Theo ước tính năm 2012, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 60 - 70 nghìn tấn thịt các loại. |
Dư thừa khoảng 7,2 triệu tấn gạo
Năm 2012, nguồn cung lúa dự kiến vào khoảng 41,52 triệu tấn. Trong khi nhu cầu sử dụng ở mức 27,33 triệu tấn lúa. Cân đối cung cầu năm tới, dự kiến sẽ dư thừa khoảng 14,19 triệu tấn lúa, tương đương 7,2 triệu tấn gạo sẽ được dành cho xuất khẩu (chưa kể lượng tồn kho năm trước chuyển sang).
Tuy nhiên, để đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo trong nước các tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, Bộ Công Thương vẫn lưu ý các đơn vị liên quan cần theo dõi sát diễn biến giá thị trường thế giới để điều hành công tác xuất khẩu gạo một cách hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo ổn định cho thị trường nội địa. Các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ được ký hợp đồng khi đã có sẵn chân hàng.
Bên cạnh đó, cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nắm chắc tình hình sản xuất, nguồn cung từ từng vụ mùa để chủ động có phương án điều chuyển hàng khi thị trường có dấu hiệu mất cân đối cung - cầu.
Nhập khẩu thịt ở mức 60 - 70 nghìn tấn
So với năm 2011, Bộ Công Thương ước tính tổng sản lượng thịt hơi các loại năm tới sẽ tăng khoảng 6,2%, khi đạt 4,5 triệu tấn thịt các loại. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,3 triệu tấn, tăng khoảng 4,5% so với năm nay; thịt gia cầm tăng khoảng 12%, khi đạt 772 nghìn tấn; thịt bò ước khoảng 343 nghìn tấn tăng 11%; thịt trâu tăng 3% với 91 nghìn tấn…
Về tổng khối lượng thịt các loại tiêu dùng trong nước năm tới là khoảng 3,3 triệu tấn thịt xẻ, tăng khoảng 6,5 - 7% so với năm 2011. Do đó, cơ quan này dự báo lượng thịt nhập khẩu sẽ ở mức 60 - 70 nghìn tấn các loại.
Cần nhập khẩu khoảng 2,34 triệu tấn phân bón
Tổng nhu cầu phân bón các loại năm 2012 là khoảng 9,6 triệu tấn. Sản xuất trong nước khoảng 7,26 triệu tấn gồm: 1,86 triệu tấn phân Urê; phân NPK là 3,4 triệu tấn; phân lân là 1,7 triệu tấn; DAP 300 nghìn tấn. Như vậy, lượng cần nhập khẩu ở mức 2,34 triệu tấn.
Trong số này, phân Urê cần nhập là 140 nghìn tấn; SA 700 nghìn tấn; Kali 900 nghìn tấn; DAP 600 nghìn tấn…
Để đảm bảo cân đối cung cầu đối với mặt hàng phân Urê, mặt hàng quan trọng và dễ có biến động trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các nhà máy sản xuất phân Urê cần chạy hết công suất theo kế hoạch.
Song song với đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá cả phân bón trên thị trường, đặc biệt trong giai đoạn sử dụng cao điểm của vụ Đông Xuân.
Về phía các ngân hàng Bộ đề nghị cần tạo điều kiện về vốn và ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón nhất là mặt hàng Urê.
Dự kiến nhập khẩu tối thiểu 70 nghìn tấn đường
Theo ước tính niên vụ 2011 - 2012, toàn ngành mía đường sẽ sản xuất được 1,4 triệu tấn. Cộng với lượng tồn kho ở mức 100 nghìn tấn cùng lượng nhập khẩu tối thiểu theo dự kiến là 70 nghìn tấn thì tổng nguồn cung đường trong năm 2012 ở mức 1,57 triệu tấn.
Trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa vào khoảng 1,4 triệu tấn. Vì vậy, lượng đường tồn kho và sử dụng cho xuất khẩu sẽ vào khoảng 170 nghìn tấn.
Tiêu thụ muối ở mức 1,21 triệu tấn
Tổng nguồn cung muối năm 2012 tại Việt Nam sẽ ở mức 1,36 triệu tấn. Trong đó, lượng muối sản xuất là 1,05 triệu tấn, tồn kho là 127 nghìn tấn và nhập khẩu là 187 nghìn tấn.
