Có một dòng tiền đang chảy vào kênh chứng khoán? Ảnh minh họa |
Đại gia ngàn tỷ
Trong tuần qua, một thông tin thu hút sự quan tâm khá lớn trên TTCK là việc CTCK Phương Đông (ORS) bất ngờ tuyên bố rút niêm yết khỏi sàn chứng khoán Hà Nội. Sự kiện này đã ngay lập tức khiến cổ phiếu ORS lao dốc với dư bán sàn tới hàng triệu cổ phiếu liên tục trong vài phiên vừa qua. Tuy nhiên, thông tin này chủ yếu chỉ ảnh hưởng tới cổ đông và giá cổ phiếu của công ty này.
Điều mà các nhà đầu tư quan tâm hơn là giải trình về "cục tiền" bí mật hơn 1.000 tỷ đồng bất ngờ xuất hiện trong báo cáo tài chính quý III/2011 của ORS.
Cụ thể, trong báo cáo quý III và 9 tháng đầu năm 2011 của ORS, số dư tiền và các khoản tương đương tiền cuối quý III của ORS đạt 1.092 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức 33,37 tỷ đồng số dư đầu năm. Số dư tiền này chủ yếu có được trong quý III vì dư tiền cuối quý 2 chỉ đạt gần 120 tỷ đồng.
Trên bút toán phải trả giao dịch chứng khoán cũng thể hiện khoản ''Phải trả giao dịch chứng khoán'' đột biến 1.060 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Về điều này, lãnh đạo ORS cho biết, thực chất đây là tiền đặt cọc mua trái phiếu của một khách hàng ORS. Và khách hàng đó không phải là cổ đông lớn là Ngân hàng Phương Đông.
Mặc dù đã có giải thích nhưng trong giới đầu tư vẫn bàn tán xôn xao về vấn đề này, về khả năng các đại gia đang âm thầm đổ tiền vào TTCK.
Bên cạnh đó, có thể thấy, các ngân hàng thương mại cũng đã bắt đầu mở lại van tín dụng cho chứng khoán, trong đó BIDV hạ lãi suất cho vay kinh doanh chứng khoán ngắn hạn còn 19%/năm và trung hạn là 19,5%.
Trong khi đó, các quỹ đầu tư cũng bắt đầu tiến hành mua vào cổ phiếu thông qua cả hai phương thức thỏa thuận và trên sàn.
Nổi bật nhất trong tuần vừa qua, có thể kể đến là thương vụ đổi ngôi cổ đông lớn nhất tại FPT. Theo đó, Công ty Orchid Fund Private Limited vừa thực hiện mua thêm trên 2,5 triệu cổ phiếu FPT, nâng số lượng cổ phiếu sở hữu lên 17.564.000, tương đương 8,13% số cổ phiếu đang lưu hành của FPT.
Và trước đó là một loạt vụ như công ty dược phẩm lớn nhất Chile là Corporacion Farmaceutica Recalcine (CFR) đã trở thành cổ đông lớn nhất (41,88%) của công ty CP xuất nhập khẩu y tế Domesco, Quỹ Haverstock Master Fund đồng ý mua lại cổ phần không phát hành hết của THV...
Nhà đầu tư nhỏ chờ lãi suất
Trong khi các nhà đầu tư tổ chức tranh thủ lúc TTCK lao dốc để rót vốn vào một số công ty mạnh có khả năng cạnh tranh cao và tiềm năng kinh doanh tốt, thì các nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng tranh thủ lao vào một đợt sóng mới - sóng lãi suất theo gót chân các nhà tạo lập thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch 5/12, cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đã có một phiên tăng điểm ấn tượng nhờ một dòng tiền lớn bất ngờ đổ vào thị trường. Cuối phiên, sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) có tới 220 mã tăng giá (131 mã tăng trần) trong khi chỉ có 42 mã giảm giá. Trên sàn Hà Nội, lực mua mạnh và quyết liệt kéo gần như toàn bộ nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng trần và không còn dư bán cuối phiên. Sàn Hà Nội đóng cửa có 243 mã tăng giá (110 mã tăng trần).
Đánh giá về phiên giao dịch sáng 5/12, trên các diễn đàn đa số các nhà đầu tư đều cho rằng đây là một phiên giao dịch rất tích cực và nó sẽ giúp mở ra một trang mới cho một chu kỳ hồi phục thực sự của thị trường.
Theo các nhà đầu tư này, có khá nhiều yếu tố để thị trường đi lên. Đó là kỳ vọng lãi suất sẽ sớm giảm sau chỉ đạo của Thủ tướng, kỳ vọng có gói kích thích kinh tế nói chung và giải pháp cho chứng khoán nói riêng, kỳ vọng sóng NAV cuối năm và sức cung thấp khi giá cổ phiếu ở mức quá "bèo" ...
Trên thực tế, giá của hầu hết các cổ phiếu trong tháng 11 đã rớt về mức thấp kỷ lục. Đại đa số các cổ phiếu trên 2 sàn chứng khoán đã xuống dưới mệnh giá (10.000 đồng/cp), trong đó có khoảng 50% có giá dưới 5.000 đồng/cp.
Chỉ số P/E của nhiều cổ phiếu đã xuống mức hấp dẫn, trong khi kinh tế vĩ mô đang có những dầu hiệu phục hồi và chuyển biến tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2011, như USD tự do hạ nhiệt, thị trường vàng đang dần ổn định, xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm, kiều hối tăng, dự trữ ngoại hối tăng, lạm phát hạ nhiệt...
Ông Trần Hoàng Ngân - thành viên HĐ Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng đã cho rằng, giảm lãi suất VND là hợp lý. Giảm lãi suất VND sẽ tạo nhiều thuận lợi cho nền kinh tế và cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Trên thực tế, nếu giảm lãi suất các doanh nghiệp niêm yết sẽ được hưởng lợi khá nhiều. Cổ phiếu theo đó có thể tăng lên thành một đợt sóng.
Tuy nhiên, cũng có thể thấy dòng tiền vào chứng khoán thường là dòng tiền nóng. Nhiều người cho rằng đợt tăng này sẽ kéo dài và họ sẽ nắm chặt cổ phiếu. Nhưng cũng có không ít người đã tính chuyện bán ra để thu lợi nhuận 15-20% khi mà nhiều cổ phiếu tăng trần liên tiếp.
Dòng tiền vào ra chứng khoán là theo quy luật cung cầu. Nó có thể là đồng tiền đầu tư hoặc đầu cơ. Tuy nhiên, xét cho cùng thì đầu tư hay đầu cơ đều có ích giúp TTCK duy trì tính thanh khoản và phát triển để đóng vai trò là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế.
Theo VEF