“Cò” cá ăn hết lợi nhuận của nông dân

Thứ hai, 05/12/2011, 04:23
Nói đến con cò, người ta thường nghĩ đến loài chim chuyên bắt cá tôm ở các ao, đầm, kênh rạch và tất nhiên, loài chim này không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng cá tra của các hộ nuôi ở khu vực ĐBSCL. Song trên thực tế, ngoài cò tự nhiên, còn đang tồn tại 4 loại hình "cò" mới đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất cá tra.


 

Người nuôi cá tra không chỉ bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn mà còn đủ thứ "cò" làm giảm lợi nhuận


Người nuôi cá bị chiếm dụng vốn

Ở thời điểm đầu tháng 12 này, giá cá tra nguyên liệu ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL dao động trong khoảng 27-28 ngàn đồng/kg đối với cá tra loại 1 (thịt trắng, trọng lượng xuất bán bình quân đạt 700-800 gram/con).

Với mức giá thu mua này, sau khi trừ chi phí sản xuất, người nuôi thu lãi từ 4-5,5 ngàn đồng/kg cá thịt. Giá thu mua nguyên liệu tăng do các doanh nghiệp xuất khẩu đang có nhu cầu lớn về cá nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu cho những đơn hàng đã ký.

Những thông tin trên đây đã được báo chí đưa tin trong nhiều ngày qua, nhưng con số chênh lệch giữa doanh số bán và chi phí đầu vào sản xuất cá tra thịt, 4-5,5 ngàn đồng/kg, chưa phản ánh hết thực tế tại các vùng nuôi.

Theo ý kiến của đa số người nuôi và doanh nghiệp ở Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp, giá thành cá tra vụ này khoảng 22 ngàn đồng/kg đối với ao hầm nuôi của doanh nghiệp và 23 ngàn đồng/kg đối với hộ nuôi. Mức chênh lệch giá thành này do doanh nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng và chiết khấu đối với thức ăn công nghiệp cũng như lợi thế về quy mô ao nuôi, kỹ thuật, con giống, làm hạn chế tỷ lệ hao hụt các giống thả và tăng năng suất, sản lượng khi thu hoạch.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn tại 5 tỉnh trọng điểm nuôi cá tra ở ĐBSCL trong tháng 11. Tính từ khi xuất bán cá tra cho doanh nghiệp đến khi thu được tiền, người nuôi cá tra phải chịu thêm nhiều khoản phí làm tăng giá thành cá tra lên mức 25-26 ngàn đồng/kg, lợi nhuận bị co hẹp và chỉ đạt mức 2-2,5 ngàn đồng/kg.

Tính toán sơ bộ từ kết quả khảo sát, trên 70% hộ nuôi phải vay vốn đầu tư sản xuất với số vốn vay chiếm trên 50% tổng số vốn đầu tư sản xuất; với khoản vay lớn và lãi suất bình quân lên đến 1,9-2,0%/ tháng, mỗi 1 kg cá tra thịt phải gánh thêm ít nhất 1 ngàn đồng tiền lãi vay tính trong 6 tháng nuôi.

Xét cụ thể trong 1 ao hầm nuôi có sản lượng 200 tấn cá tra nguyên liệu, sau khi ký hợp đồng bán cá và giao hàng cho doanh nghiệp, hộ nhận được tiền sau 1-3 tháng và như vậy nếu tính theo lãi suất vay ngân hàng họ phải gánh chịu thêm từ 1 – 1,5 ngàn đồng/kg cá do doanh nghiệp trả chậm; cùng với đó là khoảng 1 ngàn đồng/kg cá thịt hộ nuôi phải chịu sau khi giao cá khi trừ đi lãi suất từ khoản tiền ứng trước thức ăn chăn nuôi từ các nhà doanh nghiệp sản xuất thức ăn trong thời gian từ 1-2 tháng sau khi bán cá do không có tiền mặt để trả sau vụ nuôi.
 

