Sau khi các điều kiện được đưa ra thị trường căn hộ chung cư gần như rơi vào tình trạng ế ẩm bởi nhiều nhà đầu tư đã không còn mặn mà.
Trong khi việc giao dịch mua bán chung cư được cơ quan quản lý chặt chẽ thì phân khúc chung cư mini lại được buông lỏng khi hàng loạt các dự án chung cư mini được xây dựng trên địa bàn chủ đầu tư ngang nhiên kêu gọi việc góp vốn đầu tư.
Theo quy định tại nghị định 71 với các dự án chung cư mini, Bộ Xây dựng đưa ra yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở tại đô thị từ 2 tầng trở lên mà mỗi tầng có từ 2 căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín thì diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu phải là 30m2; đồng thời phải đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại điều 70 của Luật nhà ở.
Nhà ở có đủ điều kiện quy định như trên mà hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
Đặc biệt, mỗi căn hộ riêng lẻ trong chung cư mini này được cho phép bán, cho thuê khi đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Nhưng, khi bán căn hộ thì hộ gia đình, cá nhân phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho người mua theo hình thức đất sử dụng chung.
Mặc dù quy định rõ ràng nhưng trên thị trường hầu hết các chung cư mini đều được chào bán dưới hình thức góp vốn. Chỉ cần tìm kiếm trên hệ thống google, người mua có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm chung cư mini chào bán theo tiến độ góp vốn trung bình từ 4 đến 8 đợt.
Một chủ đầu tư chung cư mini Đông Ngạc (Từ Liêm) giao bán dự án chung cư mini có diện tích 34 m2 đến 63m2 với giá 600 -1,2 tỷ đồng/căn. Tiến độ thanh toán 8 đợt (Đợt 1: 15 % ngay sau khi ký HĐ chuyển nhượng, Đợt 2: 15%, Đợt 3: 15%, Đợt 4: 15%, Đợt 5: 10%, Đợt 6: 10%, Đợt 7: 10%, Đợt 8: 10% và trừ đi 10 triệu khi ký Hợp đồng công chứng).
Chung cư mini tại Quan Nhân (Thanh Xuân) diện tích đất 235 m2, xây 9 tầng giá chào bán 30 triệu đồng/m2 với các căn hộ diện tích 45-61 m2, chủ đầu tư dự án chào bán dự án hợp đồng góp vốn trả tiền theo tiến độ…
Trên thực tế, do thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng nên hàng loạt các vụ tranh chấp trong việc góp vốn xây dựng chung cư mini đã xảy ra.
Mới đây nhất, vụ hàng chục nhà đầu tư mua chung cư mini Vinacomplex III kiện đòi lại tiền đã đóng tiến độ cho chủ đầu tư khi dự án liên tục bị chậm tiến độ.
Theo phán ánh, tòa nhà Vinacomplex III là căn hộ chung cư mini đầu tiên tại TP HCM, được Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn phân phối vào ngày 15/2. Theo đơn vị bán hàng, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH tổ hợp Vina (Vinacomplex) dự kiến sẽ bàn giao nhà vào tháng 5. Song sắp bước sang tháng 6 nhưng dự án vẫn chưa được khởi công. Vì vậy, cuối tháng 5, người mua căn hộ Vinacomplex III bức xúc đòi lại số tiền đã góp và tiền phạt.
Hay gần đây, tại Hà Nội nhiều nhà đầu tư mắc bẫy khi bị một số công ty bất động sản lừa đảo bán khống chung cư mini Petromanning (Trần Duy Hưng, Hà Nội). Theo đó, mặc dù chủ đầu tư dự án chưa thực hiện việc xây dựng, chào bán nhưng trên thị trường sản phẩm của công ty chào góp vốn tràn lan.
Loại hình chung cư mới chính thức được pháp luật thừa nhận hơn 1 năm nhưng những lộn xộn đối với chung cư mini đã bộc lộ nhiều bất cập. Không chỉ việc góp vốn vô tổ chức mà nhiều chủ đầu tư không tuân thủ đúng các yêu cầu về quy chuẩn xây dựng, thiếu đường thoát hiểm, hệ thống phòng cháy chữa cháy… khiến dự án sau vài năm đi vào sử dụng đã bị xuống cấp nhanh chóng.
Sự ra đời của hàng loạt dự án chung cư mini đã giúp giải cơn khát về nhà ở cho người dân tại các TP lớn. Thế nhưng, thiết nghĩ cơ quan quản lý khi đã chấp nhận “khai sinh” loại hình nhà ở mới thì cần phải có quy định chặt chẽ, cần có chế tài xử lý đặc biệt kiểm tra, giám sát việc xây dựng dự án.
Theo VnMedia