Sau khi vốn nhà nước ở Jetstar Pacific được chuyển cho VNA, thị trường hàng không sẽ giảm mạnh tính cạnh tranh - ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Lo ngại độc quyền về giá
Tiền thân của JPA là Pacific Airlines, ra đời năm 2004, do VNA cùng Saigontourist sáng lập và tham gia đồng chủ sở hữu, sau đó phần vốn do VNA nắm giữ được chuyển giao lại cho Tổng công ty đầu tư vốn nhà nước (SCICI). Theo một chuyên gia trong ngành, trước năm 2007, khi Pacific Airlines chưa bán 27% vốn cổ phần cho Hãng hàng không Úc Qantas, thị trường hàng không trên thực tế là cảnh “một mình một chợ” của VNA.
Sau khi bán cổ phần cho Qantas, dù liên tục rơi vào thua lỗ, và nhận được nhiều phàn nàn về chất lượng dịch vụ, nhưng việc JPA hướng vào phân khúc giá rẻ với những mức giá “giật mình”, chẳng hạn có lúc chỉ 15.000 đồng/vé, đã buộc VNA bước vào cuộc cạnh tranh về giá, áp dụng nhiều khung giá vé khác nhau. Thị trường hàng không cũng trở nên cạnh tranh hơn với sự góp mặt của một số hãng khác, dù cuối cùng JPA thua lỗ, còn Indochina Airlines phải đóng cửa, một vài hãng khác chỉ đăng ký nhưng chưa thể bay.
Theo công bố của ông Vũ Đức Đam - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hôm 1.12, Chính phủ đang xem xét và sẽ sớm có quyết định chuyển phần vốn chủ sở hữu nhà nước ở JPA từ SCIC (khoảng 70% vốn) sang một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác. Ông Đinh Việt Thắng - Phó cục trưởng Cục Hàng không VN - cho biết qua một thời gian hoạt động do khai thác không hiệu quả, JPA thua lỗ kéo dài. Bộ Tài chính đề xuất các phương án tái cơ cấu hoạt động JPA, một trong số giải pháp đó là chuyển giao trách nhiệm chủ sở hữu cho VNA.
Nếu quyết định trên được thông qua, VNA (hiện đang nắm giữ xấp xỉ 80% thị phần hàng không nội địa) sẽ nắm giữ một thị phần khổng lồ lên đến 97%, trải rộng từ phân khúc giá rẻ tới cao cấp.
Cũng theo vị chuyên gia trên, việc “trả” lại JPA cho VNA thực tế là “hổ thêm cánh”. Vì trước đây, dù vẫn ở thế độc quyền, nhưng VNA đã phải có những bước nhún mình nhất định khi chia sẻ mức giá rẻ để cạnh tranh với JPA. Lo ngại lớn nhất theo chuyên gia này, khi thị trường trở lại cảnh độc quyền gần như tuyệt đối của VNA là chính sách giá.
Theo ông Trương Thành Vũ - Giám đốc thương mại và dịch vụ Công ty CP hàng không Mê Kông, áp lực là đương nhiên vì VNA ở thế độc quyền lâu nay. Ông Vũ chia sẻ, riêng về chính sách giá, lợi thế trong việc đề xuất giá và áp các chính sách giá khuyến mãi của VNA hiện rất lớn, những hãng nhỏ không làm gì khác được về giá. Chia sẻ “ngậm ngùi” này của ông Vũ hoàn toàn dễ hiểu, nếu nhìn vào việc mới đây, VNA vừa đề xuất lên Bộ GTVT nâng mức giá trần thêm 15%.
Với 3% thị phần khiêm tốn còn lại, dù muốn cạnh tranh ở phân khúc giá rẻ hay cao cấp cũng là hết sức khó khăn với các hãng hàng không khác. Với các hãng đang triển khai bay, chỉ VietJet Air có xu hướng vào phân khúc giá rẻ. Nếu VNA không tiếp tục phát triển phân khúc giá rẻ của hãng, nguy cơ mặt bằng “giá sàn” sẽ bị đẩy lên cao hơn hiện nay.
Ra đời dễ, sống khó
Đừng để người tiêu dùng thiệt thòi Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo cấp phó của VNA cho rằng, với đặc thù là doanh nghiệp nhà nước, mọi hoạt động của hãng đều phải theo quy định. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với việc chuyển giao JPA về VNA, nếu không có những can thiệp cần thiết của Nhà nước, người tiêu dùng sẽ càng chịu thiệt thòi hơn với tình trạng độc quyền gần như tuyệt đối của VNA. |
Sau hơn 4 năm lỡ hẹn, Hãng hàng không VietJet Air mới chính thức khai trương bay thương mại vào đầu tháng 12 với 3 trục nội địa chính là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Đức Tâm - Phó giám đốc VietJet Air, chiến lược chính của hãng này là hướng vào đối tượng khách thu nhập trung bình và thấp với mức giá rẻ, nên cạnh tranh và áp lực sẽ là đương nhiên.
Thực tế, áp lực với VietJet Air sẽ là rất lớn, vì năm 2010, khi hãng này vừa có ý định bán 30% cổ phần cho hãng hàng không giá rẻ của Malaysia là AirAsia, VNA đã có văn bản phản đối lên Bộ GTVT với lý do việc liên doanh không hợp pháp, thương vụ này sau đó đã bị hủy bỏ.
Mới đây, trong hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện luật Hàng không dân dụng VN, ông Phan Xuân Đức - Phó tổng giám đốc VNA đã đề nghị điều chỉnh lại tổng mức góp vốn của nhà đầu tư là cá nhân và pháp nhân nước ngoài trong lĩnh vực hàng không với tỷ lệ dưới 25% vốn điều lệ (quy định hiện nay là không quá 49%), đồng thời khống chế mức góp vốn của một nhà đầu tư nước ngoài vào một hãng hàng không với tỷ lệ góp vốn dưới 10% vốn điều lệ (quy định hiện nay không quá 30%).
Dù chưa được thông qua, nhưng đề xuất này của VNA thực chất càng khép chặt cửa cạnh tranh hơn với các hãng hàng không tư nhân khác.
Lãnh đạo một hãng hàng không tư nhân bình luận, thị trường hàng không hiện tại không phải là mảnh đất tốt cho các hãng hàng không tư nhân ra đời và phát triển. Còn theo ông Vũ, “chính sách ra đời thì dễ, nhưng phát triển được hay không lại là câu hỏi lớn”. Ông Vũ cũng tâm tư, các doanh nghiệp tư nhân không cần tạo điều kiện nhiều lắm, chỉ cần được đối xử bình đẳng là đã có thể sống khỏe.
Với các dịch vụ mặt đất tại sân bay, theo ông Vũ, đây là dịch vụ độc quyền, “vấn đề là kiểm soát và chính sách của nhà nước như thế nào, kiểm soát chặt chẽ về giá cả và chất lượng dịch vụ cho các nhà cung ứng hàng không khác”.
(Thanhnien)