Việc điều chỉnh này được thực hiện sau khi S&P áp dụng phương pháp luận mới đối với đánh giá ngành ngân hàng.
BIDV và Vietcombank được đánh giá có vốn và lợi nhuận “rất yếu”, trong khi đó Techombank chỉ thuộc nhóm “yếu”. S&P kỳ vọng, tỷ lệ vốn điều chỉnh theo rủi ro liên quan của Techcombank duy trì ở mức 3,5% trong 12-18 tháng tới, trong khi đó tỷ lệ này của Vietcombank là 2,5-3% và của BIDV đang nằm trong nhóm “rất yếu”.
S&P đánh giá triển vọng của Techcombank ở mức “ổn định”, BIDV và Vietcombank xuống mức “tiêu cực”.
Theo S&P, Techcombank sẽ tiếp tục chiến lược phòng thủ bằng cách tăng trưởng nợ vừa phải và đầu tư vào các tài sản ít rủi ro trong điều kiện kinh tế nhiều thách thức và lạm phát cao ở Việt Nam.
Đại diện BIDV cho biết, đây là một động thái trong quá trình rà soát lại định hạng của 44 ngân hàng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo phương pháp đánh giá mới mà S&P công bố vào tháng 11/2011.
Theo phương pháp mới này, kết quả đánh giá môi trường hoạt động sẽ quyết định định hạng cơ sở của các ngân hàng tại quốc gia đó. Do điểm đánh giá Việt Nam bị hạ từ mức 9 xuống mức 10, nên định hạng cơ sở của tất cả các ngân hàng Việt Nam cũng chịu sự điều chỉnh xuống mức B.
Tuy nhiên, do S&P đánh giá cao khả năng hỗ trợ của Chính phủ đối với BIDV nhờ tầm quan trọng của BIDV đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, định hạng đối tác của BIDV được nâng lên 1 bậc so với định hạng cơ sở, lên mức B+.
Như vậy, việc hạ bậc định hạng BIDV của S&P không phải do quan ngại về năng lực tài chính của BIDV mà do thay đổi trong phương pháp đánh giá gắn vào việc điều chỉnh đánh giá quốc gia.
Bên cạnh đó, việc BIDV được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước lựa chọn là đơn vị hỗ trợ cho việc hợp nhất 3 NHTMCP tại Việt Nam thể hiện năng lực và vai trò của BIDV trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Theo ĐTCK