Đủ thứ "cò" cá làm khổ nhà nông
 

Một vấn đề đáng lo ngại nữa là trong quá trình thu gom cá tra nguyên liệu, tính từ khi cá tra trong ao nuôi đủ điều kiện xuất bán đến khi người nuôi lấy được tiền, hộ nuôi phải chung tiền cho ít nhất là 4 loại cò với mức chi tiền dao động từ 200-250 đồng/kg cá.

Đầu tiên, thương lái hoặc đơn giản chỉ là những người địa phương nắm được thông tin thu hoạch của các ao hầm nuôi (gọi cò dẫn) đưa những nhân viên của công ty chế biến thủy sản hoặc người được doanh nghiệp tin tưởng giao trọng trách kiểm tra “cảm quan” chất lượng thịt cá (gọi cò mổ) đến các ao hầm nuôi để tiến hành mổ cá mẫu kiểm tra màu sắc thịt cá cũng như dư lượng kháng sinh có trong cá; sau khoảng từ 5-7 ngày, doanh nghiệp thông báo kết quả kiểm tra và thống nhất giá bán với chủ ao hầm; khoảng thời gian từ 1-3 ngày tiếp theo, nhân viên của doanh nghiệp sẽ tiến hành “động hầm” và bắt cá.

Việc vận chuyển cá thường được doanh nghiệp ủy quyền cho bên thứ 3 như chủ ghe hoặc hợp tác xã vận chuyển; để việc vận chuyển cá từ hộ đến nhà máy chế biến được thuận lợi, hộ phải bồi dưỡng “tiền dầu” cho người trực tiếp vận chuyển (cò chuyển), trung bình mỗi loại cò này hưởng mức bồi dưỡng khoảng 50 đồng/kg cá, riêng cò mổ thì mức bồi dưỡng cao hơn (khoảng 100-150 đồng/kg cá) do "thành tích" giúp hộ đánh giá đúng chất lượng cá và bán với giá “hợp lý” nhất.

Tất cả các khoản chung chi này hộ nuôi phải bồi dưỡng ngay cho 3 cò trên từ tiền thanh toán lần đầu (20-25% tổng giá trị hợp đồng bán cá). Trong thời gian thanh toán phần tiền còn lại của hợp đồng với doanh nghiệp, để rút ngắn thời gian thu tiền, hộ nuôi phải chung tiền cho nhân viên phòng kế toán của công ty, hoặc nhờ người quen biết doanh nghiệp “nói đỡ” để nhận được tiền thanh toán sớm, mức bồi dưỡng cho những đối tượng này (cò trả) khoảng 50 đồng/kg cá.

Như vậy, tính từ khi hộ nuôi cá tra bán cá đến khi hộ thu được tiền, hộ nuôi phải chung chi cho ít nhất 4 loại cò, với mức giá 28 ngàn/kg, sau khi hộ nhận được tiền thì giá bán cá chỉ còn 27.800 đồng/kg.

Xét trong một ao nuôi quy mô trung bình 200 tấn cá, hộ nuôi phải chịu phí tiêu cực khoảng từ 40-50 triệu đồng/vụ.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn, tình trạng các doanh nghiệp để mặc cho 4 loại cò nói trên xâu xé đàn cá tra ở các ao hầm nuôi như hiện nay làm cho khu vực sản xuất nguyên liệu chế biến cá tra ngày càng xấu đi.

Tình trạng này cần sớm được các cơ quan chức năng ở địa phương theo dõi, giám sát và can thiệp kịp thời vì người nuôi cá tra vốn đã bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn trong quá trình thanh toán như đã nói ở phần đầu, nay phải gánh thêm khoản tiêu cực phí, thay vì mức lợi nhuận sau khi trừ chi phí đầu vào (4-4,5 ngàn đồng/kg cá) hộ chỉ nhận được khoản lợi nhuận thực tế thấp hơn rất nhiều (từ 1-2,3 ngàn đồng/kg), chưa kể những hộ gặp rủi ro về thiên tai dịch bệnh thì mức lợi nhuận này thậm chí huề vốn hoặc thua lỗ.
 

Theo The SaigonTimes

Các tin cũ hơn