Những 'đại' thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng

Thứ tư, 07/12/2011, 03:58
Mua lại, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng để hình thành những định chế hoặc những tổ hợp tài chính lớn hơn, mạnh hơn thông qua việc tăng cường hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh nhờ gia tăng thị phần hoạt động là một xu thế phổ biến và diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.


Chỉ tính trong vòng ba năm từ 2008 đến 2010, Mỹ đã diễn ra 308 ngân hàng mua bán, sáp nhập. Trong 5 năm tới, Mỹ tuyên bố cắt tiếp 800 ngân hàng nữa. Hồi tháng 6 vừa qua, hai vụ thâu tóm lớn của hai ngân hàng Mỹ đã cho thấy sự trở lại của xu hướng các ngân hàng có thế lực bỏ tiền ra mua lại tài sản của các đối thủ yếu hơn sau một khoảng thời gian ngắn gián đoạn. Tập đoàn dịch vụ tài chính PNC của Mỹ ngày 20/6 đã thông báo đạt được thỏa thuận mua lại chi nhánh ngân hàng bán lẻ tại Mỹ của Royal Bank of Canada (RBC) với giá 3,45 tỷ USD, bốn ngày sau khi Capital One của Mỹ cho biết mua bộ phận ngân hàng trực tuyến tại Mỹ của ING của Hà Lan, ING Direct USA, với giá 9 tỷ USD.

Với việc có thêm mạng lưới chi nhánh ở Đông Nam nước Mỹ của RBC, PNC sẽ trở thành ngân hàng lớn thứ năm ở nước này. Trong khi đó, với tài sản vừa có được, Capital One sẽ trở thành ngân hàng trực tuyến lớn nhất tại Mỹ.

Mua lại,sát nhập,hợp nhất ngân hàng là một xu thế phổ biến diễn ra mạnh mẽ trên thế giới


Cũng vì tham vọng trở thành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ trong các hoạt động môi giới, tín dụng, đầu tư ngân hàng, vay thế chấp, các hoạt động quản lý tài sản và các khoản nợ..., Bank of America đã quyết định mua lại Merrill Lynch với giá 50 tỷ USD vào tháng 9/2008.


Sự sáp nhập đã chấp dứt hơn 94 năm hoạt động độc lập của Merrill, tức là kết thúc một năm buồn trên Wall Street khi cả top 5 ngân hàng đầu tư lần lượt bị thôn tính, phá sản hoặc thay đổi cấu trúc hoạt động. Đồng thời, phi vụ mua lại thành công này đã giúp Bank of America vượt qua JP Morgan Chase & Co và Citigroup Inc về quy mô với khối tài sản lên tới 2,7 ngàn tỷ USD.


Bank of America đã trở thành ngân hàng thương mại lớn nhất tại Mỹ tính theo lượng tiền gửi và lượng vốn hóa thị trường và là ngân hàng thành viên thuộc tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC). Qua đây, Bank of America thu tới 90% lợi nhuận từ thị trường Mỹ. Mục tiêu của ngân hàng là luôn đứng đầu tại ngành ngân hàng nội địa Mỹ và nhà băng này đã làm được điều đó thông qua hàng loạt thương vụ thâu tóm, trong đó có việc mua lại chi nhánh ngân hàng ABN Amro tại Bắc Mỹ và tập đoàn ngân hàng tài chính Lasalle với trị giá 21 tỷ USD, mua lại lại đại gia thẻ tín dụng MBNA với giá 35 tỷ. Tuy nhiên, đến nay giữa tháng 10 vừa qua, nhà băng này đã "trượt mất" vị trí số 1 sau khi Tổng giám đốc điều hành Brian Moynihan cắt giảm việc làm và bán các chi nhánh. Theo Bloomberg, tổng tài sản của Bank of America hiện nay giảm 1,8%, xuống còn 2.220 tỷ USD; trong khi JP Morgan tăng 1,9% trong quý III lên 2.290 tỷ USD, trở thành ngân hàng lớn nhất Mỹ về tài sản. 


Bên cạnh đại gia Bank of America, thương vụ mua lại nổi tiếng trong giới ngân hàng Mỹ cũng phải kể đến vụ Wells-Fargo mua ngân hàng Wachovia với giá trị 15,1 tỷ USD. Sau khi vượt qua được đối thủ Citigroup trong thương vụ cạnh tranh mua lại Wachovia, Wells Fargo đã nâng tầm của mình lên ngang hàng với các đối thủ ngân hàng lớn khác tại Mỹ như JP Morgan Chase và Bank of America. Theo đó, ngân hàng này có tài sản lúc đó là 1.420 tỷ đô la và trở thành ngân hàng lớn thứ ba của Mỹ.

Tại khối ngân hàng Đức, vào tháng 9/2008, Tập đoàn bảo hiểm Allianz SE lớn nhất thế giới cũng thông báo nhất trí bán ngân hàng Dresdner Bank lớn thứ ba của Đức với giá 9,8 tỷ euro (14,4 tỷ USD) cho ngân hàng lớn thứ hai ở Đức là Commerzbank. Thương vụ hoành tráng này đã diễn ra trong hai giai đoạn, theo đó ban đầu Commerzbank mua 60,2% cổ phần của Dresdner và sau đó mua nốt số còn lại trong năm 2009. Vụ sáp nhập này tạo ra một ngân hàng với tổng giá trị tài sản lên tới 1.090 tỷ euro và 12,3 triệu khách hàng, trở thành một đối thủ lớn đối với Deutsche Bank, vốn cũng có ý định mua ngân hàng Dresdner từ cách đây 8 năm. Song, Deutsche Bank vẫn là ngân hàng lớn nhất ở Đức với số tài sản ước tính khoảng 2.000 tỷ euro.


Tuy nhiên, thương vụ lớn chưa từng thấy trong lịch sử ngành ngân hàng châu Âu nói riêng và trong ngành công nghiệp tài chính toàn cầu nói chung phải kể đến là việc sáp nhập hai ngân hàng ABN AMRO của Hà Lan và Barclays PLC của Anh vào tháng 4/2007, để hình thành nên tập đoàn ngân hàng hàng đầu thế giới tính theo số vốn thị trường là 91,16 tỷ USD.


Theo thoả thuận sáp nhập, tập đoàn mới có tên gọi Barclays PLC, đặt trụ sở chính tại Amsterdam (Hà Lan), với ban điều hành gồm 10 thành viên từ Barclays và 9 thành viên từ ABN Amro. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, vụ sáp nhập đã giúp Barclays PLC tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao gấp đôi GDP hiện tại của thế giới, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh mạnh, phục vụ khách hàng tốt hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn cho các cổ đông của mỗi bên.


Theo đánh giá của tạp chí Forbes, năm 2010, tập đoàn này đứng vị trí thứ 10 trong danh sách những tập đoàn về dịch vụ tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới và là tập đoàn lớn thứ 21 trên thế giới. Hiện, hoạt động của Barclays trải dài tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, từ châu Phi, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ, với lượng khách hàng lên đến con số hơn 48 triệu người.


Hơn một năm trước đó, vào tháng 8/2006, cũng diễn ra vụ sáp nhập ngân hàng lớn nhất Italia, gồm hai thành viên ngân hàng Banca Intesa và Sanpaolo IMI. Điều này đã làm thay đổi hoàn toàn môi trường kinh doanh ở Italia, đưa ngân hàng mới này trở thành ngân hàng hàng đầu trong hệ thống ngân hàng tại nước này. Mặt khác, đây cũng được coi là một biện pháp hữu hiệu nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài.


Ngân hàng mới này có trụ sở chính ở Turin, được định giá thị trường là gần 80 tỷ USD, sẽ vượt qua đối thủ UniCredit, vốn được mệnh danh ngân hàng bán lẻ lớn nhất Italia, với một mạng lưới gồm 6.300 chi nhánh tại nội địa, gấp 2 lần so với UniCredit. Ngoài ra, ngân hàng này cũng trở thành một trong 10 ngân hàng hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên, về quy mô hoạt động ở nước ngoài, ngân hàng này vẫn nhỏ hơn so với đối thủ UniCredit - vốn là ngân hàng con của một ngân hàng lớn nhất nước Đức và hiện đang dẫn đầu về thị phần tại trung tâm và miền đông châu Âu.


Ngược về châu Á, ngày 3/10/2005, ngân hàng lớn nhất thế giới đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Đó là tập đoàn ngân hàng Mitsubishi UFJ, kết quả của vụ sáp nhập 2 ngân hàng Nhật Bản là Mitsubishi Tokyo và UFJ Holdings.


Mitsubishi UFJ giờ trở thành một trong những tập đoàn tài chính mạnh nhất thế giới có số vốn lên tới 1,6 ngàn tỷ USD với 40 triệu khách hàng, vượt qua ngân hàng Citigroup của Mỹ có khoảng 1,3 ngàn tỷ USD về giá trị tài sản. Các nhà phân tích cho rằng, việc sáp nhập này thể hiện sự hồi phục của ngành ngân hàng Nhật Bản sau thời gian nợ nần chồng chất.


Hiện, Mitsubishi UFJ kiếm lợi bằng việc kết hợp mạng lưới chi nhánh ở nước ngoài của Mitsubishi Tokyo và sức mạnh của UFJ trong việc phục vụ các khách hàng cá nhân, đặc biệt là ở miền Tây Nhật Bản.

Theo ĐVO

Các tin cũ hơn