EVN chính thức thuộc về Viettel sau 1/1/2012. Ảnh minh họa |
Theo lãnh đạo Viettel, Tập đoàn xem việc tiếp nhận này như là một cơ hội để Viettel phát triển bền vững và trở thành một tập đoàn kinh tế hùng mạnh.
Về hạ tầng mạng viễn thông trong nước, EVNTelecom đang khai thác mạng truyền dẫn đường trục quốc gia với trên 40.000 km cáp quang trải rộng khắp 63 tỉnh và thành phố trên cả nước; hệ thống đường trục Bắc – Nam chạy song song đồng thời trên các tuyến dây tải điện 500kV, 220kV với công nghệ hiện đại và dung lượng thiết kế lên đến 400Gbps; hệ thống cáp OPGW trên lưới điện cao thế 500kV, 220kV, 110kV và hệ thống cáp treo ADSS trên lưới điện trung và hạ thế.
EVNTelecom cũng đã xây dựng được mạng NGN trên quy mô toàn quốc dựa trên hạ tầng mạng truyền tải IP/MPLS với cấu trúc phân lớp (core, edge và access) bao phủ khắp 63 tỉnh/thành phố, bao gồm các thiết bị Softswitch, Media Gateway, Router, hệ thống cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng... Mạng NGN hiện nay cũng là hạ tầng mạng cung cấp dịch vụ VoIP đến tất cả các tỉnh trên toàn quốc. Ngoài các POP trong nước, EVNTelecom đã triển khai nhiều POP trên thế giới (Hồng Kông, Mỹ...) tạo thành một mạng kết nối toàn cầu.
Về mạng viễn thông quốc tế, EVNTelecom đã tham gia vào các mạng cáp quang lớn nhất thế giới và khu vực, kết nối Việt Nam với các nước trên thế giới qua 3 cổng truyền dẫn Quốc tế. Trong đó, với tuyến cáp quang biển Liên Á – IACS có tổng dung lượng là 3.84Tbps (4x96x10), EVNTelecom sở hữu 50 Gbps (trong tương lai có thể nâng cấp lên 450Gbps).
Còn về phần hạ tầng mạng 3G, vào thời điểm khai trương, EVNTelecom cũng đã xây dựng được trên 2.000 trạm phát sóng 3G và sử dụng chung băng tần 3G với HanoiTelecom (đơn vị điều hành mạng Vietnamobile). Theo bình luận của ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu EVNTelecom sáp nhập vào Viettel, sau đó Viettel và HanoiTelecom có những thỏa thuận về việc sử dụng chung băng tần 3G cũng vẫn không có vấn đề gì.
Theo Báo Đầu Tư