Doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn, khi thực hiện đơn hàng FOB. |
Công ty TNHH may mặc xuất khẩu Tân Châu (thành viên của Tập đoàn dệt may Việt Nam), bấy lâu xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ và Nhật Bản, và mới làm hàng thể thao cho đối tác châu Âu trong năm nay. Công ty mới đây hoàn tất một đơn hàng nhỏ làm thử hình thức FOB (mua nguyên liệu và may gia công) cho một đối tác tại Tây Ban Nha. Dù làm FOB doanh nghiệp có lời hơn gia công thuần tuý (CMT), nhưng vì mới làm thử đơn hàng nhỏ nên chênh lệch về lợi nhuận giữa CMT và FOB chưa nhiều.
Chần chừ vì lắm rủi ro
Tuy nhiên, khi đối tác đề xuất Tân Châu thực hiện một đơn hàng FOB với quy mô lớn hơn nhiều cho năm tới, thì công ty lại chần chừ vì khách hàng cho biết không có thói quen đặt cọc trước.
Ông Phạm Tuấn Kiên, giám đốc của công ty Tân Châu, cho biết, nếu tình hình kinh tế châu Âu đang tốt thì không sao, nhưng hiện kinh tế không mấy sáng sủa nên công ty phải cân nhắc vì sợ rủi ro dù đối tác thanh toán bằng thư tín dụng (L/C).
Việc Tân Châu chần chừ có thể lý giải được, vì khi kinh tế đang khó khăn, thì không gì có thể nói trước, trong khi đó làm đơn hàng FOB, công ty chịu nhiều rủi ro hơn khi phải bỏ thêm chi phí mua vải và nguyên phụ liệu để may sản phẩm.
Hiện một số công ty như giày Liên Phát, hay công ty may Sài gòn 2 cũng cho biết chỉ thực hiện các đơn hàng gia công thuần tuý.
Bà Trương Thị Thúy Liên, giám đốc công ty giày Liên Phát, cho biết công ty đang làm gia công đơn thuần cho các thị trường, như châu Âu, Mỹ, Trung Đông qua công ty trung gian. Theo bà Liên, làm gia công đơn thuần, dù lợi nhuận không cao, nhưng an toàn về thanh toán hơn so với hình thức FOB.
Theo giám đốc điều hành của một công ty may A cũng có tiếng tại Việt Nam (xin được không nêu tên), thực hiện đơn hàng FOB đương nhiên lời cao hơn CMT vì làm FOB, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian hơn, kỳ công hơn, chịu nhiều rủi ro hơn, phải có vốn lớn để mua vải và có người để phụ trách thêm nhiều khâu. Hiện công ty này mỗi năm đều đặt ra mục tiêu tăng tỉ lệ làm hàng FOB, nhưng hiện tỉ lệ làm hàng CMT vẫn chiếm đa số.
Theo bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện cũng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang hình thức FOB, nhưng việc chuyển đổi này còn chậm và không như mong đợi.
Hiện nay, số doanh nghiệp gia công thuần tuý trong ngành da giày là 70%, trong ngành may mặc là 60%. Hai ngành này phụ thuộc chủ yếu vào nguyên vật liệu nhập khẩu (nhập khẩu 60-70% nguyên vật liệu).
Với đà tăng giá lao động như hiện nay, có khả năng trong 3-5 năm tới, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại nếu làm gia công thuần tuý. Ông Lê Quốc Ấn, Trưởng ban cố vấn VITAS |
Có thể gặp khó với gia công thuần tuý
Với việc nguyên phụ liệu nhập khẩu chiếm phần lớn giá trị sản phẩm, cộng thêm chi phí lao động đang ngày càng tăng, trong khi lợi nhuận từ gia công lại ít ỏi, không ít doanh nghiệp đã thấy khó khăn.
Một doanh nghiệp giày gia công thuần tuý cho biết qua điện thoại, năm nay công ty không lời, nhưng vẫn phải chi thưởng cho công nhân. Ngoài ra, chi phí lo tàu xe về cho công nhân trong năm nay cũng tăng cao.
Hiện mức chi trả có thể giữ được người lao động trong ngành may ở TPHCM trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng/người, bao gồm cả thưởng tết, chi phí bảo hiểm,…; ở những tỉnh thành khác thì khoảng 4 triệu. Mức lương trong ngành da giày thì thấp hơn.
Theo ông Lê Quốc Ân, Trưởng ban cố vấn VITAS, trong một hội thảo gần đây, giá lao động tại Việt Nam đang trên đà tăng và có thể sẽ lên đến 500 đô la Mỹ/tháng/người (khoảng 10 triệu đồng) (tính cả thưởng tết, bảo hiểm xã hội,…) tại các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội trong 3-5 năm tới.
Do đó, ông Ân cho rằng, với đà tăng giá lao động như trên, có khả năng trong 3-5 năm tới, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại nếu làm gia công thuần tuý.
Theo đó, dù muốn hay không, theo xu thế, doanh nghiệp vẫn phải đẩy mạnh giá trị gia tăng cho hàng hoá, bằng cách giảm CMT, đẩy mạnh FOB, hướng đến những hình thức mang lại giá trị gia tăng cao hơn, như kết hợp làm thương hiệu, phân phối và marketing.
Trong hội thảo bên lề hội chợ thời trang diễn ra tại TPHCM vào cuối tháng 10-2011, ông Andrew Hong, tổng thư ký thường trực Liên đoàn dệt may Đông Nam Á, cho biết, trước năm 2005, khách hàng tìm đến doanh nghiệp và chỉ định nguồn cung ứng vải, nguyên phụ liệu, doanh nghiệp chỉ cắt và may, không dính dáng gì đến thiết kế, đo đạc và định giá. Nhưng, ngành may khu vực đang ở một tầng nấc là: có sự thay đổi trong tâm lý người bán và người mua, doanh nghiệp làm dịch vụ trọn gói, tức sản xuất vải, thiết kế, nghiên cứu và cắt may.
Bà Jessie Zhang, giám đốc phụ trách khách hàng quốc tế tại công ty Magic International Inc. (đơn vị tổ chức hội chợ may mặc Magic Show tại Mỹ), cũng cho biết, để tạo lợi thế cạnh tranh đối với khách hàng Mỹ thì doanh nghiệp nên cung ứng được dịch vụ trọn gói, hoặc phải có sẵn danh sách các nhà cung ứng thứ cấp/nhà thầu phụ (vải, may, hoàn tất…). Thông thường, khách mua hàng không muốn làm việc trực tiếp với các nhà cung ứng thứ cấp/nhà thầu phụ vì họ muốn hạn chế bớt những phức tạp không đáng có trong quy trình sản xuất.
Theo The Saigontimes.