Bất ngờ "ông lớn" Petrolimex không xin tăng giá

Thứ hai, 05/12/2011, 02:25
Bộ Tài chính vừa có quyết định "bác" kiến nghị đòi tăng giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, vẫn còn vấn đề mà người dân chưa thấy thoả đáng khi tuần trước, các cơ quan chức năng đã bỏ qua cơ hội giảm giá khi giá xăng dầu trên thị trường Singapore xuống thấp.

Xung quanh chuyện lên xuống của giá xăng dầu, các chuyên gia đặt ra nhiều câu hỏi về việc điều hành giá, tính minh bạch trong giá nhập khẩu của các doanh nghiệp.
 

Xăng dầu luôn là mặt hàng nhạy cảm với CPI và túi tiền của người tiêu dùng

"Ông lớn" Petrolimex không xin tăng giá

Từ đầu năm đến tháng 5/2011, xăng dầu đã có 4 lần được điều chỉnh tăng giá, tháng 2, 3 có hai lần điều chỉnh gần nhau khiến người dân cảm thấy giá cả mặt hàng này liên tục nhảy múa. Tuy nhiên, trong kiến nghị gửi Bộ Tài chính "đòi" tăng giá bán lẻ xăng dầu với lý do giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng lần này, điều bất ngờ là trong danh sách không thấy xuất hiện "ông lớn" Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - đơn vị chiếm tới 65% thị phần xăng dầu cả nước.

Lý giải việc không đề xuất tăng giá, ông Vương Thái Dũng - phó tổng giám đốc Petrolimex khẳng định: “Trước ngày 28/11- thời điểm chưa cho trích quỹ bình ổn giá xăng dầu, doanh nghiệp đang lãi với mặt hàng xăng ở mức gần 300 đồng/lít. Với mặt hàng diezel, dầu hỏa, madút, doanh nghiệp bị lỗ ở mức 1.300 đồng/lít do có giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành. Sau khi tăng mức trích quỹ bình ổn giá thêm 250 đồng/lít, lợi nhuận của Petrolimex thay đổi và gần như hòa vốn. Việc điều hành giá hoàn toàn do cơ quản lý Nhà nước quyết định”.

Tuy nhiên, trước đó báo cáo của  Petrolimex, 6 tháng đầu năm 2011 số lỗ của doanh nghiệp này vào khoảng 1.840 tỷ đồng. Trong đó, số lỗ chênh lệch tỷ giá là 1.425 tỷ đồng. Và trên thực tế, từ đầu năm đến hết tháng 5, doanh nghiệp này đã 4 lần đề nghị tăng giá bán lẻ xăng dầu. Trong khi Petrolimex khẳng định hoà vốn thì một số doanh nghiệp kêu lỗ. Lãnh đạo của Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (SaigonPetro) cho biết, vào thời điểm tháng 9 đầu tháng 10 nhiều doanh nghiệp đầu mối lỗ nặng về nhập khẩu dầu do giá nhập khẩu tăng nhưng cơ quan quản lý không cho sử dụng quỹ bình ổn giá. Cũng theo lãnh đạo này, hiện nay cơ quan quản lý giá Nhà nước quyết định thế nào thì doanh nghiệp cũng phải theo.

Chính vì thế, cũng có ý kiến cho rằng vì Petrolimex không xin tăng giá nên sức ép lên kiến nghị không nặng và khó được chuẩn y. Tuy nhiên,  Bộ Tài chính cho rằng, diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang rất phức tạp. Trong khi dầu thô có xu hướng giảm mạnh thì giá xăng thành phẩm đang đứng ở mức rất cao. Điều này đã gây sức ép đáng kể lên giá bán lẻ trong nước. Song, với lý do ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tránh tác động lớn đến mặt bằng giá cả và các loại hàng hóa khác, đặc biệt thời điểm giáp Tết giá cả đang trong giai đoạn nhạy cảm, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp giữ ổn định giá bán các loại xăng, dầu theo mức hiện hành.

Bên cạnh đó, do mặt hàng xăng đang có lãi nên theo văn bản trên, bắt đầu từ 12h ngày 28/11, các doanh nghiệp phải tăng mức trích quỹ từ 300 đồng/lít lên 550 đồng /lít để có nguồn lực bình ổn giá khi thị trường có biến động. Đối với 3 mặt hàng đang lỗ, Cục quản lý giá cho phép doanh nghiệp được tăng mức xả quỹ để bù đắp một phần chênh lệch như đề nghị của Bộ Công Thương. Trong đó, mặt hàng diesel được trích xả quỹ 1.000 đồng/lít, dầu hỏa 900 đồng /lít, dầu ma dút 950 đồng/kg.

