Quản trị tại ngân hàng còn nhiều hạn chế

Thứ hai, 05/12/2011, 05:24
Ngân hàng (NH) là trung gian tài chính quan trọng của nền kinh tế. NH quản trị kém có thể gây ra sự sụp đổ của chính nó và hệ quả nặng nề đến nền kinh tế do ảnh hưởng của sự vỡ nợ. Vì vậy, quản trị DN (QTDN) trong các NH là một vấn đề cần phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu.

 

Quản trị doanh nghiệp trong các ngân hàng là một trong các nhiệm vụ hàng đầu (Ảnh minh họa)


Có nhiều định nghĩa về QTDN, nhưng nhiều chuyên gia chọn khái niệm do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD): “Quy trình và cơ cấu để định hướng và quản lý hoạt động của DN , tập trung vào các mối quan hệ giữa HĐQT, ban GĐ, cổ đông và các bên liên quan khác (khách hàng, chủ nợ, cơ quan quản lý...)”.

OECD có 6 nguyên tắc QTDN, bao gồm: Khuôn khổ cho QTDN; quyền cổ đông; đối xử công bằng giữa các cổ đông; vai trò của các bên liên quan; công bố và minh bạch thông tin; trách nhiệm hội đồng quản trị (HĐQT). Theo khảo sát của WB tại VN năm 2006 thì trong 6 nguyên tắc trên, về cơ bản VN chưa đáp ứng được, nhất là trách nhiệm HĐQT. Kết quả khảo sát 100 DN lớn do IFC, Diễn đàn QTDN và UBCKNN tiến hành năm 2010 cho thấy bảng điểm về QTDN của các DNVN ở mức 44 điểm/thang điểm 100. Thực trạng thanh khoản, nợ xấu... của nhiều NHTM hiện nay có phần nguyên nhân lớn từ sự yếu kém QTDN.
 

HĐQT can thiệp vào điều hành

Dù luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của HĐQT và ban điều hành (BĐH), nhưng trong thực tế việc chồng chéo, lấn sân, thậm chí lấn át vẫn xảy ra ở nhiều ngân hàng khiến cho hệ thống ra quyết định phức tạp thiếu minh bạch, chưa tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát điều hành NH, đặc biệt là ở các NHTM do Nhà nước là chủ sở hữu. Thành phần và cơ cấu HĐQT của nhiều NH còn bất cập, quan hệ giữa HĐQT và BĐH không mấy suôn sẻ, vai trò của các UB/hội đồng thuộc HĐQT mờ nhạt, trách nhiệm của các ủy viên HĐQT không rõ ràng. Nếu khảo sát về mức độ tham gia của HĐQT của các NH ở VN vào việc điều hành bắt đầu từ mức tham gia thụ động cho đến mức độ cuối cùng là điều hành thì nhiều NH tỏ ra ở mức độ can thiệp. HĐQT thường can thiệp vào việc điều hành qua sự yêu cầu trực tiếp hay gián tiếp BĐH. Biểu hiện rõ rệt là HĐQT họp thường xuyên, thường là đột xuất và căng thẳng. Ranh giới giữa chỉ đạo, xây dựng và ban hành chủ trương, đường lối và việc thực hiện không rõ ràng, dẫn đến tình trạng “vừa đánh trống, vừa thổi còi” .
 

Ban kiểm soát hoạt động “chênh vênh”

 

 

Theo quy định, Ban kiểm soát (BKS) là bộ phận độc lập có chức năng giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật và điều lệ của TCTD, chịu trách nhiệm trước ĐHCĐ, chủ sở hữu và thành viên góp vốn. Nhưng ĐHCĐ thì 1 năm mới họp 1 lần, nên hoạt động thường xuyên của BKS chênh vênh không có sự chỉ đạo. Tại nhiều NH, các giải pháp quản trị rủi ro đã được đưa ra, nhưng việc áp dụng còn chưa triệt để, nửa vời. Theo TS Nguyễn Trí Hiều thì sự phân chia giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát của một số NH cũng là một vấn đề.

Tại nhiều NH có những cổ đông sáng lập, cổ đông lớn thường cảm thấy có trách nhiệm với sự sống còn của NH mình nên thường dành cho mình quyền kiểm soát tuyệt đối, không những trong vấn đề liên quan đến chiến lược và định hướng mà ngay cả những quyết định quan trọng thuộc thẩm quyền BĐH. Trên thực tế ở một số NH, BKS thay vì đại diện cho ĐHCĐ lại thường trở thành đồng minh cho Tổng GĐ và Chủ tịch HĐQT. TS Nguyễn Thị Thanh Hương nói, phải phân biệt quyền kiểm soát và quyền sở hữu vì chỉ với 1 đồng chủ sở hữu, NH có thể huy động 20 đồng của xã hội, nên không thể để tình trạng các cổ đông lớn lạm quyền sở hữu để huy động vốn cho các mục đích của cá nhân mình, rất nguy hiểm.
 

Tính công khai, minh bạch thấp

Một trong những nguyên tắc QTDN là DN phải được quản trị theo cách minh bạch. Tuy nhiên, tại nhiều NH, nhất là NHTM nhà nước chưa có cơ chế báo cáo và công bố thông tin nghiêm ngặt, minh bạch. Công chúng và NĐT chưa được tiếp cận thuận lợi qua kênh chính thức đối với các thông tin về NH như: Tình hình tài chính, hoạt động, chiến lược, mục tiêu kinh doanh, các cổ đông lớn, các yếu tố rủi ro chưa được công bố đầy đủ và kịp thời để giúp công chúng và các NĐT có thể đánh giá hợp lý về tình trạng và triển vọng phát triển của các NH. Hệ thống thông tin nội bộ NH còn nhiều bất cập làm cản trở quá trình chia sẻ và cập nhật thông tin giữa các bộ phận chức năng trong NH.

Một vấn đề nữa trong thông tin mà ban kế hoạch phát triển của BIDV chỉ ra là tại nhiều NHVN mô hình hệ thống thông tin quản lý phân tán, hình thành các cấp và phân quyền quá mức (giữa hội sở chính và chi nhánh) khiến các chi nhánh trở thành ngân hàng con, làm tăng thêm rủi ro cho các NH trong khi quy mô NH tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh, trong khi năng lực kiểm soát rủi ro của hội sở chính hạn chế do thiếu hệ thống quản trị rủi ro và hệ thống thông tin quản lý, thông tin báo cáo hữu hiệu. Có thể thấy rằng thể chế giám sát, sự minh bạch trong QTDN ở VN chưa theo kịp sự phát triển có phần quá nóng của hệ thống NH.

Việc tái cấu trúc ngành NHVN có mục đích lành mạnh hóa, nâng cao khả năng phục vụ đại chúng và tạo tính cạnh tranh có để NHVN đủ sức tham gia vào thị trường trong khu vực và thế giới. Vì vậy, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay chưa phải là hợp nhất, sáp nhập hay phá sản NH, mà là phải thực thi nghiêm túc các nguyên tắc QTDN tại các NHTM để tạo cho đại chúng và các đối tác niềm tin vào hệ thống NHVN - là họ đang quản lý tài sản của người gửi tiền và cổ đông theo những tiêu chuẩn mẫu mực, hợp lý.
 

Theo Báo Lao động

Các tin cũ hơn