Xăng dầu bỏ quên người tiêu dùng

Thứ tư, 07/12/2011, 00:00
Ngành xăng dầu lỗ, người tiêu dùng chấp nhận giá tăng. Nhưng khi xăng dầu có lãi, hàng loạt các khâu, đoạn được tính đến để chia sẻ.

 


Chỉ riêng quyền lợi người tiêu dùng, đối tượng quyết định sự tồn tại, thành công của doanh nghiệp là bị bỏ quên.

Còn nhớ khi xăng dầu lãi lần đầu, thuế nhập khẩu được khôi phục trở lại để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

Cũng đúng thôi bởi khi xăng dầu lỗ, nhà nước đã giảm thuế để giữ giá không tăng quá mạnh. Nên khi có lãi, trả thuế về để bảo đảm nguồn thu cũng là hợp lý. Những tưởng sau ngân sách, quyền lợi người tiêu dùng sẽ được nhớ đến nhưng không, xăng dầu có lãi lần 2, quỹ bình ổn xăng dầu lên tiếng, thế là trích quỹ. Khách hàng của ngành xăng dầu tiếp tục chờ. Đến thời điểm này, khi xăng đã lãi 1.000 đồng/lít, thuế đã khôi phục, quỹ bình ổn đã trích, người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang tràn trề hy vọng, giá xăng dầu trong nước sẽ nhanh chóng giảm xuống để đảm bảo quyền lợi cho họ. Tuy nhiên, hy vọng này đang có nguy cơ tan vỡ khi Bộ Công thương trong cuộc họp mới đây lại tiếp tục có động thái "dọn đường" cho việc tăng hoa hồng đại lý xăng dầu. Nếu hoa hồng đại lý tăng, việc giảm giá bán lẻ xăng dầu khó có thể xảy ra. Và khách hàng của ngành xăng dầu thêm một lần nữa phải xếp hàng chờ đợi. Nhưng đến lúc này, chẳng ai còn kiên nhẫn và lòng tin sẽ "đến lượt mình" trong việc xếp hàng này nữa. Bởi sau hoa hồng đại lý, biết đâu lại chẳng "mọc" thêm vài thành phần, vài yếu tố nào đó cần phải tăng, cần phải trích, cần phải bảo vệ. Nên có chờ đến "mùa quýt", chưa chắc tới lượt.

Điều khó hiểu là Bộ Công thương, thay vì bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng là giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, lại đứng ra lo các đại lý xăng dầu thiệt thòi trong khi việc này trước tiên là thuộc về doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Càng khó hiểu hơn khi Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã bị phát hiện chi vượt hoa hồng cho đại lý, dẫn tới việc kinh doanh lỗ trong năm nay thì Bộ Công thương lại ra sức chứng minh sự lỗi thời của mức hoa hồng hiện tại cũng như "đánh tiếng" cho việc tăng hoa hồng đại lý. Dù vô tình hay cố ý thì sự việc này chẳng khác nào một sự "thanh minh" cho các vi phạm của họ. Và thực tế, ngay sau khi được lãnh đạo Bộ "bênh vực", Petrolimex cũng lên tiếng "kêu oan" về khoản chi sai hơn 500 tỉ đồng chi phí kinh doanh mà Bộ Tài chính "tuýt còi" trước đó. Rất "đồng thanh tương ứng".

Lỗ, lãi không minh bạch, sử dụng quỹ bình ổn sai mục đích, trích hoa hồng đại lý vượt quy định, bỏ quên quyền lợi của người tiêu dùng nhưng các doanh nghiệp xăng dầu vẫn sống khỏe. Đó chính là nghịch lý. Thế nên, xử lý nghiêm các vi phạm, làm rõ các khuất tất để trả lại sự công bằng cho người tiêu dùng, lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu là việc mà cơ quan quản lý phải làm quyết liệt.

Thanh niên

Các tin cũ hơn