Lỗ hổng và bất hợp lý trong cách tính giá cơ sở

TS.Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội) cho rằng: Từ trước tới nay, kết quả tính toán giá bán lẻ xăng dầu giữa các đơn vị nghiên cứu, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp luôn có độ vênh nhất định cho dù có cùng chung những yếu tố tạo nên giá thành. Giá của các chuyên gia kinh tế tính toán thường rẻ hơn so với cách tính của doanh nghiệp và dư luận lại dấy lên câu hỏi vì sao không giảm giá. Nhưng, ngay cả cách tính toán của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương - hai cơ quan quản lý chuyên ngành - cũng có sự vênh nhau, chứng tỏ căn cứ tính giá bán lẻ xăng dầu rất phức tạp. Đây có thể là lỗ hổng của luật để doanh nghiệp có lãi nhưng vẫn kêu lỗ để không giảm giá.

Liên quan đến giá xăng dầu, tuần trước Bộ Công Thương đề ra 3 phương án: Tăng giá, giảm thuế, ngừng trích quỹ bình ổn hoặc xả quỹ để bù đắp một phần chi phí. Theo tính toán của Bộ Công Thương các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều lỗ ở 4 mặt hàng xăng A92, dầu diezen 0,05S, dầu hoả và dầu madut. Tuy nhiên, theo cách tính của Bộ Tài chính, doanh nghiệp chỉ lỗ 3 mặt hàng về dầu. Nhưng mặt hàng xăng A92 thì các doanh nghiệp vẫn lãi 288 đồng/lít. Sự vênh nhau về con số là do 2 Bộ dựa vào hai thời điểm tính giá cơ sở của chu kỳ tính giá khác nhau.

 

Công thức tính giá cơ sở này không thể là mẫu số chung cho tất cả doanh nghiệp, bởi mỗi nơi có cách điều hành và chi phí quản lý khác nhau. Lãnh đạo Petrolimex cũng như lãnh đạo (Saigon Petro) đã từng thừa nhận việc này. Công thức được Bộ Tài chính đưa ra nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng hiểu giá xăng dầu được hình thành ra sao, nhưng có nhiều dữ liệu khiến người dân càng băn khoăn. Nếu hiểu rằng công thức tính giá cơ sở này dùng để tham chiếu mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu thì nó phải sát với thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả tính toán dựa theo công thức do cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra không trùng khớp với cách tính của doanh nghiệp thì sự tồn tại của nó có ý nghĩa gì?

Ông Bùi Ngọc Sơn, trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế quốc tế (Viện Kinh tế và chính trị thế giới)  cho rằng, muốn giải quyết dứt điểm câu chuyện về giá xăng dầu thì phải có lộ trình cải cách giá (đưa giá này về sát thị trường). Muốn như thế, Nhà nước phải tạo ra được thị trường cạnh tranh.

Một chuyên gia kinh tế khác cho rằng: Cách thức tính dựa vào giá nhập khẩu bình quân 30 ngày xem ra không hợp lý, bởi 30 ngày là khoảng thời gian dài nên điều chỉnh trong nước thường không theo kịp thế giới. Chẳng hạn như trong tháng 6, lẽ ra đã có thể giảm giá trong nước nhưng sau một thời gian chần chừ, giá thế giới tăng trở lại, cơ hội của người tiêu dùng bị trôi qua. Đành rằng cần phải có quy định bắt buộc dự trữ lưu thông, nhưng nên linh hoạt thay vì thụ động như hiện nay.

Hơn nữa, gần như việc giám sát và chế tài các doanh nghiệp đầu mối trong công tác dự trữ lưu thông này bị bỏ ngỏ. Điển hình là trong đợt giá xăng dầu thế giới tăng cao hồi tháng 2, tháng 3, nhưng giá trong nước bị kiềm giữ, nhiều đầu mối đã không nhập hàng gây nên hiện tượng khan hiếm khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Bắc.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong: "Giá xăng dầu  thế giới lên xuống hàng ngày, cho nên để đưa ra con số sát giá thị trường thì chỉ nên tính giá bình quân từ 6-7 ngày".

Vừa qua, chính Bộ Công Thương cũng thừa nhận một số đầu mối không tuân thủ hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu, nhưng rồi cũng chẳng có biện pháp chế tài nào đưa ra. Lâu nay các đầu mối lớn vẫn kêu rằng một số đơn vị chỉ nhập hàng về bán khi thấy có lợi, còn khi tính toán lỗ thì không nhập.

Như vậy, quy định về dự trữ lưu thông có mang tính hình thức và dẫn đến sự méo mó về giá khi so sánh giữa thế giới và trong nước? Bất hợp lý này không chỉ xảy ra khi giá thế giới giảm mà cả khi giá thế giới tăng, trong nước cũng không điều chỉnh theo kịp, nhiều lần để khoản chênh lệch quá xa nên khi điều chỉnh tăng ở biên độ lớn đã tạo ra cú sốc cho người tiêu dùng, không chỉ gây xáo trộn thị trường mà còn là tiền đề làm cho lạm phát tăng cao.
 

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn