Đồ chơi Trung Quốc: mất dần thị phần quốc tế

Thứ năm, 08/12/2011, 09:48
SaigonNews - Những món đồ chơi mang tên tiếng Hoa đang dần mất những đơn hàng quốc tế cũng như đối mặt với những cáo buộc về vi phạm an toàn lao động.

Tại một khu chợ bán sỉ phía Nam thành phố Thâm Quyến, ông Jin – một người bán hàng đang ngồi giữa những núi đồ chơi tồn kho gồm rất nhiều mũ ông già Noel và vòng hoa trang trí cửa.

Đồ chơi từ công ty nội địa

“Kinh doanh không tốt trong năm nay. Hiện đã có những tác động nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu”, nhân viên bán hàng của cửa hàng Dadi Red Lantern Crafts nói với phóng viên, giữa họ là hàng đống đồ trang trí cây Noel và tuyết giả.

Năm nay, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc – trung tâm sản xuất hàng hóa tiêu dùng của nước này ghi nhận ít đơn hàng với tên nội địa hơn từ thị trường Mỹ và châu Âu.

Nhu cầu mùa thu năm nay đã giảm vì chi phí gia tăng làm giá hàng hóa cũng từ đó tăng lên. Đồng tiền Trung Quốc cũng mạnh lên làm hàng xuất khẩu cũng trở nên mắc hơn so với mọi năm.



 

Với Giáng Sinh, như mọi năm đơn hàng sẽ bắt đầu xuất hiện từ sáu tháng trước. Nhưng năm nay, từ mùa hè đã có những dấu hiệu cho thấy một mùa đông lễ hội ảm đạm.

Công ty sản xuất cây thông Noel Haocai Crafts cho biết nhu cầu từ Mỹ và châu Âu giảm đáng kể do triển vọng kinh tế ảm đạm. "Tình hình rất khó để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Châu Âu," ông Wang Zhaojun, quản lý nhà máy Thủ công mỹ nghệ chuyên sản xuất cây Giáng sinh Jingxin cho biết.

Không chỉ có thế, gần đây thị trường châu Âu liên tục đối phó với những cơn lốc đồ chơi giả từ các thị trường nước ngoài. Chỉ trong một tháng, tại Anh đã phát hiện khoảng 10 ngàn món đồ chơi iPod hoặc iPad giả, và theo thống kê sơ bộ, khoảng 12% lượng đồ chơi trên thị trường nước này là hàng giả.

Những điều này làm cho nền sản xuất đồ chơi Trung Quốc bị tổn thất. Người tiêu dùng châu Âu trở nên thận trọng hơn với hàng hóa không có tên tuổi, nhất là hàng hóa Trung Quốc – vốn đã bị tai tiếng vì những vụ nhiễm độc đồ chơi từ trước.

Đồ chơi Trung Quốc
gia công

Trung Quốc mất những đơn hàng nước ngoài mua đồ chơi mang tên nội địa, thế nhưng đồ chơi với những cái tên như Disney, Lego hay Mark & Spencer vẫn đem về một lượng đặt hàng gia công rất lớn từ thị trường Âu Mỹ.

Còn khoảng 3 tuần nữa là đến Giáng sinh, đồ chơi luôn là lựa chọn hàng đầu để làm quà tặng, nhất là cho trẻ em. Những nhà máy như On Tai Toys Company, Hung Hing đã liên tục nhận những đơn hàng quốc tế. Đến nỗi họ phải bắt công nhân làm thêm lên đến 140 giờ một tháng.



 

Đồ chơi Trung Quốc gia công cho các thương hiệu hay đồ chơi sản xuất từ các công ty Trung Quốc mang tên gọi bằng tiếng Trung cũng mang dòng chữ “Made in China”. Thế nhưng những tiêu chuẩn mà các nhà đặt hàng đưa ra vẫn cần được tuân theo. Vì thế người tiêu dùng Âu Mỹ cũng sẽ đỡ lo ngại hơn phần nào về vấn đề chất lượng. Và một phần là do hàng hóa gia công Trung Quốc cũng chiếm lĩnh các quầy hàng của những thương hiệu nổi tiếng ngay trên quê hương của những thương hiệu này.

Đời sống công nhân

Như đã nói ở trên, những công nhân Trung Quốc gia công đồ chơi phải làm thêm 140 giờ một tháng, gấp 4 lần so với con số 36 giờ một tháng như pháp luật quy định. Chỉ được nhận tiền lương vào những tháng cuối mùa cao điểm, làm việc trong môi trường không được đảm bảo an toàn, không được nói chuyện trong lúc làm và bị phạt 5 bảng Anh nếu đi vệ sinh mà không xin phép. Đó là những gì người lao động trong những nhà máy gia công cho nước ngoài phải chịu đựng.



 

Các nhà máy này, tuy được chứng nhận bởi Hội đồng đồ chơi quốc tế là đảm bảo an toàn cho người lao động. Nhưng các nhân viên điều tra cho hay, các nhà máy này đã sử dụng lao động rất tràn lan và vi phạm nhiều lỗi.

Một ngày làm việc điển hình trong mùa cao điểm bắt đầu lúc 8 giờ sáng và không kết thúc cho đến khi 10 giờ đêm. Người lao động làm một tuần sáu ngày, nhưng nếu nhà máy đang bận không có ngày nghỉ.

Không biết những mùa lễ hội năm sau, thị trường Trung Quốc sẽ như thế nào. Đồ chơi Trung Quốc trong tương lai có lẽ sẽ chỉ là hàng gia công cho các hãng nổi tiếng. Nếu như vậy, Trung Quốc đang ngày càng chứng minh mình là “nhà máy của thế giới”, và nhà máy này đang vắt kiệt nhân công nội địa với đồng lương không xứng tầm.
 

Mỹ An

Các tin cũ hơn