Còn lại bao nhiêu ngân hàng vừa và nhỏ?

Thứ sáu, 09/12/2011, 06:49
Hợp nhất 3 NH là do thiếu hụt thanh khoản tạm thời vì mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay. Trong khi đó, câu chuyện khó khăn thanh khoản không phải của chỉ riêng một vài NH.

Sau thương vụ sáp nhập ba ngân hàng thương mại (NHTM) mới đây xuất phát từ nguyên nhân thiếu hụt thanh khoản do mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động - cho vay của cả ba ngân hàng, dư luận đang đặt ra câu hỏi, các NH nào sẽ là đối tượng tiếp theo?

Lộ trình 7 giải pháp

Có thể dễ dàng hình dung đích ngắm bao quát mà NHNN hướng đến khi thực hiện 7 nhóm giải pháp trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH) là giảm nhanh NH yếu kém và xây dựng số ít các NH có thực lực mạnh đủ sức cạnh trạnh với khu vực cũng như làm trụ cột cho cả hệ thống NH trong nước. Các nhóm giải pháp tái cấu trúc này sẽ được NHNN thực hiện trong giai đoạn từ nay đến 2015 với nhiều giai đoạn cụ thể khác nhau.

Cụ thể, NHNN sẽ hoàn thiện và đưa vào thực hiện các tiêu chuẩn quản trị mới, các quy định về an toàn và phòng tránh rủi ro theo hướng tiếp cận nhanh thông lệ quốc tế; tăng cường vai trò giám sát của NHNN trong việc thực hiện các tiêu chuẩn này. Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách để những NHTM có đủ điều kiện phát triển nhanh và cạnh tranh có hiệu quả trong nước và quốc tế. Giải pháp tiếp theo là thực hiện cổ phần hóa các NHTM nhà nước, nâng cao tiềm lực tài chính, khả năng quản trị, chất lượng các dịch vụ, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động để các NHTM nhà nước thực sự làm nòng cốt trong hoạt động của hệ thống NHTM cả nước.


Riêng với các NHTM cổ phần, NHNN sẽ bổ sung hoàn thiện thể chế để nâng cao chất lượng quản trị, hoạt động minh bạch và thực sự là ngân hàng đại chúng; quy định mức vốn tối thiểu và lộ trình thực hiện phù hợp với quy mô và địa bàn hoạt động. Đáng lưu ý, NHNN xây dựng phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các NH yếu kém kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí ít nhất, bảo đảm an toàn hệ thống, không làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm. Hoạt động của các TCTD ở nông thôn sẽ được kiện toàn và phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, việc thành lập mới các NHTM và các định chế tài chính, kể cả thành lập mới các hợp tác xã tín dụng ở địa bàn nông thôn phải được thẩm định chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.


Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, NHNN sẽ thực hiện giải pháp nhằm phối hợp có hiệu quả việc tái cơ cấu hệ thống với việc cơ cấu lại và phát triển mạnh các phân khúc khác các thị trường tài chính như chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm và các quỹ đầu tư theo những tiêu chuẩn quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Bao nhiêu là đủ?

Trong các giải pháp trên, định hướng giảm nhanh các NH yếu kém kéo dài được dư luận đặc biệt quan tâm. Đặc biệt sau thương vụ sáp nhập ba NHTM cổ phần Ficombank, TinNghiaBank và SCB mới đây, dư luận đặt ra câu hỏi liệu sẽ còn có thêm các NHTM nào tiến hành giải pháp tái cấu trúc này. Bởi xuất phát điểm của thương vụ này theo lý giải của NHNN là do trong thời gian gần đây, ba NH nói trên có những thiếu hụt thanh khoản tạm thời do mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay. Trong khi đó, câu chuyện khó khăn thanh khoản không phải của chỉ riêng một vài NH. Các con số thống kê cho thấy, tình trạng mất cân đối giữa huy động và cho vay không phải là hiếm.


Tính trên toàn hệ thống, con số tổng huy động tính đến cuối tháng 7.2011 đạt 2.585 nghìn tỉ đồng, tăng 86% so với cuối 2008. Trong đó tốc độ huy động vốn năm 2009 tăng 29,88% và năm 2010 tăng 36,24%. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2011, huy động vốn chậm lại với 5,46%. Còn ở chiều cấp tín dụng, tổng dư nợ đến cuối tháng 7.2011 đạt 2.650 nghìn tỉ đồng - tương đương mức tăng 97% so với cuối năm 2008 với mức tăng lần lượt là 39,57% (2009) và 32,43% (2010). Chỉ sang đầu năm 2011 với chính sách tiền tệ thắt chặt, mức tăng tín dụng 7 tháng đầu năm chỉ còn 7,06%.


Thực tế theo một con số được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình công bố, những NH đang tạm gọi là có yếu kém chiếm khoảng 5% thị phần hoạt động của NH. Quá trình tái cấu trúc các NH này có thể được thực hiện theo phương châm dùng các tổ chức có quy mô lớn hơn và tình hình tài chính lớn hơn để tham gia vào việc tái cấu trúc các tổ chức tín dụng nhỏ hơn. Điều này tương tự như việc BIDV đang tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu ba NHTM cổ phần hiện nay.

 
Hệ thống NH sẽ còn bao nhiêu đơn vị sau khi quá trình tái cơ cấu hoàn tất vào năm 2015 là câu hỏi chưa có lời đáp. Song từ con số hơn 40 NHTM trong nước hiện nay, NHNN định hướng trong 5 năm tới sẽ có hai NH đủ sức cạnh tranh với khu vực và có từ 10 đến 15 NH đủ lớn làm trụ cột cho cả hệ thống. Những NH có quy mô vừa và nhỏ còn lại bao nhiêu vẫn đang là ẩn số.

 Theo Lao Động

Các tin cũ hơn