Người dân mua vé tại Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam - VNA. Ảnh: Cao Thăng |
Đối phó với đầu cơ vé
Đại diện các hãng hàng không cho biết: Vé máy bay từ lâu đã bán qua mạng và hầu hết các hãng đều bán vé có giá trị sử dụng trong thời hạn một năm. Điều đó cũng có nghĩa là vé máy bay kể cả dịp tết được bán quanh năm. Đó cũng chính là lý do vì sao mà đôi khi mới đến tháng 7, 8 nhưng vé dịp tết đã được bán hết trên một số tuyến bay. Tuy nhiên, số lượng vé tết được mở bán quanh năm đó chỉ ngang bằng với số lượng vé những ngày thường, có nghĩa đó là số lượng vé (ghế) khi các hãng hàng không chưa tăng cường các chuyến bay thêm vào dịp tết.
Thông thường, vào mùa tết, ngoài các chuyến bay, số lượng ghế vé như thường lệ, các hãng hàng không sẽ tăng cường nhiều chuyến bay phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, nhờ vậy nên số lượng ghế vé trong dịp tết sẽ được tăng thêm tùy vào nhu cầu thị trường và tùy vào năng lực hiện có của hãng hàng không. Có hãng hàng không tăng chuyến bay dịp tết lên gấp 2 - 3 lần so với ngày thường nhưng có hãng lại không tăng, chỉ bay như những ngày thường.
Hành khách đi máy bay ngày càng tăng nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế, nhất là dịp cao điểm cuối năm. Ảnh: Việt Dũng |
Theo các hãng hàng không, vì tất cả vé đều bán qua mạng nên không có hình thức phân bổ vé cho các đại lý như lúc trước. Tất cả vé đều được đưa lên mạng bán, các phòng vé của hãng, của các đại lý cũng giống như người dân bình thường, nếu có nhu cầu cứ vào mạng đặt lệnh mua, ai mua sớm, mua nhanh thì sẽ mua được vé tết.
Nói như thế không có nghĩa là loại trừ khả năng có tình trạng đầu cơ vé tết. Trên thực tế, các đại lý hay kể cả những người dân bình thường cũng vậy, nếu họ có thời gian và có nhiều tiền thì họ cũng có thể đầu cơ vé tết dưới hình thức canh mua trên mạng. Ngay sau khi có thông tin hãng hàng không tung ra đợt bán vé tết mới là họ đặt lệnh gom mua nhiều vé, trả tiền ngay để lấy vé, rồi sau đó bán lại cho người khác với giá cao hơn, sau khi đã chịu trả khoản phí hoàn vé.
Để tránh tình trạng đầu cơ gom mua này, hiện nay các hãng hàng không thường bán vé tết theo từng đợt và thời gian giữ chỗ cũng được rút ngắn lại tối đa. Nếu như ngày thường, thời gian giữ chỗ có thể lên đến 48 giờ, 36 giờ, 24 giờ thì vé tết, nếu đặt lệnh thành công, ngay 1 giờ sau người mua không đến trả tiền lấy vé là vé lập tức sẽ bị hủy để bán tiếp cho người khác. Điều này cũng lý giải vì sao có người sáng mua không có vé, chiều lại có vé; mua vé không có nhưng 1 giờ sau lại có vé.
Chỉ có Vietnam Airlines tăng tải?
Trên thực tế, vé máy bay tết thường khó mua là do nhu cầu thị trường quá lớn, trong khi nguồn cung có hạn. Thường các giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng rất mạnh, ở vào khoảng 30%-40% so với ngày thường. Riêng những ngày giáp tết, lượng khách đi lại có thời điểm tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Điều đáng nói là số lượng khách tăng cao đó chỉ tập trung ở khoảng 10-15 ngày trước tết đối với các tuyến bay ra và 10-15 ngày sau tết đối với các chuyến bay vào. Khó khăn và những rắc rối dẫn đến tình trạng đầu cơ vé máy bay tết nếu có cũng xuất phát từ đây. Và cũng chính điều này đã dẫn đến tình trạng bay “lệch đầu”, chiều đi đầy khách nhưng chiều về vắng khách, khiến các hãng hàng không liên tục kêu than thu không đủ bù chi, nên cũng không mặn mà với việc tăng chuyến bay dịp tết.
Cho đến nay, thị trường hàng không nội địa đã có sự tham gia của 4 hãng, gồm: Vietnam Airlines (VNA), Jetstar Pacific (JPA), Air Mekong (AMK) và VietJet Air (VJA). Tuy nhiên, việc tăng cường năng lực bay dịp tết thì không phải hãng nào cũng làm được. Đối với JPA, AMK và VJA thì dường như không tăng cường bay tết, 3 hãng hàng không này mỗi hãng chỉ có 3-6 máy bay loại nhỏ. Vì vậy, nếu có tăng thêm 1-2 chuyến bay đêm vào dịp tết như lời Tổng Giám đốc AMK Đoàn Quốc Việt thì cũng không đáng kể so với thị trường. Tất cả thị trường chỉ trông chờ vào VNA-hãng hàng không quốc gia đang chiếm tới gần 80% thị phần hàng không nội địa Việt Nam.
|
|
Theo Saigongiaiphong