S&P cảnh báo Quỹ Bình ổn tài chính

Thứ năm, 08/12/2011, 00:00
Hy Lạp thông qua ngân sách khắc khổ năm 2012. Theo thăm dò dư luận, 80,7% số người dân Hy Lạp được hỏi cho rằng khủng hoảng tài chính sẽ tệ hại hơn trong năm 2012.

 

Một ngày sau khi cảnh báo sẽ hạ bậc tín nhiệm tín dụng của 15 nước châu Âu, ngày 6-12, Công ty Thẩm định tài chính Standard & Poor’s của Mỹ (S&P) lại tiếp tục đặt mức tín nhiệm tín dụng hoàn hảo AAA của Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu vào vòng quan sát.
 

Mức tín nhiệm của quỹ này có thể giảm từ một đến hai bậc nếu một trong sáu nước châu Âu đang đạt mức tín nhiệm AAA (Đức, Pháp, Áo, Phần Lan, Hà Lan, Luxembourg) bị đánh tụt hạng.
 

Sau khi S&P phát cảnh báo đối với 15 nước châu Âu, phiên giao dịch ngày 6-12 đóng cửa với các chỉ số chứng khoán châu Âu và đồng euro đều tụt giá.
 

Sang đầu ngày 7-12, các chỉ số chứng khoán châu Âu lại xanh trở lại do tin tưởng hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 9-12 tới sẽ đưa ra các biện pháp tích cực giải quyết khủng hoảng nợ.
 

Cảnh báo của S&P đã làm nhiều nhà lãnh đạo châu Âu giận dữ. Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích cảnh báo của S&P đã làm suy giảm thái độ lạc quan vào thị trường chứng khoán châu Âu.
 

Sáng 7-12, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua ngân sách khắc khổ năm 2012. Theo thăm dò dư luận, 80,7% số người dân Hy Lạp được hỏi cho rằng khủng hoảng tài chính sẽ tệ hại hơn trong năm 2012. Đêm trước đó, người biểu tình đã tụ tập trước Quốc hội để tưởng nhớ một thiếu niên biểu tình thiệt mạng do cảnh sát cách đây ba năm. Xung đột xảy ra với cảnh sát.

DUY KHANG (Theo CNN-IBN/SFGate)


Ủy viên châu Âu Michel Barnier phê phán S&P hành động vội vàng mà không chờ kết quả hội nghị thượng đỉnh châu Âu.
 

Ngược lại, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble nhận định cảnh báo của S&P có thể sẽ thúc đẩy các nhà lãnh đạo châu Âu tích cực giải cứu đồng tiền chung euro hơn.
 

Ngày 6-12, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã trình lên Liên minh châu Âu dự thảo bài phát biểu của ông tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 9-12.
 

Dự thảo ưu tiên cho lộ trình thiết lập các quy định khung siết chặt chi tiêu ngân sách (còn gọi là hiệp ước tài khóa) của 17 nước khu vực đồng euro.
 

Quy định khung sẽ giúp các nước khu vực đồng euro tiết kiệm thời gian phê chuẩn hiệp ước Liên minh châu Âu sửa đổi. Các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ cần tham vấn Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quốc hội châu Âu chứ từng nước không cần trưng cầu dân ý.
 

Ông Herman Van Rompuy cũng đề nghị lập một cơ chế giải cứu vĩnh viễn khu vực đồng euro và tạo điều kiện phát hành trái phiếu chung euro.
 

Dự thảo bài phát biểu cũng đề cập đến khả năng duy trì song song hai quỹ cứu trợ gồm Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu và Cơ chế Tài chính châu Âu. Dự kiến Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu sẽ được thay thế bằng Quỹ Cơ cấu bình ổn châu Âu (quy mô 500 tỉ euro) khi bắt đầu hoạt động vào giữa năm 2012.
 

Mỹ: Trong chuyến công du châu Âu ba ngày từ ngày 5-12, Bộ trưởng Tài chính Timothy F. Geithner đến Đức, Pháp, Ý để thảo luận về khủng hoảng nợ châu Âu. Tại Đức, ông khẳng định Mỹ tiếp tục hỗ trợ châu Âu thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trung Quốc: Ngày 7-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố Trung Quốc ủng hộ nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng nợ của châu Âu để châu Âu cùng cộng đồng quốc tế góp phần ổn định thị trường tài chính thế giới và vực dậy tăng trưởng toàn cầu.

Theo PLTP

 

 

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích