Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, để cạnh tranh, các DN đang tập trung tìm mọi nguồn hàng số lượng lớn với giá rẻ. Đây được xem là lợi thế để cạnh tranh trong thời kỳ lạm phát và thắt chặt chi tiêu.
Những ngày này, tại Liên hiệp HTX Thương mại (Saigon Co.op), hệ thống chuỗi kết nối và cung ứng hàng hóa vẫn không ngừng mở rộng tại các vùng miền. Theo tính toán của bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc, Saigon Co.op chủ trương tìm hàng mua tận gốc, bán tận ngọn để được có giá thấp nhất, thậm chí còn ứng vốn trước cho các nhà vườn để có hàng nhiều và sớm.
Đến nay, đối với nhiều loại hàng công nghệ phẩm, Saigon Co.op đã lưu kho đủ lượng hàng cần thiết cho dịp tết Nguyên đán. Để chủ động nguồn trái cây dồi dào phục vụ Tết, Saigon Co.op đã ứng vốn cho các nhà vườn, HTX sản xuất rồi mua lại với giá thị trường.
Dịp tết, Công ty Thực phẩm Vissan đã chuẩn bị trên 4.000 tấn thịt/tháng. Công ty TNHH Ba Huân hiện cung cấp cho thị trường hơn 1 triệu trứng gia cầm/ngày, riêng hàng Tết sẽ tăng từ 2-3 triệu trứng/ngày.
Dân hạn chế chi tiêu, khó xảy ra sốt giá trong dịp tết. |
Đại diện Công ty TNHH Ba Huân cho biết: "DN luôn dự trữ sẵn trên 10 triệu quả trứng để phục vụ nhu cầu Tết, nâng tổng đàn gà, vịt chăn nuôi và liên kết với các hộ nông dân lên trên 1,5 triệu con".
Còn mặt hàng gia cầm, thủy hải sản, Các công ty Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, Phú An Sinh, Minh Hiền, Thương mại Hà Nội, Vinh Anh... cũng đang gấp rút cho kế hoạch chuẩn bị cung ứng cho thị trường một khối lượng lớn hàng hóa trong dịp Tết. Ngoài thế mạnh về giá, các DN cũng chủ động nguồn cung tăng gấp nhiều lần so kế hoạch được giao.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến thịt gia cầm chiếm khoảng 80% lượng hàng tham gia thị trường Tết, thịt gia súc 32%; trứng gia cầm 65%; thực phẩm chế biến và đường chiếm 48%; dầu ăn 43%...
Hệ thống Big C đã có kế hoạch chuẩn bị từ tháng 6 với mặt hàng chủ đạo là thực phẩm khô thông qua hình thức là những giỏ quà Tết và sau đó là các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Hệ thống này cũng đang tiến hành đàm phán với các nhà cung cấ pđể đảm bảo nguồn hàng và giá cả phục vụ cho người tiêu dùng với giá tốt nhất.
Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương nhận định: "Theo chu kỳ tăng hàng năm, giá thực phẩm từ nay đến cuối năm có khả năng sẽ tăng nhưng không tăng đột biến. Về nguồn hàng thì không đáng lo. Nếu khống chế tốt dịch bệnh thì từ nay đến cuối năm, giá cả thực phẩm và nguồn hàng sẽ đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước".
Riêng với mặt hàng thịt gia cầm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, do một thời gian dài giá thịt heo tăng cao nên người dân đã chuyển qua dùng thịt gia cầm. Nắm bắt cơ hội này, nhiều trang trại, DN đã tăng tổng đàn quá lớn, đến khi giá heo hơi giảm, kéo theo giá gia cầm giảm nhanh so với dự tính của người nuôi.
Đại diện Công ty TNHH thực phẩm Minh Hiền cho rằng, giá heo hơi trên thị trường hiện đứng ở mức thấp, từ 48.000-50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ nay đến tết âm, giá heo hơi có thể biến động chút ít vì nhiều nguyên nhân như dịch bệnh, lũ lụt... nhưng khó vượt qua mức đỉnh điểm 60.000-64.000 đồng/kg như tháng 7 và tháng 8 vừa qua.
Theo dự kiến của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, nhiều mặt hàng đã được DN chuẩn bị với số lượng lớn như thịt gia cầm, đường, dầu ăn, trứng gia cầm, gia súc và thực phẩm chế biến, trong đó có những mặt hàng mức dự trữ tăng gấp 2-3 lần so với năm 2010.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường tết chiếm 35% - 45% nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Năm nay các DN bình ổn đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng khá lớn để có thể cung ứng cho thị trường khi có biến động.
Theo Vef.vn