Bất động sản cần gỡ nhiều vòng kim cô

Thứ hai, 05/12/2011, 10:27
 Giám đốc một công ty BĐS mới nhận được phê duyệt thiết kế dự án chi tiết mà buồn rơi nước mắt. Mới dạm lời xin điều chỉnh thiết kế thì đại diện cơ quan quản lý đưa ra lời giải rất oái ăm: Cho phép giảm diện tích mỗi căn hộ nhưng không được tăng số căn hộ trong cả dự án.

Vị giám đốc buồn bởi lập dự án từ 2 năm trước, ở thời điểm thị trường BĐS vẫn còn trên đỉnh hoàng kim, nhiều người thắng lớn trong BĐS, chứng khoán, nên có nhu cầu  tìm chốn an cư cao cấp, những căn hộ cỡ đại như thế vẫn kiếm được khách mua. Nay, thị trường đổi thay, nhu cầu khách hàng thay đổi, cầm chắc căn hộ 400 m2 làm ra không thể bán được, muốn đổi thiết kế lại được câu trả lời: phải giữ nguyên số căn hộ trong dự án.

Cơ quan quản lý có cái lý của họ như hạ tầng khu dân cư, mật độ dân số đã được tính toán cho phù hợp với dự án. Tuy nhiên, đây là dự án ven đô, cách nội đô Hà Nội tới cả 4-5 km. Chủ đầu tư trong trường hợp này có thể xin điều chỉnh thu hẹp diện tích căn hộ, tăng diện tích dịch vụ văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, siêu thị nhưng lại đứng trước bài toán nan giải khác về cầu, vì hai loại hình sản phẩm trên ở nội đô còn đang chật vật tìm khách thuê huống chi nơi xa xôi như vậy. Đáng lẽ cầm quyết định phê duyệt để có thể triển khai dự án phải mừng thì ông giám đốc lại buồn rầu và ao ước, giá như doanh nghiệp được linh hoạt gỡ khó để vượt qua giai đoạn khó khăn này thì hay biết mấy.

Trong cơn bĩ cực hiện nay của ngành BĐS, không ít quy định được ban hành thời BĐS “sốt nóng“ đang trói chặt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn cử, quy định trong việc bán nhà. Muốn bán căn hộ, chủ đầu tư phải báo cáo lên Sở Xây dựng địa phương số lượng căn hộ định bán, khu vực vị trí bán, giá tiền các căn hộ. Một dự án nọ có tới 300 căn hộ trong thời buổi cung vượt cầu như hiện nay, doanh nghiệp không thể tung một loạt ra bán cùng đợt vì lo ngại hiệu ứng ế ẩm sẽ ảnh hưởng xấu tới thương hiệu dự án.

Doanh nghiệp đăng ký bán 50-100 căn trong đợt đầu, nhưng một số khách hàng có nhu cầu mua căn hộ ở những vị trí khác trong dự án. Trong trường hợp này, chủ đầu tư muốn bán nhà đáp ứng theo nhu cầu của khách hàng lại phải báo cáo tiếp lên Sở Xây dựng và chờ sau 7 ngày mới được triển khai. Chủ đầu tư các dự án đang thừa nhân lực và điều kiện để có thể trực tiếp bán sản phẩm cho các dự án mình làm ra, nhưng quy định hiện tại buộc tất cả các dự án phải qua sàn. Chủ dự án tốn chi phí bán nhà qua sàn, người mua gián tiếp cũng phải chịu thêm chi phí.
"Thị trường thay đổi, người tiêu dùng thay đổi, nhưng người sản xuất không được thay đổi. Chính sách bất động sản vẫn thiên về những quy định buộc các chủ đầu tư sản xuất ra hàng hóa để dễ quản lý", tổng giám đốc một công ty BĐS cho biết.

Thời điểm cuối năm đã gần kề nhưng lĩnh vực BĐS quá khó khăn khiến lãnh đạo các doanh nghiệp trong câu chuyện trao đổi với ĐTCK đều tránh đề cập đến kết quả kinh doanh năm 2011. Thậm chí, xây dựng kế hoạch cho năm 2012 đang là áp lực rất lớn với các doanh nghiệp. Chủ tịch HĐQT một công ty BĐS lớn tại Hà Nội nói: "Năng lực sản xuất thi công cho phép Công ty có thừa khả năng đặt kế hoạch sản lượng 1.000 tỷ đồng, nhưng làm ra sản phẩm không bán được thì chúng tôi thà đóng cửa đi chơi. Đến giờ này, ban lãnh đạo công ty cũng chưa biết sẽ đặt kế hoạch kinh doanh năm 2012 ra sao".          

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích