Những nguyên nhân khiến chứng khoán "đổ sụp"

Thứ sáu, 09/12/2011, 00:00
Sự phối hợp giữa các ngành Tài chính – Ngân hàng để hỗ trợ cho ngành chứng khoán phát triển chưa được như mong đợi.


Sự ra đời quá nhiều các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ trong lúc thị trường Việt Nam quá nhỏ bé là không cần thiết. Ảnh minh họa.


Hàng loạt những hệ lụy từ cuộc suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng lớn đến thị trường của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và kênh đầu tư chứng khoán sụp đổ là một điều không bất ngờ.

Kể từ năm 2007 đến nay tình hình thế giới có nhiều biến động phần nào đó đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, và thị trường chứng khoán là nạn nhân của việc suy thoái kinh tế này.

Chỉ số Vn-Index từng trên 1.000 điểm (đầu năm 2007), đến nay chỉ còn dưới mức 400 điểm. Đặc biệt hơn 1/3 số cổ phiếu niêm yết dưới mệnh giá, một số công ty niêm yết đã dần bị thôn tính… gây thiệt hại cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Niềm tin của công chúng đầu tư bị suy giảm, các công ty chứng khoán và quản lý quỹ bị thua lỗ nặng.

Theo Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam, việc kênh đầu tư này rơi vào tình hình như hiện nay có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do tác động của suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán của nhiều quốc gia, trong đó có thị trường Việt Nam.

Chứng khoán là một thị trường hết sức nhạy cảm, mặc dù thời gian qua Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã có những giải pháp và kiến nghị xong dừng lại mức đề xuất. Việc chậm xử lý đã có tác động không thuận lợi đến thị trường và nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Công tác phát hành, tăng vốn và niêm yết lên sàn chứng khoán chưa có tiêu chuẩn nghiêm ngặt nên giá trị cổ phiếu bị giảm thấp, báo cáo thiếu kịp thời, thiếu công khai, minh bạch và công bằng, công tác thanh tra, giám sát… còn hạn chế gây nên tâm lý bất an cho nhà đầu tư.

Cùng với đó, sự ra đời quá nhiều các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ (các định chế tài chính trung gian) trong lúc thị trường Việt Nam quá nhỏ bé, từ đó tạo nên khó khăn và dẫn đến tình trạng các công ty lôi kéo khách hàng, vi phạm nguyên tắc nghiệp vụ.

Ngoài ra, vai trò của các công ty chứng khoán chưa phát huy đúng với chức năng trung gian tài chính, công tác quản trị kinh doanh còn quá yếu, thiếu hướng dẫn kịp thời các văn bản của những cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ để thúc đẩy thị trường phát triển theo đúng quỹ đạo.

Thị trường chứng khoán là một ngành hết sức nhạy cảm và là thị trường của niềm tin, song thời gian qua nhiều luồng thông tin một chiều làm cho tâm lý của các nhà đầu tư bị hoang mang, dao động… làm thị trường thêm khó khăn.

 Theo VNMedia

Các tin cũ hơn