Xuất khẩu thủy sản gặp khó vì thiếu nguyên liệu

Thứ hai, 05/12/2011, 04:16
Theo dự báo mới đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản năm nay của cả nước chỉ đạt khoảng 5,7-5,8 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn 200-300 triệu đô la Mỹ so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, nhất là với tôm và cá tra, hai mặt hàng chủ lực ở ĐBSCL.


Xuất khẩu tôm đang gặp khó khăn vì dịch bệnh và mưa lũ (Ảnh minh họa)

 

Thiếu tôm vì dịch bệnh và mưa lũ

Vụ tôm năm 2011 đầy khó khăn đối với người nuôi tôm ở ĐBSCL. Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong tổng số trên 78.000 héc ta tôm nuôi bị thiệt hại của cả nước thì ĐBSCL chiếm hơn 60.000 héc ta, chủ yếu là tôm sú. Nhiều tỉnh có diện tích bị thiệt hại lên đến 60-70% diện tích thả nuôi như Sóc Trăng gần 28.500 héc ta, Bạc Liêu 16.000 héc ta... Phần lớn diện tích bị thiệt hại là nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp có năng suất cao nên đã ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng tôm nguyên liệu. Do tình hình dịch bệnh nên sau khi cải tạo ao hồ, nông dân chỉ dám thả nuôi với mật độ thưa nên năng suất thấp.

Trong khi đó, tại vùng nuôi tôm công nghiệp Hà Tiên - Kiên Lương (Kiên Giang), nơi được coi là vùng tôm nguyên liệu của cả vùng ĐBSCL, người nuôi lại phải đối mặt với tình trạng nước lũ dâng cao và mưa kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nuôi. Ông Nguyễn Danh Hiện, Giám đốc Công ty Nuôi trồng thủy sản Minh Phú - Kiên Giang, nói: “Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn. Với gần 100 héc ta thả nuôi, chúng tôi dự kiến sản lượng thu hoạch đạt khoảng 1.500 tấn tôm nguyên liệu. Tuy nhiên, khi tôm đạt trọng lượng 90-100 con/ki lô gam thì nước lũ đổ về, rồi mưa kéo dài cả tháng đã khiến độ mặn bị giảm nhanh, khiến tôm bị chết vì sốc môi trường, thiệt hại khoảng 500 tấn”. 

Sản lượng tôm nuôi bị sụt giảm không chỉ đẩy giá tôm nguyên liệu tăng cao mà còn ảnh hưởng lớn đến kế hoạch chế biến xuất khẩu của các nhà máy. Hiện giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đang ở mức cao kỷ lục. Tôm sú loại 20 con/ki lô gam có giá từ 270.000-280.000 đồng/ki lô gam; loại 30 con/ki lô gam lên đến 210.000-220.000 đồng/ki lô gam...

Giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/ki lô gam ở mức 110.000-120.000 đồng/ki lô gam. Theo lãnh đạo của một tập đoàn chế biến thủy sản xuất khẩu ở Cà Mau, giá tôm nguyên liệu của Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực từ 12.000-14.000 đồng/ki lô gam. “Giá cao nhưng muốn mua cũng rất khó. Nhiều tháng nay, các nhà máy của chúng tôi chỉ đủ nguyên liệu hoạt động khoảng 50% công suất. Có lúc buộc phải đàm phán với khách hàng để giãn thời gian giao hàng hoặc giảm sản lượng”, ông nói.

Ông Trần Chí Viễn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết do tình hình dịch bệnh nên sản lượng tôm nuôi của tỉnh không đạt chỉ tiêu đề ra, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu chế biến của các nhà máy. Sở đã yêu cầu một số đơn vị có diện tích thả nuôi lớn tăng cường đầu tư, nhằm tăng thêm 200 héc ta nuôi theo hình thức công nghiệp. Tuy nhiên, tình hình mưa lũ thời gian qua đã gây ảnh hưởng đến kế hoạch này.

Thiếu cá tra vì giá cả bấp bênh

 

Xuất khẩu cá tra đang gặp khó khăn do khủng hoảng giá cả bấp bênh (Ảnh minh họa)


Trong khi con tôm bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh thì con cá tra lại bị khủng hoảng do giá cả bấp bênh. Bà Phạm Thị Hòa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nói: “Hiện nay tuy giá cá tra trên thị trường đang ở mức “đỉnh” nhưng diện tích thả nuôi ở An Giang cũng không phát triển thêm, thậm chí còn sụt giảm. Nguyên nhân là do nhiều nông dân đã quá ngao ngán với thị trường đầu ra của con cá này”.

Thời điểm này, An Giang chỉ còn 1.000 hécta ao nuôi cá tra, giảm 500 héc ta so với năm 2010. Còn lồng bè nuôi cá ba sa trên sông Hậu, sông Tiền cũng bị bó hẹp lại chỉ còn 120 bè, giảm 50% so với năm 2008. Nhiều lồng bè tuy vẫn còn hoạt động nhưng đã chuyển sang nuôi các loại cá khác như cá điêu hồng, lóc bông, cá he, cá chình... Theo bà Hòa, bây giờ nghề nuôi cá tra, ba sa ở An Giang đang trong giai đoạn trầm lắng, diện tích thả nuôi chủ yếu của các doanh nghiệp nhằm chủ động nguồn nguyên liệu chế biến. Nông dân có nuôi thì cũng theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, có hợp đồng đầu tư và bao tiêu thì mới dám làm.

Mấy năm trước, An Giang là một trong những tỉnh nổi tiếng về sản lượng cá tra, ba sa ở ĐBSCL. Nhưng hiện nay, đã có khoảng 20-30% người nuôi treo ao, số còn lại chuyển sang làm nghề khác. Tuy giá cá hiện nay đang rất cao, từ 27.000-28.000 đồng/ki lô gam, nhưng nhắc đến cá tra nhiều người vẫn “sợ đến khiếp vía”. Hiếm còn nông dân mặn mà vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi cá tra nữa. Mà có muốn vay cũng rất khó vì khoản tiền nợ cũ còn nằm trong ngân hàng chưa trả xong.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An (ở quận Ô Môn, Cần Thơ), cho biết nguyên nhân cá tra sốt giá, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu mấy tháng qua là do nông dân đã quá ngao ngán. Lúc có cá bán thì giá rớt thê thảm, thua lỗ nặng nề. Bây giờ người nuôi nhỏ lẻ tự bỏ vốn đầu tư nuôi cá là chuyện rất hiếm hoi. Chỉ còn các doanh nghiệp mạnh về vốn tự đầu tư vùng nuôi hoặc thuê những nông dân đang treo ao nuôi giúp. Doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn, thuốc men, kỹ thuật… khi thu hoạch thì ăn chia với chủ hộ. Bản thân Hợp tác xã Thới An những năm gần đây cũng không còn đủ sức bỏ tiền ra đầu tư mà phải dựa vào một doanh nghiệp khác, nhờ họ ứng trước vốn đầu tư. Đến cuối vụ, Thới An sẽ bán cá cho doanh nghiệp đó để hưởng phần lãi.

Theo ông Hải, mấy năm nay nghề nuôi cá tra rất vất vả do lãi suất vay ngân hàng và giá thức ăn quá cao cũng như việc nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng nên phải tăng thêm chi phí xử lý ao, tỷ lệ hao hụt con giống cao hơn nhiều so với trước. Và khi người nuôi không còn mặn mà, diện tích thả nuôi bị thu hẹp thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ khó khăn về nguyên liệu.
 

Theo The SaigonTimes

Các tin cũ hơn