoàn” - Bộ KH-ĐT cho biết.

Về hiệu quả sản xuất kinh doanh, Bộ KH-ĐT cho rằng dù đã năm năm thí điểm mô hình tập đoàn nhưng đến nay vẫn chưa hình thành được cơ sở dữ liệu sát thực để có thể phân tích, đánh giá hiệu quả của tập đoàn. Đáng lưu ý, ngay Bộ KH-ĐT cũng phải công nhận rất khó cho cơ quan nhà nước có thể tiếp cận chính xác thông tin kết quả hoạt động của tập đoàn! Thống kê qua các năm, Bộ KH-ĐT cho biết hầu hết các tập đoàn có lãi nhưng mức lãi không cao và đang có xu hướng giảm dần. Nhóm tập đoàn đạt lợi nhuận cao như Tập đoàn Dầu khí thì tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu (sau thuế) cũng chỉ đạt 12,6%, Viettel 13,3% - thấp hơn mức lãi ngân hàng...

Chưa hết, do không bị khống chế số lượng dự án được tiến hành trong một năm nên Bộ KH-ĐT đánh giá nhiều tập đoàn đã đầu tư “quá nóng” trong khi dàn trải và hiệu quả chưa cao. Có tập đoàn bố trí đầu tư giá trị cao gấp 1,5-3,1 lần vốn điều lệ.

Bộ KH-ĐT cũng cho rằng các tập đoàn chủ yếu thành lập theo phương thức hành chính, các đề án đều do chính tập đoàn chủ trì xây dựng. Việc gom một số tổng công ty thành tập đoàn như Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, theo Bộ KH-ĐT, là mang nặng tính hành chính chủ quan, chưa thuyết phục nên hoạt động của tập đoàn sau đó gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các tập đoàn đều tăng vốn, tăng nhân lực, tài sản nhưng nhiều tài sản tăng lên là do vốn vay mà có.

“Ngoài ngành phải thôi”

Từ thực tế trên, Bộ KH-ĐT kiến nghị phải đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, giảm bớt số lượng ngành nghề để tập đoàn nhà nước chỉ tập trung vào một số công đoạn, lĩnh vực then chốt. Đặc biệt, Bộ KH-ĐT kiến nghị phải tạm dừng thành lập tập đoàn mới trong 2-3 năm tới để hoàn thiện khung pháp luật và cơ chế.

Giải pháp cụ thể, Bộ KH-ĐT cho rằng nên niêm yết cả công ty mẹ là chủ các tập đoàn lên thị trường chứng khoán để buộc các công ty này tăng sự minh bạch, cải thiện quản trị. Các tập đoàn cũng cần được thành lập bằng công cụ thị trường (mua bán, sáp nhập) chứ không nên theo các quyết định hành chính. Việc thành lập cần có điều kiện cụ thể, tránh thành lập tràn lan. Việc gom các tổng công ty cùng ngành thành tập đoàn cần được nghiên cứu bãi bỏ...

Đáng lưu ý, Bộ KH-ĐT mạnh dạn kiến nghị Quốc hội vào cuộc, là cơ quan giám sát chức năng quyền chủ sở hữu của Chính phủ tại doanh nghiệp. Phải tăng chế tài và yêu cầu các tập đoàn minh bạch thông tin giống các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã đọc kỹ báo cáo sơ kết và tỏ ý chưa hài lòng, đề nghị phải tổng kết sâu hơn. Thủ tướng nhấn mạnh việc lập tập đoàn là để có tổ chức kinh tế mạnh, để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo công ích. “Có ý kiến nói ta làm tập đoàn vội vàng như thế có nên không, hay cần bỏ đi? Tôi cho rằng không nên đặt vấn đề như thế” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT phải chỉ đạo nghiên cứu, giải đáp cho được sắp tới quản lý tập đoàn thì Nhà nước làm những việc gì, ai làm, nếu gom về một bộ thì làm thế nào? Định hướng khâu đột phá, Thủ tướng yêu cầu cần thay đổi theo hướng việc quản lý vốn sở hữu nhà nước, kể cả chiến lược, quy hoạch, cán bộ... tại tập đoàn sẽ chỉ tập trung ở hội đồng quản trị tập đoàn và bộ quản lý ngành. Nhiều việc cần xem lại có cần phải trình đến Thủ tướng quyết không?

Thủ tướng định hướng sắp tới vẫn phải xây dựng những tập đoàn mạnh nhưng sẽ phải tái cơ cấu. Với đầu tư ngoài ngành, ngay dầu khí, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí không bỏ tiền của tập đoàn xây tháp dầu khí. “Ngoài ngành phải thôi” - Thủ tướng kiên quyết và yêu cầu lĩnh vực không cần giữ vốn nhà nước chi phối thì “cần bán tất. Doanh nghiệp con cháu cần sáp nhập, không nhỏ lẻ như thế”..

Theo Tuoi Tre

 

Các tin cũ hơn