Sẽ có quy định mới về thanh toán không dùng tiền mặt
Thứ tư, 07/12/2011, 13:01
Dự thảo này đang được lấy ý kiến góp ý trước khi trình Chính phủ thông qua.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt để thay thế Nghị định số 64/2001/NĐ-CP về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Dự thảo này đang được lấy ý kiến góp ý trên website NHNN trước khi trình Chính phủ thông qua. Theo đó, có một số quy định mới đã được đưa vào nội dung dự thảo.
Cụ thể, dự thảo Nghị định này quy định rõ về phạm vi hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm: Mở và sử dụng tài khoản thanh toán; Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; Dịch vụ trung gian thanh toán; Tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán.
Theo dự thảo, các hành vi sau bị cấm trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt: Làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, thay thế phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán nhằm mục đích lừa đảo; lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả; Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, cơ sở dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi; Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán; Tiết lộ, cung cấp thông tin có liên quan đến tiền gửi của chủ tài khoản tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không đúng theo quy định của pháp luật; Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh.
Dự thảo Nghị định cũng đã quy định cụ thể các dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm: Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử; Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán; Các dịch vụ trung gian thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Dự thảo nêu rõ về điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức không phải là ngân hàng muốn cung ứng dịch vụ này phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện: Có giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp; Hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là hoạt động kinh doanh chính của tổ chức; Có phương án kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán được phê duyệt theo đúng quy định về thẩm quyền đầu tư tại điều lệ hoạt động của tổ chức; Có vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng và có đủ năng lực tài chính để thiết lập hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, tổ chức và duy trì hoạt động phù hợp với quy mô cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, để đảm bảo điều kiện hoạt động, dự thảo Nghị định còn yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải đảm bảo các điều kiện về nhân sự, kỹ thuật, nghiệp vụ như: cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và quy định của Ngân hàng Nhà nước; có hệ thống kỹ thuật dự phòng độc lập với hệ thống chính đảm bảo cung cấp dịch vụ an toàn và liên tục khi hệ thống chính có sự cố,...
Dự thảo cũng quy định rõ tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn trong thanh toán theo quy định của pháp luật. Người sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn trong thanh toán theo quy định và hướng dẫn của các tổ chức cung ứng dịch vụ.