Lượng cầu năm 2012 được dự báo là ở mức 1,21 triệu tấn. Cụ thể, nhu cầu dùng cho ăn uống, tiêu dùng là 540 nghìn tấn; phục vụ sản xuất công nghiệp 260 nghìn tấn; nhu cầu cho các ngành sản xuất khác là 234 nghìn tấn; bảo quản, chế biến hải sản là 96 nghìn tấn và lượng hao hụt trong lưu thông khoảng 80 nghìn tấn. Do vậy, lượng tồn kho chuyển sang năm kế tiếp 2013 sẽ ở mức 154 nghìn tấn.
Nhu cầu đối với thép xây dựng tăng 5 - 7%
Theo dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên từ giữa quý 2/2012, khi tình hình kinh tế đi vào ổn định, lãi suất cho vay giảm dần giúp khơi thông dòng vốn đầu tư cho bất động sản.
Hiệp hội Thép Thế giới cũng dự báo về nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng khoảng 5,8% so với năm 2011. Về sản xuất trong nước, dự kiến sản lượng thép xây dựng sẽ tăng từ 5 - 7%.
Theo đó, tổng nguồn cung thép xây dựng trong năm 2012 ước đạt 6,83 - 6,95 triệu tấn. Sản xuất trong nước đạt khoảng 6,17 – 6,29 triệu tấn. Nhập khẩu khoảng 0,66 triệu tấn (tương đương năm 2011).
Còn tổng nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng năm 2012 ước đạt 6,86 triệu tấn. Tiêu thụ trong nước dự kiến đạt 6,47 triệu tấn (tăng 5% so với 2011), xuất khẩu đạt 0,39 triệu tấn (tăng khoảng 10% so với năm nay).
Như vậy, trong năm 2012, xét cân đối cung cầu trên thị trường thép xây dựng nội địa hoàn toàn được đảm bảo. Hiện công suất sản xuất thép xây dựng của các nhà máy đã đạt 8,99 triệu tấn/năm, vượt xa so với nhu cầu tiêu thụ và con số này tiếp tục được nâng lên khi một số dự án được đưa vào hoạt động.
Tiêu thụ xi măng đạt từ 55 - 56,5 triệu tấn
Trên cơ sở ước tính sản lượng xi măng sản xuất và tiêu thụ năm 2011, Bộ Công Thương dự kiến sản xuất và tiêu thụ năm 2012 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2011 và đạt từ 55 - 56,5 triệu tấn. Năng lực sản xuất xi măng trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và có dư thừa.
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến 2030 (Quyết định 1488/QĐ- Ttg ngày 29/8/2011), dự kiến năm 2012 sẽ có thêm 8 dự án sản xuất xi măng được đưa vào vận hành với công suất là 7,57 triệu tấn/năm, nâng công suất của toàn ngành lên 77,05 triệu tấn.
Nhập khẩu 1,23 triệu tấn giấy các loại
Với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến năm 2012 là 6,5%, nhu cầu tiêu dùng giấy ước khoảng 10% và sản xuất giấy ước tăng khoảng 15% so với năm nay.
Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng giấy của cả nước năm 2012 ước khoảng 2,9 triệu tấn giấy các loại. Trong đó, giấy in, giấy viết ước khoảng 585 nghìn tấn; giấy in báo là 70.000 tấn; giấy bao bì công nghiệp là 1,79 triệu tấn; giấy tissue 83,1 nghìn tấn…
Song năm 2012 Việt Nam tiếp tục không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, dự kiến sẽ phải nhập khẩu 1,23 triệu tấn giấy các loại.
Đối với bột giấy nhu cầu tiêu dùng ước khoảng 575 nghìn tấn, sản xuất trong nước đạt 480 nghìn tấn, nên vẫn phải nhập khẩu 95 nghìn tấn.
Sản xuất gas trong nước mới đáp ứng 48% nhu cầu
Năm tới, nhu cầu tiêu dùng gas của Việt Nam sẽ tăng dao động trong khoảng 6 - 7% , so với năm 2011.
Trong khi, tổng nguồn cung gas nội địa từ nhà máy Dinh Cố và Dung Quất mới đạt khoảng 640 nghìn tấn, đáp ứng khoảng 48% nhu cầu của thị trường. 52% nhu cầu còn lại của thị trường sẽ phải dựa vào nguồn hàng nhập khẩu.
Theo VnEconomy